[Giáo dục] Đừng nuôi con thành những “cậu ấm, cô chiêu”
Trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ trong vòng tay của cha mẹ. Vậy nhưng cha mẹ đừng quên, các con cũng cần được hướng dẫn và vun trồng đức tính sẻ chia, biết quan tâm đến mọi người xung quanh.
Nuôi con, chớ quên dạy con
Mặc dù phải đối mặt với áp lực học tập lớn hơn, nhưng điều kiện sống của trẻ em ngày nay đã cải thiện đáng kể so với trước đây. Các em được ăn uống đầy đủ chất, hợp khẩu vị hơn. Trang phục không chỉ đủ ấm mà còn đẹp, nhà ở cũng khang trang, đầy đủ tiện nghi hơn. Rất hiếm em học sinh phải vừa học, vừa làm để nuôi bản thân. Ở những gia đình có điều kiện, các em còn được sắm những món đồ công nghệ đắt tiền và được đi du lịch cùng gia đình.
Đủ đầy hơn, liệu có phải là các em sẽ biết sẻ chia sớm hơn?
Sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, anh Thịnh (Hà Nội) chờ đợi bữa cơm đầm ấm bên gia đình. Nhưng con gái anh lại muốn ăn món khác, anh đành lóc cóc quay xe đi mua cho con. Đồ ăn vặt anh mua về không hoàn toàn đúng như ý, cô bé khóc lóc rồi chạy lên phòng đóng cửa. Mặc cho bố mẹ đã mệt nhoài sau một ngày làm việc mà vẫn phải dỗ dành, cô bé vẫn kiên quyết không ăn tối cùng gia đình.
Gia đình chị Bình (Hà Nội) có duy nhất một cậu con trai. Nên anh chị chăm sóc con hết mực. Mọi yêu cầu của cậu bé: từ việc mua sắm bộ quần áo tiền triệu dịp sinh nhật cho đến ăn những món ngon, quý hằng ngày để tẩm bổ, anh chị đều không tiếc con. Dù hoàn cảnh gia đình ở mức cơ bản, nhưng anh chị vẫn gắng cho con vào trường chuyên, lớp chọn để rồi dù lâm vào cảnh “con đi học, cha mẹ đi thi” anh chị vẫn gượng cười lo liệu cho cậu bé. Dĩ nhiên ở vào hoàn cảnh như vậy, tính nết cậu bé thế nào thì bạn đọc hoàn toàn có thể đoán được.
Ảnh minh họa: Unsplash
Dường như vẫn có những bậc cha mẹ vì quá thương con, lo con thiệt thòi nên đã sớm chuẩn bị cho con tư tưởng “sống dựa” vào cha mẹ một cách bền vững. Hệ quả là, bước vào môi trường sinh hoạt tập thể, những “cậu ấm, cô chiêu” vốn quen thói ích kỷ chẳng thể thích nghi.
Những đứa trẻ liệu có thể lớn lên, biết sẻ chia với mọi người xung quanh khi đã quen với sự chiều chuộng này không?
Để con trưởng thành
Sự quan tâm, biết chia sẻ với người khác là phẩm chất của con người trưởng thành. Nếu trẻ thiếu đi phẩm chất này, thì dù có nhiều tuổi cũng vẫn chỉ là những đứa trẻ lớn tuổi.
Cha mẹ nào cũng thương con, cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con cái. Vậy nhưng lúc nào cũng thuận lợi, lúc nào cũng được người khác yêu chiều, cung phụng, trợ giúp thì có tốt cho con trẻ không? Không phải ngẫu nhiên mà cổ nhân từng đúc kết câu nói “Chiều con quá con hư, tiền của dư con hỏng”.
Nuôi dạy con không nên chỉ dừng lại ở việc tạo cho con thói quen nhận về, mà cha mẹ sáng suốt cần phải tập cho con thói quen cho đi, biết sẻ chia với mọi người xung quanh.
Hầu hết trẻ em bẩm sinh mang tính thiện, tính thảo. Các em rất sẵn lòng san sẻ niềm vui, quà bánh. Nhưng trong quá trình nuôi con, không ít cha mẹ vì sốt sắng chăm lo mà làm mai một đi đức tính tốt đẹp này của con. Thậm chí, còn dạy con khôn khéo sao cho càng nhận về bản thân nhiều thì càng hay. Khôn ngoan đối đáp người ngoài chưa thấy đâu, cuối cùng những đứa trẻ đem chính điều chúng được dạy ra áp dụng với cha mẹ. Để rồi, đến tuổi trưởng thành, chúng hờ hững trong việc lập thân, lập nghiệp mà phó thác tất cả cho mẹ cha. Để hai thân già còm cõi nuôi thân trẻ.
Ảnh minh họa: Unsplash
Muốn tránh rơi vào kết cục chua chát ấy, cha mẹ cần sáng suốt hiểu rằng: thương con không phải là hoàn toàn “cho roi, cho vọt” cũng không phải chỉ toàn “cho ngọt, cho bùi”. Thương con, song nghiêm minh đúng lúc mới giúp con nên người.
Gia đình chị Minh (Hà Nội) chú ý nuôi dạy ý thức sẻ chia cho con từ rất sớm. Ngoài giờ học ở trường, cậu bé giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà, kèm em học bài. Ngoài ra, cậu cũng rất hiếu thảo với ông bà. Bởi cậu thường được cha mẹ dạy rằng nếu không có ông bà thì sẽ không có cha mẹ. Dù con trai ngoan ngoãn là thế, chị Minh cũng không nuông chiều hay đáp ứng tùy tiện những ý thích nhất thời của con. Khi muốn có một thứ gì đó, cậu thường tự tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua. Năm nào cậu cũng dành ra một khoản tiền nhất định để góp cho các quỹ từ thiện hoặc các dự án vì cộng đồng. Mặc dù khách khứa đến nhà ai cũng tấm tắc khen ngợi cậu, nhưng anh chị thường chỉ nhẹ nhàng cảm ơn- anh chị ít khi khoe khoang về con trai mình, thật là “hữu xạ tự nhiên hương”.
Mong rằng, các bậc cha mẹ đừng quên bài học về sự sẻ chia, biết quan tâm đến nhau là bài học quan trọng nhất mà trẻ cần được học trước khi bước vào đời.