Giáo dục,  Kinh nghiệm giáo dục

[Giáo dục] Cha mẹ: Người bạn thân thiết bên con

Khi những cô bé, cậu bé trở thành những chàng trai, cô gái thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đều ít nhiều có sự thay đổi. Câu chuyện giữa đúng và sai bắt đầu xuất hiện. Vậy làm thể nào để giải quyết mâu thuẫn và trở thành người bạn thân thiết của con?

 

Tiếng quát át tiếng cười

Kết thúc một ngày dài, ai trong chúng ta cũng muốn về bên gia đình thân yêu. Thế nhưng mọi thứ bỗng đảo lộn khi cô con gái và cậu con trai chợt thỏ thẻ trình bày một yêu cầu khác lạ hay mang đến một thông tin “tày trời” bằng thái độ dửng dưng.

Những lúc ấy, bao buồn bực, mỏi mệt tích lũy trong lòng cha mẹ dường như tuôn trào không gì cản nổi. Khi nóng giận thì người thông thái nhất cũng khó nói lời thông thái mà người hiền lành cũng chẳng thể kiểm soát tông giọng của mình sao cho êm đềm.

Vậy là, lý lẽ trong lời nói thì ít mà sự chỉ trích thì lại rất nhiều. Cha mẹ quên mất vai trò bề trên, quên mất bao năm kinh nghiệm sống của mình để rồi chỉ nhấn mạnh câu từ nặng nề đối với con trẻ. Dù biết rằng “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng” song liệu mấy cô bé, cậu bé hiểu được điều này khi vẫn đang trong vòng tay bao bọc của cha mẹ?

Nếu trẻ đã ưa sự chiều chuộng, thì chỉ một cử chỉ dứt khoát, một lời nói khó nghe cũng đủ khiến các em xúc động mạnh. Vậy thói quen luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con đã biến thành trở ngại trong việc giáo dục con.

Trẻ nhỏ còn có thể khoanh tay xin lỗi, còn trẻ lớn hơn thì hành động ấy thật khó khăn. Tiếng quát đã át đi tiếng cười giữa các em và cha mẹ mình.

Giai đoạn gian khổ

Khi con cái bước sang tuổi dậy thì, cha mẹ cũng bước vào một chặng mới trên đoạn trường dạy dỗ. Ở lứa tuổi này, trẻ chưa hiểu rõ thế nào là đúng, là sai song lại luôn tự tin rằng mình đúng. Ý thức về “cái tôi” bùng nổ dữ dội trong các em thường khiến các em thấy lỗi lầm của những người xung quanh rõ rệt hơn chính thiếu sót của bản thân. Thêm vào đó, thế giới của các em giờ còn có sự ảnh hưởng đáng kể của bạn bè, của mạng internet và thậm chí là của những rung động đầu đời.

Đời sống nội tâm phong phú song không kém phần phức tạp sẽ dẫn tới nhiều biến đổi trong lời nói và hành động của các bạn nhỏ. Cha mẹ sẽ dần phải làm quen với việc các em không còn “gọi dạ, bảo vâng” nữa, thay vào đó sẽ là sự phản biện, phản đối và thậm chí là im lặng hoàn toàn.

Ở tình huống này, nếu cha mẹ sốt sắng muốn con trưởng thành, chín chắn thì thường sẽ gia tăng khoảng cách. Bởi các em chỉ nghe và tin theo những lời ngọt ngào biết xoa dịu “cái tôi” của các em. Thay vì bị cha mẹ trách móc, em nào cũng thích thú, trông đợi những lời tán dương từ bạn bè bất luận hay, dở.

Nếu cha mẹ không nắm bắt tâm lý thì thường sẽ mang tới hậu quả là mắng được con song không giữ được con. Nhiều chàng trai, cô gái đã dại dột bỏ nhà hoặc gây tổn hại đến thân thể chỉ vì phút nông nổi tức thời ngay sau khi bất hòa với cha mẹ.

Nếu con em càng ngày càng ít tâm sự với cha mẹ thì đó là dấu hiệu các em đang tin tưởng và tâm sự ở nơi khác nhiều hơn. Các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, kiên trì và tinh tế để hóa giải vấn đề này.

Lạt mềm buộc chặt

Mặc dù có rất nhiều sách vở, phương pháp hướng dẫn nuôi con tuổi dậy thì, song người viết vẫn rất tâm đắc giới thiệu lại với cha mẹ câu “lạt mềm buộc chặt”.

Kho tàng tri thức dân gian của dân tộc chúng ta có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ sâu sắc mà nếu chịu khó tìm tòi, suy ngẫm thì vô cùng hữu ích. Đặc biệt trong giáo dục con người, thì không tư tưởng nào hay hơn là “lạt mềm buộc chặt”.

Sợi lạt mảnh mai mà rất mạnh mẽ, nhẹ nhàng song lại bền bỉ trong nước sôi trăm độ và một khi đã gói thì hầu như chắc khuôn. Nuôi dạy con cũng cần đến những tố chất như vậy.

Lại thêm một hình ảnh nữa trong tự nhiên là những tảng đá thô kệch, nặng nề nếu bị tia sét hung hăng giáng xuống thì vỡ nát tan tành. Thế nhưng, gặp dòng nước hiền hòa êm dịu thì lại dần dần được tạo tác trở nên có hình hài đẹp đẽ- “vì nước chảy đá mòn”.

Sinh con dễ, nuôi con khó nhưng có khó thì mới phải học. Và cha mẹ có học sẽ có hơn: có bản lĩnh, hiểu biết, căn bản và tự chủ hơn.

Cuộc sống đầy đủ tiện nghi cho người ta nhiều thứ nhưng cũng lấy đi ở họ đức tính nhẫn nại. Ở cha mẹ, đó là sự nôn nóng mong muốn con trưởng thành và học được cách cư xử như những người từng trải. Ở con cái, đó là sự hấp tấp trong việc chứng tỏ bản thân.

Như nhà văn George Orwell từng nói: “Mỗi thế hệ đều tưởng rằng mình thông minh hơn thế hệ trước, và thông thái hơn thế hệ sau”.

Vẫn luôn có những khoảng cách thời đại, tuổi tác, quan niệm giữa cha mẹ và con cái. Thế nhưng thu hẹp khoảng cách ấy là trách nhiệm của cả đôi bên. Trong đó, người lớn sẽ có trách nhiệm rõ ràng hơn: cha mẹ hãy trở thành người bạn thân thiết bên con.

*Bài đăng trên Tạp chí Gia đình & Trẻ em số 53 năm 2020.

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *