Phim do người đóng,  Review Phim

[Review Phim] Cuộc sống tươi đẹp (1997)

Nếu vẫn đang trăn trở bản chất cuộc sống là gì, thì bạn nên xem bộ phim Cuộc sống tươi đẹp của đạo diễn kiêm diễn viên Roberto Benigni để nhận ra sự thật: Cuộc sống là tấm gương phản chiếu tính cách và hành động của mỗi chúng ta.

Phim kể về chàng trai người Do Thái, Guido tới Ý lập nghiệp. Tôi cảm thấy thích cách đạo diễn xây dựng nhân vật này và cách ông hóa thân thể hiện nó. Anh là tổng hợp của sự thông minh dù đôi lúc hơi khôn ngoan, hóm hỉnh lồng theo sự láu cá và có một niềm tin đến mức ương bướng về tất cả mọi sự.

Chính những nét riêng có ở một người làm nên thứ gọi là cá tính nơi họ. Bản sắc riêng ấy giúp chúng ta thành công song cũng có thể làm chúng ta thất bại, có nhiều niềm vui đan xen kèm không ít rắc rối. Nhưng liệu có thể trông đợi gì hơn khi bản thân cuộc sống là vậy: luôn chuyển động để mang tới mọi điều mới mẻ bất chấp con người đã sẵn sàng đón nhận hay chưa.

Mặc dù bối cảnh phim thuộc về thời kỳ bóng đen u ám của phát xít Đức đang bao phủ ở nước Ý, nhưng khán giả vẫn được chứng kiến mối tình lãng mạn pha chút kỳ diệu theo kiểu hài hước giữa Guido và Dora. Bằng sự sáng tạo pha lẫn tính lạc quan vô bờ bến của mình, Guido đã khiến Dora yêu mến anh. Chú bé Giosua ra đời là kết quả cho mối tình của họ.

Guido mở một tiệm sách và hình ảnh đẹp nhất trong phim chính là cả gia đình cùng ngồi trên chiếc xe đạp rời khỏi nhà vào buổi sáng- biểu tượng của cuộc sống tươi đẹp mà họ đã can đảm cùng nhau tạo dựng và trân trọng.

Vậy nhưng, cha con Guido bị lính Đức bắt vào đúng ngày bà ngoại của chú bé đến thăm gia đình. Họ bị đưa lên chuyến tàu đến trại tập trung. Phát hiện chồng cùng con trai đang gặp nguy hiểm, Dora quyết tâm lên tàu đi theo.

Dora là một người phụ nữ có cá tính không kém gì Guido, cô luôn sống trọn vẹn với niềm tin của bản thân. Với cô thì Guido luôn là người đàn ông tốt nhất, không phải bởi vì anh thông minh, mà bởi dù thông minh thì anh vẫn không mất đi sự chân thành.

Tưởng chừng trại giam là nơi nghiệt ngã quá sức chịu đựng của chú bé Giosua, thế nhưng Guido đã nhanh chí tạo nên một thế giới tưởng tượng của trò chơi đầy thử thách mà phần thưởng sẽ là một chiếc xe tăng thật lớn.

Ở nơi địa ngục trần gian ấy, chú bé Giosua không những bảo toàn được tính mạng mà còn không hề bị đánh mất tuổi thơ nhờ vào sự tài trí của cha. Guido là người đàn ông bé nhỏ mang sự lạc quan phi thường và dường như anh không bao giờ tin vào cái chết. Niềm tin của anh đặt trọn vẹn nơi sự sống cũng những người anh yêu thương. Anh luôn hành động vì họ dù phải chấp nhận cái chết.

Hình ảnh xúc động nhất bộ phim chính là lúc Guido bị lính Đức dẫn đi xử tử. Anh ngang qua chiếc tủ nơi con mình nấp, với bước chân nhấc cao rất hoạt kê, anh còn kịp nháy mắt trêu đùa chú bé. Khó có thể tin rằng phút cuối của người cha dành cho con mình lại trôi qua nhẹ nhàng đến thế. Guido dành tặng toàn bộ niềm vui của sự sống cho con trai mà thông qua cái nháy mắt: anh trao lượt sống lại cho con mình mà không cần những lời tâm sự dài dòng về hối tiếc, mệt mỏi trong màn nước mắt, đáng lẽ thường có trong hoàn cảnh bi thương ấy.

Guido đã sống cuộc sống tươi đẹp bằng lòng can đảm, trí thông minh, tình yêu thương và sự hài hước của bản thân. Nếu bạn có những phẩm chất ấy, thì bạn cũng có thể tạo nên cuộc sống tươi đẹp cho riêng mình.

Đừng phiền trách cuộc sống sao lắm đau khổ, trái ngang khi bạn chưa đủ can đảm biến cuộc sống thành cuộc chơi của riêng mình. Nơi đó bạn có thể thắng, có thể thua, có thể sống và cũng có thể chết, nhưng quan trọng hơn là không bao giờ bạn để nó lấy đi tiếng cười, tình yêu và sự lạc quan thuộc về bạn.

Có lẽ, tư tưởng ấy là thông điệp mà không ít bậc đạo sư từng xuất hiện trên đời mong muốn truyền tải đến tất cả chúng ta.

Nguồn ảnh: Pinterest và Pixabay

  

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *