Giáo dục,  Kinh nghiệm giáo dục

[Giáo dục] Cho trẻ học võ cha mẹ cần chú ý điều gì?

Võ thuật là hình thức rèn luyện thân thể, tâm trí, có giá trị ứng dụng trong đời sống thường ngày. Tuy nhiên, khi quyết định cho con học võ, cha mẹ cần dành thời gian tìm hiểu, chọn lựa kỹ càng.

Để con học võ vui, khỏe

Võ thuật mang đến những lợi ích cụ thể cho người tập luyện: như gia tăng sức khỏe, tính bền bỉ, kiên trì, lòng can đảm và tinh thần tự lập. Ngày nay, tập võ còn có thêm khả năng giúp trẻ tạm rời xa các thiết bị công nghệ và lối sống khép kín, ngại ra ngoài. Ðược trang bị hành trang, ý thức tự vệ cũng giúp các em giữ an toàn trong bối cảnh bạo lực học đường đang có dấu hiệu gia tăng.

Tuy nhiên, phẩm chất đáng quý nào cũng cần thời gian để hun đúc, tôi luyện. Ðược làm quen với võ thuật từ sớm, trẻ em sẽ có cơ hội trưởng thành, bản lĩnh hơn.

Những bộ môn võ thuật như Võ cổ truyền, Vovinam, Jiu Jitsu, Judo, Karate, Taekwondo, Aikido, Boxing, Kickboxing Muay Thái, Tán Thủ là những lựa chọn tương đối phổ biến để trẻ em và thanh thiếu niên tập luyện. Cha mẹ chỉ cần lưu ý đến độ tuổi, đặc điểm cơ địa, thiên hướng của con em mình để giúp các trẻ lựa chọn bộ môn phù hợp.

Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi thì không nên vội cho các bé tập võ, do xương khớp các bé còn non yếu, dễ tổn thương. Với những trẻ từ 6 tuổi trở lên thì có thể làm quen dần với các bộ môn chú trọng rèn luyện kỹ thuật, sự nhu nhuyễn rồi từ từ tiến đến những môn có tính đối luyện, đối kháng phù hợp với đặc điểm thể chất và sự yêu thích của trẻ.

Trước khi cho trẻ đi học võ, cha mẹ nên dành thời gian giải thích để trẻ hiểu mục đích của việc học là rèn luyện thân thể, nhân cách và tự vệ chính đáng. Nếu không được giải thích, trẻ có thể hiểu nhầm việc học võ là để đánh nhau. Tư duy lệch lạc này có thể khiến các em trở nên hung hăng, hiếu thắng và có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề của bản thân.

Nếu trẻ chán nản, ngại tập, sợ mệt, sợ đau thì cha mẹ cần động viên, khích lệ trẻ cố gắng, không bỏ cuộc giữa chừng. Bởi “văn ôn, võ luyện” – học võ muốn có thành tựu thì phải trải qua thử thách, gian khổ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng nếu trẻ hăng say luyện tập và có những tình huống va chạm trong đối luyện, để lại vết bầm tím nhẹ trên da. Nếu quá thương xót, bao bọc con, cha mẹ có thể khiến con mắc thói nhu nhược, ỷ lại.

Trẻ em và thanh thiếu niên cũng cần được phân tích, giảng giải để hiểu rằng việc biết võ sẽ tạo nên những lợi thế đáng kể trong khi tự vệ chính đáng. Nhưng tình huống ngoài đời thực thường không theo kịch bản nơi võ đường. Dù có theo học võ (thậm chí đã có thứ hạng, huy chương, đẳng cấp đai) thì các bạn trẻ cũng nên chủ động có ý thức phòng ngừa nguy hiểm từ xa để tránh rơi vào trạng thái liều lĩnh, mạo hiểm khi đối đầu với kẻ côn đồ hung bạo, trộm cắp mang theo hung khí.

Vì đang trong quá trình hoàn thiện về cơ thể, tâm tính nên nếu chú ý quan sát, trẻ nhỏ có thể tiếp thu rất nhanh chóng những điều các em được học. Ngoài bản thân hệ phái võ thuật các em theo học thì người hướng dẫn, môi trường học tập và bạn bè đồng môn cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của trẻ.

Một số kinh nghiệm cha mẹ nên tham khảo

Khi cho trẻ học võ thì việc chọn thầy, chọn võ đường, chọn môn phái rất quan trọng. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số kinh nghiệm dưới đây khi quyết định cho con học võ.

Chọn trường (võ đường): Không nên vội vàng tin theo quảng cáo mà nên đưa con đến tận nơi xem xét. Nếu võ đường đẹp, đủ tiêu chuẩn, khang trang, vệ sinh và môn võ của võ đường đó có một lịch sử tốt thì nên lựa chọn. Nếu võ đường chật hẹp, mất vệ sinh, cách tổ chức không khoa học, võ sinh hỗn độn, thiếu trật tự, thiếu lễ độ, thái độ, lời nói và việc làm thiếu văn hóa thì tuyệt đối không cho trẻ học.

Tìm thầy: Nên cho con theo học thầy có lương tâm, hiểu biết rộng về võ học và đời sống, yêu nghề. Cha mẹ đừng nên cho con theo học với những thầy có thái độ ngông nghênh, hoặc thầy chối bỏ cả cội nguồn môn võ, quên cả người dạy, bị nhiều môn phái, võ phái, võ đường tẩy chay.

Lựa chọn môn võ: Phụ huynh nên chú ý đến những môn võ cổ truyền của dân tộc, trong đó chứa đựng tinh thần thượng võ, văn hiến, dân tộc của người Việt. Ðiều này rất quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển tính cách, nhân cách của người học võ.

Trẻ em cần tránh theo học những môn võ tạo cho người tập cách sống hời hợt, hiếu chiến, thâm hiểm, bởi “Văn dĩ tải đạo, Võ dĩ thành nhân” – Học văn để đi theo con đường sáng, học võ để hoàn thiện nhân tính.

Học võ cũng là học một kỹ năng sống, vì nó dạy ta cách biết sống có đạo đức, nhân cách, tôn trọng pháp luật, tôn trọng người khác.

* Bài viết có sử dụng tư liệu và chia sẻ kinh nghiệm từ Võ sư Lý Băng Sơn – Chưởng môn phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. Võ sư Lý Băng Sơn đã có 40 năm học tập rèn luyện và 30 năm giảng dạy thực tiễn.

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *