
[Giáo dục] Cho con bài học về sự thích nghi
Sự học nếu chỉ gói gọn trong khuôn khổ sách vở và trường lớp thì quả là một điều đáng lo ngại. Những đứa trẻ lớn lên theo cách học tập ấy sẽ có cuộc sống đầy đủ tiện nghi bởi đáp ứng được kì vọng “học giỏi” của cha mẹ. Nhưng các em cũng dần đánh mất cơ hội trưởng thành bởi các em chưa được học về sự thích nghi.
Lời đề nghị: Nếu…thì…
Khi trồng một cây ăn quả, người nông dân cần chăm chút từ hạt mầm nhỏ xíu trong nắng mưa và chờ đợi. Khi sinh ra, trẻ em cũng giống với hạt mầm nhỏ xíu ấy. Dần dần qua năm tháng, cuộc sống mang đến cho các em những thử thách để những cô bé, cậu bé được học hỏi và ngày càng trưởng thành hơn. Cũng giống với mầm cây phải trải qua đủ mọi diễn biến của thời tiết, đất đai, chống chọi với sâu bệnh mới cho ra quả ngọt. Mặc dù vậy, tiến trình tự nhiên ấy đang bị đảo lộn, trẻ em được kì vọng chứng tỏ bản thân sớm hơn (và không ít em cũng cảm thấy cần điều đó hơn khi bắt đầu biết sử dụng facebook giống cha mẹ mình).
Mong muốn con trở nên đặc biệt hơn, không ít bậc cha mẹ đã dành thời gian, tiền bạc để sẵn sàng chiều theo mọi nguyện vọng của con, mang theo giấc mộng về ngày con cái sẽ khiến cho cha mẹ “mát mặt”. Những đứa trẻ được chăm bẵm kĩ càng từ miếng ăn, giấc ngủ, đưa đón và cập nhật công nghệ bằng việc có máy tính, điện thoại thông minh khi vừa bước vào tuổi “teen”.
Quá trình học tập để thỏa mãn cha mẹ ấy dần dần được con em hưởng ứng khi chúng phát hiện ra đó cũng là cách để thỏa mãn các yêu cầu của bản thân. Trẻ em nhận thức rất nhanh rằng cha mẹ sẽ chiều theo sở thích của mình nếu như mình trở nên tài giỏi, các em tự mô hình hóa lại thành trò chơi “Nếu con được… thì cha mẹ phải cho con…”. Với tình trạng “điều kiện hóa” ấy, học tập đã trở thành con đường ngắn nhất dẫn đến việc cản trở sự thích nghi của các em sau này.
Sẽ ra sao nếu con không biết thích nghi?
Nếu quen với việc được học tập trong một căn phòng luôn luôn có điều hòa mát lạnh thì khi mất điện, trẻ sẽ kêu ca rằng không học được vì nóng quá. Trong khi đó, vẫn có những trẻ khác phải làm việc ngoài trời nắng không có điều hòa nhiệt độ. Nếu quen với việc được gọi dậy vào sáng sớm và đưa đi học bằng xe hơi, trẻ sẽ có thói quen là không cần phải tự ý thức về giờ học, tự kéo dài thêm giấc ngủ trên xe của mình và chưa tỉnh táo để sẵn sàng cho buổi học. Cùng lúc ấy, vẫn có những em nhỏ trèo đèo, lội suối hàng chục cây số để đến với ngôi trường đơn sơ của mình.
Nếu không có điện thoại và sóng wifi, liệu trẻ có sẵn sàng học tập? Nếu câu trả lời của trẻ là cần những phương tiện ấy để phục vụ cho mục đích học tập thì câu trả lời thực sự lại là: trẻ đã quá quen với lời giải bài tập nhanh chóng đến từ các phương tiện ấy.
Một thiên tài hay một thần đồng thiếu đi khả năng thích nghi ngay trong chính xã hội của mình là một tác phẩm ngụ ngôn mà bản thân mỗi chúng ta cần phải suy ngẫm. Ngoài việc là một tài năng triển vọng, tương lai các em có thể sẽ đóng góp gì cho đất nước? các em sẽ tự chăm sóc bản thân mình ra sao, cố gắng hòa hợp với người khác và với tự nhiên như thế nào? Tài năng đó sẽ được sử dụng để tự tôn vinh bản thân hay để giúp đỡ người khác? v.v…
Nếu thận trọng và sáng suốt hơn, các bậc cha mẹ có thể thấy việc ra điều kiện để con trở nên tài giỏi, hay khoe khoang sự “đầu tư” của mình vào con cái là hoàn toàn sai lầm. Trong tư duy, trẻ không nên tự coi mình là đặc biệt từ sớm. Trước khi trưởng thành, và cũng là để trưởng thành, thì bài học quan trọng nhất trẻ cần phải học đó là sự thích nghi.
Thích nghi đồng nghĩa với tự lập
Để con học được khả năng thích nghi, thì cha mẹ cần tạo điều kiện cho con tự lập càng nhiều càng tốt đối với những công việc trong khả năng của con. Từ giờ giấc sinh hoạt cho đến việc ăn nghỉ, vệ sinh cá nhân, học tập, vui chơi, con nên được hướng dẫn để tự mình thực hiện.
Các bậc phụ huynh không nên để cảm xúc lấn át lí trí trong tình huống này, dù rằng ai cũng thương con và muốn tránh cho con những khó nhọc, vất vả. Tuy nhiên, cách tránh gian khó tốt nhất là để con quen với độc lập giải quyết gian khó.
Nếu bạn bè đồng trang lứa của con làm được thì con cũng làm được, nếu bạn bè xung quanh con chịu được thì con cũng chịu được. Mọi sự thành đạt được gây dựng trên nền móng thích nghi thì thường vô cùng bền vững. Trái lại, nếu tạo cho con thói quen được hưởng các đặc quyền hay chiều chuộng thái quá ngay từ nhỏ, thì tức là đang gián tiếp đẩy con vào sự lạc lõng.
Để kết lại bài viết, xin được trích dẫn một nhận định sâu sắc của triết gia Rousseau trong cuốn Émile Hay Là Về Giáo Dục:
“Thường thường, cuộc sống khắc nghiệt, một khi đã thành thói quen, lại tăng gấp bội cảm giác dễ chịu; cuộc sống nhu nhược thì chuẩn bị vô số cảm giác bất như ý”.
* Ảnh minh họa: Pixabay.
