Giáo dục,  Kiến thức giáo dục

[Giáo dục] Học Online: Kết nối và khoảng trống

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh và sinh viên phải tạm thời dừng đến trường. Để đảm bảo quá trình học tập không bị gián đoạn thì hình thức học tập trực tuyến qua mạng Internet (thường được gọi là học online) đã được áp dụng. Đây là nỗ lực để khắc phục khó khăn chung, nhưng liệu học online có mang lại hiệu quả và những người trong cuộc cảm nhận ra sao về tính bền vững của nó? 

Mỗi buổi học là một công trình

Dựa vào các tiến bộ công nghệ, chúng ta có thể học tập tại nhà thay vì đến trường lớp. Một buổi dạy học online được coi là thành công khi người dạy kiểm soát và làm chủ được nội dung, thời lượng buổi học cùng các thiết bị hỗ trợ. Còn đối với người học, thì lĩnh hội được kiến thức căn bản, không bỏ ngang giờ học và biết sử dụng các thiết bị hỗ trợ thì được coi là hiệu quả.

Tưởng chừng đơn giản, song để đạt được ngần ấy tiêu chí, thì nỗ lực từ cả người dạy lẫn người học là không hề nhỏ.

Trước các buổi học online, giáo viên cần đầu tư rất nhiều thời gian, công sức để soạn giáo án và các hoạt động bổ trợ nhằm tạo hứng thú cho việc học. Bước vào buổi học, thì sức lực thậm chí còn phải nhân hai, nhân ba để ngoài giảng bài, giáo viên còn giải quyết các sự cố phát sinh, kiểm soát trật tự lớp học và kịp thời quan tâm nhắc nhở học viên trong lớp- với không ít cá nhân vốn thừa năng lượng nhưng thiếu ý thức tự giác.

Ở phía người học, trước hết cần phải đầy đủ các thiết bị có kết nối internet, biết sử dụng các thiết bị ấy và quan trọng nhất là không bị chúng cám dỗ khỏi việc học. Bên cạnh đó, người học phải thật chăm chú, quan sát, lắng nghe giáo viên một cách liên tục (điều mà các bạn học sinh tiểu học cảm thấy khó khăn, còn với những học sinh, sinh viên hiếu động thì thật khó chịu). Vẫn chưa phải là hết, dù tập trung nhưng người học không được phép quên việc đi lại, thư giãn mắt để tránh ảnh hưởng sức khỏe vì ngồi lâu.

Hội tụ đủ các yếu tố ấy trong một buổi học, rồi duy trì nền nếp từ buổi học này sang buổi học khác là dễ hay khó, hẳn bạn đọc sẽ tự có câu trả lời.

Khi được hỏi con/em cảm nhận thế nào về việc học online trong thời gian qua, câu trả lời ngộ nghĩnh sau đây từ các bạn học sinh thật khiến cho người lớn phải băn khoăn:

Bạn Đ.A (11 tuổi): “Con thường ngủ quên giờ nên nghỉ học online luôn. Hôm nào học mà đói trong lúc cô giảng, con tranh thủ xuống bếp nấu mì ăn nữa”.

Bạn Q (15 tuổi): “Em thấy học online cô giảng nhanh xong lớp thì nhao nhao lên không nghe thấy gì cả”.

Bạn B. L (16 tuổi):“Em không thích bật cam (camera) trong lúc học, các bạn em cũng thế. Có những hôm học cả lớp vào điểm danh xong gần cuối buổi thì thoát ra gần hết, có hôm thì chỉ có ba bốn bạn chăm là vào học online”.

Điều kiện của việc học online

Học online là xu thế tất yếu của xã hội phát triển dựa vào công nghệ, nhưng điều ấy không có nghĩa là hình thức học này hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người.

Để học online hiệu quả thì các thiết bị công nghệ và kỹ năng sử dụng các thiết bị này đóng vai trò rất quan trọng. Điều này không hề dễ dàng, bởi ngày nay hầu hết các gia đình đều có máy tính, điện thoại thông minh nhưng chúng hiếm khi được sử dụng cho mục đích học tập. Thiết bị công nghệ thường được coi như phương tiện liên lạc và giải trí. Trẻ em cũng quen với việc được chơi trò chơi, xem video ở các thiết bị này nên thật khó để các em chú tâm học trong khi chiếc điện thoại, máy tính thật hấp dẫn đang ở ngay trước mặt. Ngoài ra, cha mẹ các em cũng không thể khắc phục được các sự cố kỹ thuật từ các thiết bị này (vì không phải ai cũng hiểu biết về công nghệ), thậm chí thay vì ở bên cạnh để giúp đỡ con, họ còn trở thành tác nhân khiến con xao lãng khi bình phẩm về bài giảng của giáo viên. Như vậy, nếu muốn bước vào buổi học online một cách tự tin, thì chúng ta cần các thiết bị máy tính đạt tiêu chuẩn, phần mềm tốt, hệ thống camera và micro rõ nét, đường truyền mạng internet ổn định, kỹ năng thao tác của người học cùng một góc học tập yên tĩnh, đủ ánh sáng.

