Giáo dục,  Kiến thức giáo dục,  Trải nghiệm sống

[Giáo dục] Thay đổi lối sống để phòng ngừa trầm cảm cho cả gia đình

Trầm cảm đã xuất hiện ở nhiều gia đình, không chỉ có người lớn mắc trầm cảm mà rất nhiều trẻ em cũng có các dấu hiệu bệnh này. Vậy chúng ta cần thay đổi lối sống như thế nào để phòng ngừa chứng trầm cảm?

Trầm cảm: dễ mắc, khó chữa

Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tại Việt Nam hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 – 40.000 người.

Trầm cảm không còn là khái niệm của riêng các bác sĩ, các nhà tham vấn tâm lý. Thời gian gần đây, hàng loạt buổi tọa đàm chia sẻ, sách báo, dịch vụ tham vấn liên quan đến chủ đề này đã dần trở nên phổ biến hơn. Trầm cảm xuất hiện ở nhiều gia đình, và không chỉ có người lớn mới mắc trầm cảm mà rất nhiều trẻ em cũng mắc chứng bệnh này

Cả nhà chị Nga (Hà Nội) gần một tháng nay đã mất ăn mất ngủ vì lo cho cô con gái út. Ðột nhiên, con gái của chị Nga bỏ đăng kí thi tốt nghiệp, không muốn đi học, cả ngày nhốt mình trong căn phòng đóng kín cửa. Cô bé dễ nổi nóng khi không được đáp ứng đòi hỏi, sẵn sàng bộc lộ những dự định tiêu cực của bản thân cho cha mẹ nghe. Thậm chí, cô bé còn tự khẳng định bản thân bị trầm cảm trước sự hoang mang, lo âu của cha mẹ.

Tại một khu đô thị cao cấp, gia đình chị Hân (Hà Nội) cũng thấp thỏm không kém khi con cậu con trai học cấp 2 đột nhiên muốn ngủ cả ngày, ở trường thì trốn học thường xuyên, không còn thân thiết với bè bạn. Phần vì lo lắng, phần vì bất lực, chồng chị Hân đã ép con đi làm bài trắc nghiệm trầm cảm. Cậu bé kiên quyết từ chối nên quan hệ cha – con rất căng thẳng. Do mất bình tĩnh, chồng chị Hân đã sử dụng vũ lực để ép buộc con khiến trẻ càng chống đối dữ dội hơn. Tâm sự cùng con, chị Hân hết sức bối rối khi con cho rằng, con người ta sống với nhau toàn sự giả dối nên cuộc đời này không đáng sống.

Trên đây chỉ là hai ví dụ trong số rất nhiều trường hợp trẻ em trầm cảm/tự nhận bản thân mắc trầm cảm khiến các bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng. Trầm cảm không chỉ khó nhận diện, mà còn rất khó để thấu hiểu, sẻ chia.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Viện trưởng Viện Tâm lý học và Truyền thông) thì khi nhắc tới trầm cảm, “chúng ta vẫn thường nhắc về nó như một khái niệm còn khá mơ hồ”, thậm chí nói về trầm cảm như một căn bệnh đơn thuần chỉ nỗi buồn, căng thẳng. Những hiểu biết sai lầm ấy làm cho hệ quả của căn bệnh này trở nên nghiêm trọng, nhất là đối với con trẻ ở lứa tuổi vị thành niên.

Ðối với những trường hợp trầm cảm thực sự, quá trình tham vấn, trị liệu cần có sự đồng hành từ các chuyên gia trong khoảng thời gian nhất định. Người mắc chứng trầm cảm rất cần được thấu hiểu và giúp đỡ. Ðáng tiếc là trên thực tế, vẫn còn những trường hợp trẻ em mắc trầm cảm bị người thân, bạn bè đánh giá theo hướng cho rằng đó là yếu đuối, giả vờ để nhận được sự thương hại, bị “ngáo” do sử dụng các chất kích thích… khiến các em càng trở nên cô đơn, tuyệt vọng hơn.

