Review Sách,  Sách Tâm lý - Giáo dục

[Review Sách] Đi Tìm Lẽ Sống

Hôm nay trong cuộc thi Đọc sách cùng Noron, tôi sẽ giới thiệu với các bạn cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” của tác giả Viktor E.Frankl.

    Giữa muông thú, có một loài thú khao khát tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình- đó là cách “con người” xuất hiện.

    Quãng thời gian sống tại các trại tập trung của Đức Quốc Xã (trong đó có Auschwitz kinh hoàng) đã giúp tác giả nhận ra con người có thể gieo rắc sự tuyệt vọng đồng thời cũng có thể nuôi dưỡng niềm hi vọng.

    Kinh nghiệm sống hiếm hoi ấy đã cống hiến cho nhân loại một gợi ý vô giá mang tên “Liệu pháp ý nghĩa”. Bạn đọc có thể dễ dàng áp dụng, trước hết cho chính mình, để tìm ra ý nghĩa trong sự tồn tại của bản thân.

    Đọc sách, chúng ta sẽ có cảm hứng thực hiện nhiệm vụ này đầu tiên thay vì xếp xuống cuối cùng sau những lo toan thường nhật.

    Cá nhân tôi sau khi đọc cuốn sách này thì thu lượm được hai bài học có giá trị sau:

1. Để sinh tồn, con người cần làm chủ được bản thân.

2. Để vươn lên, con người cần có mục đích.

Để sinh tồn, con người cần làm chủ được bản thân

    Trong hoàn cảnh sự sống và cái chết lững lờ trôi qua trước mắt, tâm trí của những tù nhân trong trại Auschwitz thường trực trong tình trạng bất ổn.

    Họ sợ cái chết nhưng cũng sợ sự sống. Đồng loại của họ đã biến sự sống thành địa ngục chỉ đơn giản để giữ lại sinh mệnh của bản thân hoặc đơn thuần là để tiêu khiển thú vui giết chóc, tra tấn man rợ.

    Bối cảnh ấy khiến bản tính của con người hoặc là bị biến chuyển hoặc trở nên khuếch đại đến cực hạn. Họ sẽ rất tàn ác hoặc vô cùng nhu nhược.

    Thế nhưng, những cá nhân bị môi trường nhào nặn như vậy nhanh chóng rơi vào vòng xoáy trầm luân trong chính tư tưởng của họ.

    Viktor E.Frankl thì không như vậy. Ông đã làm chủ được bản thân với vai trò của con người: tạo vật kì diệu duy nhất có quyền bước đi hiên ngang giữa cái thiện và cái bất thiện.

    Lý trí và cảm xúc của ông đã được chính môi trường khắc nghiệt ấy tôi luyện trở thành một thứ cực kì bền bỉ song cùng vô cùng mềm dẻo.

    Cuối cùng, ông không chết mà còn thu lượm được rất nhiều tư liệu, trải nghiệm vô giá mà hiếm nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học đương thời đạt được.

    Bằng nghị lực mạnh mẽ, ông đã dành thời gian còn lại trong quãng đời đơn độc của mình, vượt qua nỗi đau mất người thân, để khẳng định ý nghĩa cửa sự sống thông qua sự cống hiến Liệu pháp ý nghĩa.

Để vươn lên, con người cần có mục đích.

    Chân lý này tuy không mới, nhưng đáng tiếc rằng nó thường chỉ được thừa nhận trên phương diện sách vở hay chỉ được hiểu một nửa.

    Người lớn có thể nói với nhau về lý tưởng song thường ít quan tâm đến ước mơ của con cái họ.

    Vì họ cho rằng với vốn sống của mình, họ thừa sức có thể định hướng cuộc đời cho những đứa trẻ về danh sách điều cần phải làm để thành công- thành công theo cách hiểu của người lớn.

    Dĩ nhiên, quan niệm đó sẽ hoàn toàn đúng nếu họ hội tụ đủ hai điều kiện: Sinh cùng thời đại với trẻ nhưng có vốn sống phong phú hơn trẻ ít nhất một trăm năm.

    Tiếp theo, không ít người thường cho rằng mục đích của sống là kiếm thật nhiều tiền, trở nên giàu sang và cho thế giới thấy mình giàu sang như thế nào.

    Đây là mục đích theo kiểu một nửa, bởi họ tìm kiếm tài nguyên để thỏa mãn bản thân thay vì có mong muốn vươn tới một giá trị sống cụ thể rồi sẵn lòng san sẻ nó với cộng đồng.

    Lẽ sống là thứ cao hơn tất cả những thứ còn lại và con người ta sống là để phục vụ lẽ sống ấy.

    Khi bạn tìm ra lẽ sống của bản thân, tự tin và kiên cường gắn bó với nó thì bạn sẽ có động lực phát triển bản thân một cách lành mạnh. Cuộc đời sẽ trao tặng bạn những món quà khác trên hành trình ấy. Giá trị bạn nhận về cần tỷ lệ thuận với giá trị bạn cho đi.

    Vậy nên, đừng ngần ngại là người cho đi, bạn nhé.

    Điều giữ cho Viktor Frankl còn sống sót và thoát khỏi Auschwitz là lý tưởng sống của ông, thay vì tên tuổi, bằng cấp, địa vị hay của cải của ông.

    Ngược lại, cũng có ví dụ cay đắng về những con người trước khi vào trại tập trung bị lính Quốc Xã tước bỏ mọi bằng cấp, thư giới thiệu, đồng hồ, tiền bạc trong tiếng cười khoái trá với câu hỏi: “Đây là tất cả những gì mày có à?”.

Thay cho lời kết

    Tôi thường đọc lại cuốn sách này vì tôi cảm nhận rõ nó truyền thêm cho mình nghị lực để sống một cuộc đời tích cực, sao cho không uổng phí tính duy nhất của nó.

    Thật vậy, bạn và tôi, chúng ta đều chỉ sống có một lần. Tại sao chúng ta lại không gắng sức để vươn đến những điều có ý nghĩa nhất và chia sẽ những giá trị tốt đẹp nhất đến những người xung quanh?

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *