Phim do người đóng,  Review Phim

[Review Phim] Xuân, Hạ, Thu Đông Rồi Lại Xuân

Khi bình luận về bộ phim này tôi lại nhớ đến huyền thoại Bồ Đề Đạt Ma chín năm quay mặt vào vách tường (cửu niên diện bích). Ngài thiền định, chiêm nghiệm hay quán tưởng, quán chiếu có lẽ chỉ ngài là biết rõ hoặc chỉ những người sáng tạo nên huyền thoại ấy mới hiểu rõ. Sở dĩ nói vậy là vì khi xem xong bộ phim này, tôi hiểu được một số điều khi nhìn vào những điều không thể hiểu. Vì nội dung phim là một sự sáng tạo nghệ thuật mang tính tôn giáo và tính thiền rất cao. Những bình luận về bộ phim này cũng đã nhắc nhiều đến những chi tiết tượng trưng cho những công án thiền, cho sự huyền diệu của Phật giáo và sự trần tục của con người được ngăn cách bởi một cánh cửa không vách, về chân lý Tứ Diệu Đế hay về luân hồi, nhân quả cùng những giác ngộ do tự lực và tha lực mà con người ta hướng đến để vượt qua lục đạo.

ảnh: Internet

Nếu kể lại vắn tắt nội dung thì bộ phim là câu chuyện về một vị sư già và một chú tiểu sống cùng nhau trên một ngôi chùa cổ nằm giữa hồ, bao quanh là rừng núi cô tịch. Mỗi mùa trôi qua là mỗi thử thách đến. Chú tiểu trưởng thành và dần lạc vào những hiếu sát, sắc dục và vô minh còn vị sư già thì tượng trưng cho Phật tính dẫn dắt học trò của mình quay về con đường sáng. Có thể đó là hình thức hồi đầu giác ngạn hoặc cũng có thể chỉ là suy nghĩ của riêng tôi.

Mùa xuân, chú tiểu rơi vào hiếu sát

Chú tiểu lấy đá buộc vào những con vật bé nhỏ không sức kháng cự như con rắn, con ếch rồi thích thú xem chúng khổ sở kéo những viên đá đó theo. Biết chuyện, vị sư già đã buộc chú tiểu đeo một hòn đá nặng đi tìm lại các con vật ấy và nói nếu chúng chết, chú sẽ đau khổ suốt đời. Sau đó, chú tiểu bắt gặp một trong số chúng chết, chú đã òa khóc. Vị sư già vốn hiểu lẽ cảm nhận sự đau khổ sau khi gây ra đau khổ là lẽ công bằng, hòn đá buộc bên thân thật không đáng sợ bằng hòn đá buộc trong tâm.

Mùa hạ, vị sư trẻ rơi vào sắc dục

Khi đã trưởng thành, chú tiểu năm nào giờ là vị sư trẻ lại phải đối mặt với chính mình- lần nữa, như lời Phật dạy, kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình. Có một cô gái trẻ được gửi lên chùa để chữa bệnh, vị sư già hứa với người mẹ sẽ chữa tâm bệnh mà cô mắc phải. Cô gái đánh thức trong vị sư trẻ ham muốn nhục dục. Ham muốn này khiến cho vị sư trẻ không thể coi như chưa có chuyện gì xảy ra để sống theo sự chỉ bảo. Nếu nói vị sư trẻ yêu thì thật là vội vàng còn nếu nói anh ta đang sống theo bản năng thì có lẽ từ trước đến giờ chưa từng có vị sư nào tồn tại.

Từ động chạm ban đầu ngọn lửa dục ấy càng ngày càng trở nên dữ dội. Thái độ nửa hờ hững nửa mời gọi của cô gái càng làm cho vị sư trẻ bối rối hơn. Cả hai đều không biết rằng họ đang tạo ra mối liên kết thu hút lẫn nhau. Ham muốn đó cuối cùng đã trở thành những hành động cụ thể, vị sư trẻ đã ân ái cùng với cô gái, không chỉ một lần. Khi đón vị sư sư trẻ cùng với cô gái bơi thuyền lại, vị sư già khi ấy đang chấm nước viết lên phiến đá. Những hàng chữ tựa lý lẽ cao siêu huyền diệu đến giác ngộ mà viết lên bản ngã là cục đá trơ lỳ thì đương nhiên sẽ bay hơi rất nhanh. Vì đâu? Tại nước hay tại đá thì có lẽ phần nhiều sẽ cho rằng tại nước, bởi cục đá thì dễ dàng được nắm chắc trong tay, còn nước thì không như vậy.

Đêm hôm ấy, chú tiểu đã không đi qua cánh cửa mà bước qua sư phụ của mình sang chỗ nằm của cô gái. Sáng hôm sau biết chuyện, vị sư già không trách phạt nặng nề, ông chỉ nói rằng đó là lẽ tự nhiên và tiễn cô gái ra khỏi chùa bởi tâm bệnh đã dứt. Tuy nhiên, vị sư trẻ đã trốn sư phụ để đi theo cô gái, mang theo chú gà cùng pho tượng Phật. Lại một lần nữa tự nhiên ban cho con người tự do và tước đoạt đi của con người chính tự do ấy. Dù thân thể đã rời khỏi chùa để đi đến nơi nó cần đến nhưng tâm trí vị sư trẻ đã vướng phải bi lụy. Chẳng hay thêm một thứ là được một thứ hay thêm một thứ là mất một thứ?

ảnh: Internet

Mùa thu, con người mắc phải vô minh

Sau nhiều năm, vị sư già có một chú mèo để bầu bạn, ông đọc thấy trên báo tin truy nã một người đàn ông mắc tội giết vợ. Vị sư bình tâm sửa lại tấm áo cũ và chuẩn bị đón người học trò của mình trở lại. Anh ta quay lại nhưng tâm anh ta đã bị vô minh che phủ. Anh ta hung hăng thú nhận giết vợ vì cô ta ngoại tình, anh ta không thể tha thứ cho sự phản bội, anh ta mang theo con dao đã gây ra tội lỗi, anh ta nói rất nhiều về tình yêu mình dành cho cô gái để lý giải hành động. Thật khó tin anh ta là vị sư trẻ đã yêu cô gái vào mùa hè năm nào, tất cả dường như chỉ là sự đầu hàng bản năng, sự vị kỷ nhấn con người ta trong tam độc tham, sân, si. Giãi bày với sư phụ xong, anh ta trốn trong buồng và dán những miếng giấy có chữ “Bế” (đóng lại) lên mắt, mũi, mồm định sẽ tự sát. Nếu anh ta tin hành vi trừng phạt sự phản bội trong tình yêu là đúng đắn, tại sao anh ta lại đau khổ?

Vị sư già phát hiện ra, anh ta không chết nhưng bị một trận đòn. Ông không muốn đệ tử của mình chết để chuộc lỗi, ông muốn anh ta sống để nhận lỗi. Đành rằng sự dày vò ấy sẽ theo anh trọn kiếp nhưng vậy sẽ tốt hơn một linh hồn mãi không được siêu sinh, theo cách này hay cách khác thì nghiệp là một món nợ hay một phần thưởng là tùy vào cách người ta tạo ra nó.

Thế rồi, có hai viên thám tử tìm đến chùa để truy bắt chàng trai. Họ ngạo mạn, sắt đá, vững tin vào sứ mệnh thực thi công lý, trừng phạt kẻ có tội. Thế nhưng vị sư già không bỏ mặc đồ đệ của mình, cũng như tâm không bao giờ bỏ con người trước khi con người bỏ tâm. Ông dùng đuôi của chú mèo thay bút, chấm mực viết kinh Bát Nhã lên sàn để vị sư trẻ khắc theo, anh ta phải dùng chính con dao đã giết vợ để khắc. Khắc từng chữ, từng chữ liên tục trong đêm để kịp hoàn thành vào buổi sáng- thời hạn mà hai viên thám tử sẽ dẫn anh về chịu tội. Trong đêm ấy, vị sư trẻ trở lại là vị sư trẻ trước đây, vị sư già luôn là vị sư già còn hai viên thám tử tìm lại được tâm của mình khi quên đi ngạo mạn để thấy xót thương con người lầm lạc, họ đã lấy sơn tô màu cho bài kinh Bát Nhã khi vị sư trẻ khắc xong, họ không nhìn vị sư trẻ thông qua chủ kiến nữa mà là sự thông cảm giữa con người với con người. Bộ phim không dừng lại ở đó…

ảnh: Internet

Mùa đông và mùa xuân

Câu chuyện mùa đông là tiền đề những gì sẽ xảy ra vào mùa xuân năm sau. Nhân quả cứ vậy liên miên nối tiếp nhau không dứt. Mặc dù nội dung phim vẫn còn nhưng nếu kể trọn ra đây thì lại thành biết rõ quá. Mà người cái gì cũng biết rõ là người chẳng biết rõ cái gì cả.

Vị sư già có nói: “Giết người thì dễ nhưng giết mình mới khó”, tức phá bỏ ngã chấp phải bắt nguồn từ việc sửa mình chứ không phải sửa người. Đây cũng là câu nói để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất trong bộ phim.



Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *