[Review Phim] Vô Gian Đạo
Vô Gian Đạo (Vô Gián Đạo, tựa tiếng Anh: Infernal Affairs) là một bộ phim hình sự Hồng Kông ra mắt năm 2002. Triết lý Phật giáo trong phim hàm chứa ở loạt nhân vật đầy mâu thuẫn và cái kết nghiệt ngã là lí do khiến người xem dễ có ấn tượng mạnh với bộ phim này.
Vô Gián Đạo là tên gọi của tầng cuối nơi Bát Nhiệt Địa Ngục trong Phật giáo. Đây là tầng ngục cùng dành cho tội nhân cực độc ác. Họ bị hành hình liên tục nhưng không thể chết, không thể siêu sinh để phải chịu đau khổ mãi mãi.
Tôi nghĩ, cũng khó tìm ra cái tên khác phù hợp hơn và chuyển thể chính xác nội dung phim như tên gọi này.
Vô Gian Đạo kể về hành trình truy bắt tên tội phạm Hàn Sâm của Thanh tra Huỳnh Chí Thành. Trợ giúp ông là cảnh sát nằm vùng Trần Vĩnh Nhân và ngăn trở ông là tên tội phạm mang vỏ bọc cảnh sát Lưu Kiến Minh. Cả hai tốt nghiệp chung một trường đào tạo.
Sự đối đầu luân phiên thay đổi giữa sáng và tối, thiện và ác trong phim giữa những đầu óc lão luyện khiến tiết tấu phim “chậm” một cách nghẹt thở. Tất cả các nhân vật đều che giấu bí mật và không muốn bị bại lộ. Hành động, lời nói, nụ cười của họ dù khoan thai song đầy toan tính.
Nhưng “Não người ta vốn sinh ra không phải để giữ bí mật” nên họ liên tục bị giày vò khi chính bản thân không biết rõ mình là người tốt hay xấu.
Quá trình nằm vùng tại một băng nhóm xã hội đen chuyên buôn bán ma túy và vũ khí khiến cảnh sát chìm Trần Vĩnh Nhân hoài nghi liệu mình có phải là cảnh sát hay không. Bởi chỉ duy nhất thanh tra Huỳnh, người trực tiếp giao nhiệm vụ, biết rõ anh là cảnh sát. Cuộc sống thường ngày của anh là của một tên tội phạm, có anh em là tội phạm, đồng nghiệp là tội phạm, sếp là tội phạm và công việc cũng là của tội phạm gần mười năm trời đằng đẵng.
Khi thanh tra Huỳnh bị giết hại, anh rơi vào tuyệt vọng. Không còn ai biết anh là cảnh sát nữa. Vĩnh Nhân đã cố gắng chứng tỏ mình là cảnh sát để rồi mất mạng vì điều đó. Bề nổi của vấn đề là cái chết vinh quang vì lý tưởng sống của bản thân. Song bề chìm của cái chết ấy là sự đau khổ, mất phương hướng về chính mình.
Sự thật là nếu có trở lại làm cảnh sát, thì một phần tâm hồn của Vĩnh Nhân đã mãi thuộc về bóng tối. Điều đáng sợ nhất trong cuộc chiến chống lại quỷ dữ là chính bản thân cuối cùng lại trở thành quỷ dữ.
Vào thời khắc Vĩnh Nhân từ chối cho Lưu Kiến Minh một cơ hội khác cũng là lúc anh đã trở thành một viên cảnh sát chỉ còn nghĩ đến mục đích của mình và cái chết của thanh tra Hồng. Trong phút giằng co định mệnh ấy, một tên nội gián có vỏ bọc cảnh sát khác đã bắn vào đầu Vĩnh Nhân. Ngay cả khi đã chết, chứng mất ngủ của anh vẫn tiếp diễn với đôi mắt chưa khép lại.
Giống với Vĩnh Nhân, Kiến Minh cũng có khát khao trở thành cảnh sát. Nhưng vì luôn hành động và suy nghĩ như tội phạm nên anh không thể thực sự trở thành cảnh sát. Kiến Minh liên tiếp lựa chọn sai để rồi đau khổ van xin cơ hội. Anh ta căm ghét chính bản thân mình, căm ghét quá khứ tội phạm, hiện tại vẫn phạm tội và tương lai bất an do quá khứ và thực tại ấy liên tục chực chờ vồ lấy anh.
Hình ảnh chiếc thang máy từ từ đi xuống ở đường hầm tối tăm nặng nề, bên trong có một người đã ra tay giết hại, phản bội hết người này người khác để che giấu bản thân báo hiệu nghiệp chướng khủng khiếp đang đợi Kiến Minh. Điều ấy cuối cùng đã trở thành sự thật khi mở đầu phần ba của phim đã xuất hiện thêm hình bóng mờ nhạt của các gương mặt quỷ sứ trên vách tường tăm tối. Cuối cùng do phản bội quá nhiều người nên rốt cuộc anh ta bị chính bản thân mình phản bội.
Đoạn kết trong phần ba của phim xảy ra vô cùng li kì. Nếu lý giải theo khoa học, thì do căng thẳng, sử dụng thuốc cộng với thiếu ngủ nên Kiến Minh đã hóa điên rồi hành động như Vĩnh Nhân đang truy bắt chính mình để tự tố cáo bản thân. Còn nhìn dưới góc độ tâm linh, thì Vĩnh Nhân do chết oan uổng đã nhập vào Kiến Minh, mượn thân xác Kiến Minh để báo thù. Khoa học hay tâm linh vẫn luôn là hai mặt của một đồng xu, tiếp nhận theo cách nào thì tùy vào nhận thức của người xem.
Nghiệp lực đã đưa Kiến Minh đến với Ngục Vô Gián trên trần thế. Anh bại liệt trên chiếc xe lăn đơn độc trong phần đời còn lại. Khác với Vĩnh Nhân, Kiến Minh chưa xứng đáng được chết.
Họ cũng đã từng ngồi nghe nhạc cùng nhau trong cửa tiệm bán loa, như hai người bạn. Đứng trước mộ Vĩnh Nhân, Kiến Minh cùng từng mơ ước có thể sống khác đi.
Mặc dù vậy, vẫn còn đó chiếc đồng hồ đeo tay bé nhỏ, thứ nhắc nhở họ về thời gian trong kiếp người ngắn ngủi. Những khoảnh khắc đã qua và đã lựa chọn, sẽ khiến người ta không đủ năm tháng để quay đầu làm lại mà không phải trả giá.
Thay cho lời kết
Khác với nhiều cảnh đánh đấm mãn nhãn như loạt phim Sát Phá Lang (Sha Po Lang), Vô Gian Đạo cũng rất thành công khi tái hiện được sự khốc liệt trong hiện thực cuộc sống ở cả những góc tối nơi ngoại cảnh lẫn bên trong nội tâm con người.
Cả hai bộ phim đều để lại cho người xem những trăn trở khó giải đáp.
Tinh thần Phật giáo trong phim thiên về Trí Tuệ hơn là Từ Bi. Thông điệp về quy luật nhân quả, những món nợ phải trả giá đắt và sự nghiêm khắc của số mệnh đã chứng minh điều ấy.
Nếu sống lâu vạn kiếp, người ta có thể để lương tâm lạc mất rồi mới tìm lại. Dù vậy, tìm chưa chắc đã thấy.
Ông trùm gan lớn, xảo quyệt Hàn Sâm rất chăm lễ Phật và thường hay được hỏi ông có phải Phật Tử hay không? Tuy nhiên, ông cũng chưa bao giờ dám nhận mình là Phật Tử. Bởi thực trong lòng Hàn Sâm, Phật là “tượng” chứ không phải “tâm”. Sau đó, Hàn Sâm chết tức tưởi dưới tay kẻ thân tín đi theo mình lâu năm nhất.
Nội dung tinh tế được biểu đạt thông qua âm nhạc u buồn, cảnh quay tỉ mỉ và lời thoại lắng đọng nhiều cảm xúc góp phần làm nên Vô Gian Đạo- tác phẩm đáng tự hào của nền điện ảnh Hồng Kông.
* Ảnh: Pixabay.