Tiếp theo là vai trò của người dạy học online. Bởi học online cần người thầy thành thạo các kỹ năng công nghệ bên cạnh việc nắm vững các kiến thức chuyên môn phục vụ cho việc giảng dạy. Có hiểu biết và làm chủ công nghệ thì mới có thể thực sự truyền thụ được tri thức và làm chủ được lớp học online, để buổi học thêm sinh động, hấp dẫn thay vì việc đơn thuần chỉ đọc – chép suốt buổi học. Tuy nhiên, giáo viên cũng phải duy trì trạng thái cân bằng để không sa đà vào các màn trình diễn ứng dụng, trò chơi mà quên đi mục đích chính của buổi học.

Sự cố gắng, nỗ lực từ các thầy cô là đáng khen ngợi, khích lệ nhưng rõ ràng mỗi con người đều có giới hạn của riêng mình trong việc tiếp thu kiến thức mới (với các thầy cô giáo ở những khu vực vùng sâu, vùng xa hay các giáo viên đứng tuổi thì khó khăn lại càng rõ rệt hơn). Việc phải dành hàng giờ đồng hồ trước các màn hình to, nhỏ để soạn bài, giảng bài, chấm bài, tương tác với phụ huynh, học sinh có tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất, tinh thần các thầy cô. Điển hình như gần đây, chúng ta đã phải tiếp nhận thông tin như:  Học trực tuyến, cô giáo dạy văn mắng học sinh là ‘quái thai tâm hồn’ (báo điện tử thanhnien.vn đăng ngày 17/09/2021) hay bài Đuổi sinh viên ra khỏi lớp online: Giảng viên không kiềm chế được cảm xúc (báo điện tử dantri.com.vn đăng tài ngày 18/09/2021) phần nào cho thấy áp lực mà đội ngũ giáo viên phải đương đầu với hình thức học tập online là không hề nhỏ.

Cuối cùng, học online rất cần ý thức chủ động và tự giác nơi người học. Với khoảng thời gian khiêm tốn và tương tác bị hạn chế, người dạy khó có thể “vừa dạy vừa dỗ” như trên lớp. Nếu người học thụ động, thì học online dễ trở thành việc xem một bản tin tức đơn điệu, dài dòng. Học viên đâm ra chán nản rồi bị biến tướng thành các hành động như quậy phá trong giờ, tắt camera và micro để làm việc riêng, vào học muộn, trốn học v.v… Nếu người học chưa có sự chủ động và thói quen tự giác, thì học online càng làm tăng thêm tính khiên cưỡng, đối phó trong quá trình học tập.

Nếu chưa đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, phải chăng học online còn chưa đi vào thực chất?

Thay cho lời kết

Mặc dù hiện nay việc học online vẫn đang được duy trì, nhưng hẳn là bâc cha mẹ, thầy cô nào cũng có băn khoăn về thời điểm các con được đến trường trở lại.

Gần hai năm trôi qua, chúng ta không thể tiếp tục coi học online vẫn là một giải pháp tạm thời rồi lặng lẽ nhìn những đứa trẻ ngày ngày dán mắt vào màn hình trong khi vặn vẹo một cách khổ sở trên ghế. Có lẽ, đã đến lúc các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh cần nhìn nhận lại thực tế và tính toán đến những biện pháp lâu dài, bền vững hơn trong tương lai, như hướng dẫn các con kỹ năng sống căn bản trong thời gian ở nhà, đặc biệt là thói quen tự học, tự thu nạp kiến thức.

Tính hiệu quả của việc học online đã được chứng minh ở một số nhóm học viên có ý thức tốt, chủ động và tự giác trong học tập. Nhưng tính hiệu quả của việc áp dụng hình thức học tập online cho đa số học sinh, sinh viên vẫn là một câu hỏi để ngỏ.

*Ảnh: Pixabay

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *