[Giáo dục] Những chuyến đi và sự khôn lớn
Mỗi chuyến đi mang đến cho con người trải nghiệm mới và những cơ hội mới. Vậy nhưng vòng tay êm ấm của gia đình, nhịp điệu của cuộc sống ổn định theo thời gian dần dần khiến chúng ta ngại ngần trước những chuyến đi. Hãy can đảm bước đi, để bản thân được mở rộng tầm mắt.
Sự ngần ngại
Dân gian có câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” để khẳng định ích lợi của sự xê dịch. Những chuyến đi không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của xác thân, mà còn là tâm trí. Đi giúp người ta thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm nhận những điều vô cùng mới mẻ. Để từ đó thúc đẩy khao khát học hỏi, trải nghiệm, hoàn thiện trong tâm hồn.
Mặc dù vậy, vẫn có những lý do ngăn con người khám phá những chân trời mới. Trước đây, nguyên nhân là giới hạn về kinh tế, phương tiện, định kiến khiến người nông dân chỉ biết quanh năm luẩn quẩn sau lũy tre làng. Còn ngày nay, khi cuộc sống của chúng ta đủ đầy hơn, thì không hẳn việc chu du trở dễ dàng hơn.
Tuổi trẻ gắn với tự do còn sau khi lập gia đình, không ít người mặc định tâm lý sống cuộc đời bền vững, ổn định. Dường như họ tin rằng chỉ khi còn trẻ mới có thời gian đi và nên tranh thủ đi. Do sinh kế, nhiều cặp vợ chồng quên mất thú vui từ những chuyến đi, nguồn thu nhập được dồn hết cho việc chi dùng các nhu cầu thiết yếu hằng ngày càng làm cho người ta gắn chặt hơn vào vòng quay mùa vụ không khác mấy so với nhà nông trước đây. Dần dà, cặp đôi cảm thấy không muốn đi, rồi thì lười đi và cuối cùng là ngại đi.
Từ đó, bậc làm cha làm mẹ cũng có chút e dè khi để cho con cái của mình được đi.
Nắm tay quá chặt
Khi thành viên mới trong gia đình cất tiếng khóc chào đời với tư cách con đầu lòng, cháu đích tôn thì đương nhiên là cả nhà tưng bừng như mở hội. Nếu đó là cậu con trai, cô con gái của một cặp vợ chống hiếm muộn thì niềm vui ấy lại càng rỡ ràng hơn nữa.
Những cái tên gắn với độ trân quý liền xuất hiện, nửa đùa nửa thật, như: “Gia Bảo”, “Bảo Bối”, “Cậu”, “Công chúa”. Cả gia tộc xoay xung quanh thành viên bé nhỏ trong niềm hạnh phúc. Theo năm tháng, cậu bé, cô bé ngày càng lớn hơn và cảm thấy muốn rời khỏi chiếc nôi- dù là bọc gấm của mình, để khám phá thế giới.
Khám phá thì luôn kèm theo những thử nghiệm lần đầu. Các bạn trẻ không thể tránh khỏi từ xây xước chân tay cho tới va vấp với cuộc sống. Tuy nhiên, phụ huynh lấy vậy làm xót xa rồi muốn hạn chế đến mức tối đa quá trình bước đi của con em.
Tình thương mãnh liệt khiến họ không muốn con cái rời xa mình, mà muốn con lúc nào cũng phải trong tầm mắt, tầm tay. Tâm tư của cha mẹ kéo theo những hành vi như: không muốn con có nhiều bạn bè, từ chối cho con tham gia các hoạt động tập thể, luôn lo lắng con bị thiệt thòi hoặc không thể thích nghi, tưởng tượng ra những điều khủng khiếp nếu không có mình bên cạnh con, không thể ngủ được nếu con đi xa nhà, bối rối khi con biết yêu v.v…
Những đứa trẻ chợt nhận ra chiếc nôi bằng gấm cùng vòng tay cha mẹ đã giữ chặt mình lại. Chúng bắt đầu phản kháng bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi mới lớn, để rồi gia đình chẳng còn bầu không khí an vui như trước đây.
Liệu tình thương có nên là một chiếc lồng, dù rằng chiếc lồng bằng vàng chăng nữa?
Cuộc sống duy nhất
Sự sống thiêng liêng bởi nó chỉ diễn ra một lần, không trùng lặp. Mỗi cá nhân đều có khoảng thời gian hữu hạn của riêng mình. Không ai trong chúng ta biết đích xác khoảng thời gian hữu hạn đó là bao lâu, chỉ biết rằng nó sẽ rất nhanh chóng qua đi.
Thật phí hoài nếu sống song không thể tận hưởng trọn vẹn cuộc sống để tìm ra ý nghĩa đời mình. Hành trình ấy không ai có thể giúp ai, vì dù là bậc cha mẹ anh minh, giàu có, sáng suốt, giàu tình thương nhất cũng không thể nắm tay con mãi mãi.
Vậy nên, các bậc phụ huynh cần can đảm để con trẻ bước ra thế giới. Dĩ nhiên, mong bậc cha mẹ nhớ cho, đó không phải hành động đẩy con ra ngoài xã hội từ sớm hay bỏ mặc cho con đơn độc từ nhỏ. Ngược lại, chỉ những trái tim bao dung nhất kèm theo tâm trí tinh tường nhất của đấng sinh thành mới xác định được khi nào là thời điểm phù hợp để con lên đường.
Chuyến đi là vì lợi ích của con, thay vì là quan điểm hay ý muốn chủ quan của cha mẹ.
Khi đã tận hưởng đủ muôn làn gió mát lẫn bão giông nơi biển cả, con cái sẽ trưởng thành, sẽ đủ khôn lớn để nhận ra: Đi là để trở về.
Ngày về không còn là những đứa trẻ non nớt, mà thay vào đó sẽ là những công dân có bản lĩnh, nghị lực đồng thời biết trân trọng mái ấm của chính mình.
Đó cũng là lúc dù có ở nơi đâu, cha mẹ cũng an tâm về con cái để bắt đầu thực hiện chuyến đi của bản thân trong niềm hạnh phúc.
*Bài đăng trên Tạp chí Gia đình & Trẻ em số 53 năm 2020.