Ðối với những trường hợp trẻ tự nhận bản thân trầm cảm, có thể là do nhầm lẫn với biến đổi tâm sinh lý trong tuổi dậy thì; do ảnh hưởng từ các bộ phim, sách truyện; các trào lưu trên mạng Internet; do thiếu kiến thức về trầm cảm hay do tò mò muốn bắt chước bạn bè… thì rất cần sự tinh tế của cha mẹ để kịp thời nắm bắt, định hướng trước khi trẻ thực sự rơi vào chứng trầm cảm.

Trầm cảm dễ mắc, khó chữa nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Một trong số những phương pháp phòng ngừa/điều trị trầm cảm công hiệu, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc và cũng ít tốn kém chính là Phương pháp trị liệu thay đổi lối sống (Therapeutic Lifestyle Change) được đề xuất bởi Tiến sĩ Stephen S. Ilardi – Tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng từ Ðại học Duke.

Phòng ngừa trầm cảm bằng lối sống lành mạnh

Ðể phòng ngừa trầm cảm, các bậc phu huynh cần hiểu đúng thế nào là trầm cảm. Trong công trình nghiên cứu “Phương pháp điều trị trầm cảm”, Tiến sĩ Stephen S. Ilardi có nêu ra định nghĩa: “Khái niệm chẩn đoán chính xác là Hội chứng rối loạn trầm cảm chủ yếu, nhưng hầu hết các nhà lâm sàng gọi đơn giản là Trầm cảm/Chứng trầm cảm cho ngắn gọn. Nó là một hội chứng làm tiêu hao năng lượng, giấc ngủ, sự tập trung, niềm vui, sự tự tin, trí nhớ, ham muốn tình dục, khả năng yêu thương, làm việc, vui đùa của con người. Nó thậm chí có thể cướp đi cả ý chí sống của họ. Theo thời gian, trầm cảm tổn hại não bộ và tàn phá cơ thể”.

Trầm cảm có liên quan đến môi trường sống, chính xác hơn là lối sống của chúng ta. Mặc dù trầm cảm có thể liên quan đến gen hoặc những biến cố không thể chữa lành trong quá khứ, nhưng lối sống là thứ tác động mạnh mẽ đến tình trạng sức khỏe tinh thần của người mắc chứng trầm cảm.

Ngày nay, các thành viên trong gia đình thường ngồi một chỗ khi học tập, làm việc (đặc biệt trong quãng thời gian hơn hai năm vừa qua, khi các biện pháp làm việc, học tập trực tuyến được áp dụng). Cha mẹ, con cái cũng hiếm khi kết nối, giao tiếp trực tiếp cùng nhau mà thay vào đó là tương tác qua tin nhắn trên các thiết bị điện tử. Chế độ ăn uống ít rau xanh, nhiều chất béo và không dành thời gian cho các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời, kèm theo việc trẻ em bị thiếu ngủ (do thức khuya học tập, chơi game, “lướt” mạng xã hội) cũng tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của các em. Lối sống khép kín, mất kết nối, ít vận động, nhiều áp lực này chính là khởi nguồn của chứng trầm cảm.

Vấn đề đến từ lối sống thì cần phải bắt đầu khắc phục ngay ở lối sống. Ðể phòng ngừa/điều trị trầm cảm cho các thành viên trong gia đình, cần lưu ý:

  1. Bổ sung Axit béo Omega-3 trong chế độ ăn uống (có trong dầu cá hoặc tảo biển)
  2. Thực hiện các hoạt động tích cực (ngăn ngừa sự trầm tư thái quá)
  3. Thực hiện đều đặn các bài tập thể dục, chơi thể thao
  4. Hấp thụ ánh sáng mặt trời hằng ngày
  5. Gia tăng và duy trì kết nối xã hội (theo hình thức trực tiếp)
  6. Ðảm bảo ngủ đúng giờ và đủ giấc

Thay đổi lối sống để hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn không phải khó. Nhưng nếu không chủ động phòng ngừa từ sớm, ai trong số chúng ta cũng có thể mắc trầm cảm trong bối cảnh tôn sùng công nghệ, ít vận động, ngại giao tiếp ngày nay.

*Bài đăng trên Vì trẻ em – chuyên trang điện tử của Báo Dân Sinh.

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *