
[Giáo dục] Học thiền để xoa dịu bất an tuổi dậy thì
Trong quá trình trưởng thành, giai đoạn trẻ bước vào tuổi dậy thì là lúc cần đến sự hỗ trợ từ cha mẹ nhất. Thế nhưng, đây cũng là giai đoạn không ít bậc cha mẹ cảm thấy bất lực trước phản ứng thất thường từ con em mình. Để góp phần giảm thiểu áp lực cho các bậc phụ huynh và các bạn trẻ, thì đến với thiền là lựa chọn đáng để cân nhắc.
Khủng hoảng tuổi dậy thì
Bước sang tuổi dậy thì, trẻ phải đương đầu với một loạt biến đổi về tâm – sinh lý. Sự bùng nổ toàn diện ấy góp phần tạo nên hiện tượng “Khủng hoảng tuổi dậy thì” mà bậc cha mẹ nào cũng lo lắng.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan – Phụ trách khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết dậy thì là giai đoạn phát triển từ trẻ em sang người trưởng thành, được bắt đầu từ 10 tuổi đến 19 tuổi. Bác sĩ Loan cho biết rất nhiều phụ huynh đã chủ quan với sự thay đổi tâm lý của trẻ ở độ tuổi dậy thì. Điều này là vô cùng nguy hiểm, bởi không nắm bắt tâm lý trẻ khi dậy thì kịp thời sẽ để lại những hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn tâm lý giáo dục, Khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích: “Tâm lý tuổi dậy thì thường rất dễ bị khủng hoảng. Các em lớn lên về sinh lý nhưng về mặt tâm lý xã hội thì vẫn còn non nớt, muốn thể hiện chính kiến, muốn khẳng định cái tôi. Chỉ cần cha mẹ vô tâm không thấu hiểu đặc điểm này của lứa tuổi, buông ra một lời xúc phạm, mắng mỏ hay đánh đập là khiến trẻ bị kích động, không kiềm chế được. Sự vô tình đó có thể sẽ thôi thúc trẻ bỏ đi để thoát khỏi vòng tay cha mẹ”.
Ở độ tuổi dậy thì, trẻ thường dễ mắc phải các hội chứng tâm lý như: Rối loạn cảm xúc; Stress và Trầm cảm; Rồi loạn tâm lý và hành vi. Nếu các em không được quan tâm giúp đỡ kịp thời, thì rất có thể sẽ xảy ra hậu quả đáng tiếc (bỏ nhà ra đi, nghiện internet, bị bạn bè xấu lôi kéo vào các tệ nạn xã hội v.v…) để lại ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai sau này.
Học thiền để xoa dịu bất an
Trong bài viết “Thiền là gì? 12 lợi ích của Thiền dựa trên khoa học” (nguồn: Vinmec.com) khẳng định: “Thiền có thể xóa tan căng thẳng, mang lại sự bình yên cho nội tâm của bạn. Nếu căng thẳng khiến bạn lo lắng, hãy thử thiền định. Dành chỉ một vài phút trong thiền định cũng có thể khôi phục sự bình tĩnh và bình an nội tâm của bạn.”
Cụ thể, 12 ích lợi mà Thiền có thể mang lại gồm: Giảm căng thẳng; Kiểm soát lo lắng; Thúc đẩy sức khỏe cảm xúc; Nâng cao nhận thức về bản thân; Kéo dài thời gian chú ý; Có thể giảm mất trí nhớ ở người già; Có thể tạo lòng tốt; Có thể giúp cai nghiện; Cải thiện giấc ngủ; Kiểm soát cơn đau; Có thể làm giảm huyết áp; Có thể thực hiện ở mọi nơi.
Nếu các bạn trẻ đang tuổi dậy thì được tiếp xúc, trải nghiệm thiền thì sẽ có ích lợi nhất định trong việc xoa dịu sự căng thẳng và điều hòa thể trạng, tâm trí.
Trong bài viết “Lợi ích của thiền đối với trẻ” (Đăng tải trên trang Vinmec.com), Chuyên viên Thiền Yoga trị liệu Chu Thị Nhã – Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City có nhận xét: “Thiền đem lại rất nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ. Nó giúp làm giải tỏa sự nhút nhát và lo lắng cũng như làm giảm sự hung hăng và hiếu động. Thiền có tác dụng làm tăng khả năng tập trung, sáng tạo và cân bằng cảm xúc. Thiền là công cụ tuyệt vời để trẻ ứng xử với áp lực ở nhà và ở trường. Trẻ em ở nhiều độ tuổi, từ rất nhỏ cho đến vị thành niên, đều có thể tập thiền và đạt được rất nhiều điều tốt đẹp.”
Tuy nhiên, để giúp trẻ em đến với thiền một cách an toàn và hiệu quả, cha mẹ cần hiểu rõ đặc điểm của con em mình. Vì dù thiền tốt cho tâm trí nhưng nếu các bạn nhỏ bị ép phải thiền thì sẽ không có tác dụng. Thậm chí còn tạo ra tác dụng ngược, gây thêm căng thẳng, ức chế cho trẻ.
Các bậc cha mẹ nên tìm đến những thầy dạy thiền tại các cơ sở rõ ràng, uy tín để cùng con trải nghiệm (thiền cũng rất tốt đối với người lớn). Kết thúc buổi thiền, cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện, lắng nghe cảm nhận từ con. Một số bạn nhỏ sẽ phù hợp với thiền động (tập trung vào làm việc, vận động) hơn là thiền tĩnh (ngồi im tại chỗ).
Thiền dành cho trẻ em có khác biệt so với người lớn, bởi các em thường phù hợp với những hình thức thiền đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hành trong thời gian ngắn hơn so với người lớn. Ngoài ra, tiến bộ của thiền mang lại thường có tính chất tiệm tiến, nên cha mẹ cần kiên nhẫn khi đồng hành cùng con.
Một vài gợi ý bổ sung
Vấn để lớn nhất của khủng hoảng tuổi dậy thì thường nằm ở việc trẻ không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân, cảm thấy dễ mất niềm tin vào bản thân cùng những người xung quanh, mất thăng bằng tâm – sinh lý, nhu cầu được tôn trọng và chứng tỏ ở mức khá cao (thậm chí đôi lúc cao gay gắt).
Tuy nhiên, việc vượt qua giai đoạn này là hoàn toàn có thể, nếu trẻ và gia đình cùng lưu ý thêm một vài điểm sau, bên cạnh việc tập thiền:
– Nên dành thời gian chơi thể thao và vận động với cường độ hợp lý để giải tỏa năng lượng. (Có không ít bạn ở lứa tuổi từ 13 đến 19 tuổi không hề chơi môn thể thao nào vì lịch trình học tập kín mít và sau khi học xong, các bạn có thói quen ở trong phòng sử dụng máy tính, điện thoại).
– Trẻ nên được hướng dẫn về ý thức trong việc bày tỏ quan điểm của bản thân và lắng nghe người khác (phụ huynh cần phân tích để trẻ hiểu người trưởng thành không phải là người nói nhiều, mà là người biết lắng nghe).
– Trẻ cũng nên được khuyến khích thường xuyên trò chuyện với người thân trong gia đình và bộc lộ cảm nhận, mong muốn của bản thân. Người lớn không nên phán xét khi trẻ có nhu cầu muốn được thấu hiểu.
– Cha mẹ cần giúp con hạn chế thức khuya, giảm các thực phẩm rán, chiên, đường đơn, nước tăng lực và tuyệt đối không để trẻ sử dụng các chất kích thích.
– Trẻ cần có khung thời gian giải trí cố định để không chìm đắm quá nhiều vào thế giới ảo và các thiết bị công nghệ. Bởi lượng thông tin ồ ạt từ các nguồn khác nhau có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái ảo giác, hoảng loạn và có thái độ tiêu cực về cuộc sống.
Bên cạnh thói quen sinh hoạt lành mạnh và tập thiền, thì sự thấu hiểu giúp đỡ từ cha mẹ luôn là món quà quý giá nhất dành cho mỗi đứa trẻ trong độ tuổi dậy thì.
* Ảnh: Pixabay
