[Giáo dục] Tuổi thơ là tuổi xuân
Mỗi lần nhìn thấy nụ cười của trẻ em, dường như chúng ta thấy cả mùa xuân trong đôi mắt ấy, nụ cười ấy. Tuổi thơ không giữ mùa xuân cho riêng mình mà mang mùa xuân đến với nhân gian. Một mùa xuân chưa bị chi phối bởi năm tháng và thăng trầm của cuộc đời. Tuổi thơ là tuổi xuân.
Tiếng cười trong trẻo
Thanh âm tiếng cười của con trẻ là một giai điệu đầy vui tươi. Thật may mắn cho ai thường xuyên được lắng nghe và cảm nhận tiếng trẻ em cười. Chỉ một món đồ chơi nhỏ, một que kem ngọt lịm hay cuốn sách mới cũng khiến trẻ hân hoan. Nụ cười của trẻ em đơn thuần nhưng đầy ý nghĩa.
Lần gần đây nhất, bản thân chúng ta cất lên được tiếng cười ấy là khi nào? Vì công việc, vì cuộc sống, ai cũng có thể mỉm cười. Nụ cười được tin rằng sẽ xóa đi rào cản và là biểu hiện của sự thân thiện. Thế rồi càng trưởng thành, người ta lại càng dễ cười chỉ vì phép lịch sự. Chúng ta dễ quên mất tuổi thơ, khóc cười tùy thuộc vào ngoại cảnh thay vì cảm nhận thực sự trong lòng.
Trẻ em không như vậy. Trẻ em có sức sống và sự trong trẻo tuyệt đối mà đất trời dành tặng. Các em tự do trong thế giới của chính mình và bốn mùa cũng trở thành những người bạn thân thiết đồng hành cùng các em. Mùa xuân trong tâm hồn trở thành đóa hoa cười tươi trên gương mặt em thơ. Mùa xuân của năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng với tuổi thơ, mùa xuân luôn ở lại. Trừ khi, người ta bỏ lỡ mùa xuân ấy hoặc trót đi qua mùa xuân bằng sự hờ hững.
Người lớn cũng từng là trẻ thơ
Ai lớn lên mà chẳng từng trải qua một mùa xuân trẻ thơ như vậy. Đó là thời gian hạnh phúc với cuộc sống mà từng khoảnh khắc qua đi đều rất chân thực. Nhiều khi, có thể ngốc nghếch, vội vàng, ham vui nhưng chẳng bao giờ cảm thấy buồn phiền vì những thiếu sót của bản thân hay của người khác. Ngày ấy, chúng ta không bị phép so sánh giày vò, không bị “cái tôi” trói buộc. Mọi thứ thuận lẽ tự nhiên, khi xuân về thì hoa sẽ nở.
Thế nhưng, khi lớn khôn, biết đến so sánh, biết nhận thức rõ về “cái tôi”, thì mùa xuân của cuộc đời dường như đã trôi qua. Để luôn nắm chắc phần hơn trong các phép so sánh với người khác, bản thân mỗi người phải nỗ lực và đánh đổi. Để cái tôi luôn ở vị trí cao nhất, thì bản thân phải hạn chế yêu thương, san sẻ. Rồi một ngày, không ít bậc cha mẹ cùng với sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ dường như tước đi mùa xuân của tuổi thơ.
Giữa nhịp sống hối hả, không khó để bắt gặp hình ảnh những cô bé, cậu bé có suy nghĩ dày dạn. Để đáp ứng kì vọng của cha mẹ, các em không được phép lựa chọn. Những cảm xúc, tâm sự bị dồn nén ấy được gửi đến những màn hình smart phone đủ mọi kích cỡ khác nhau. Dường như, thành công trong cuộc sống của các em được quan tâm nhiều hơn là hạnh phúc thực sự của các em.
Đánh đổi hiện tại lấy tương lai có phải luôn là sự lựa chọn tốt nhất? Liệu rằng, sự thành đạt có thể đổi lại những mùa xuân đã qua và mua thêm những mùa xuân mới hay không? Đó là một câu hỏi nên được quan tâm.
Trở về mùa xuân
Trẻ em cần được tận hưởng niềm hạnh phúc mà thế giới tuổi thơ mang lại. Học ít đi không có nghĩa là các em sẽ không hiểu biết; bớt quan tâm đến tiền bạc, không có nghĩa là các em sẽ nghèo. Và thiếu đi các thiết bị công nghệ, không có nghĩa là các em sẽ không thể bắt kịp xu hướng thời đại. Mọi điều cần diễn ra theo lẽ tuần tự mà tạo hóa sắp đặt. Tuổi thơ cần đến mùa xuân. Mùa vạn vật khởi phát và sinh trưởng bằng tính nguyên sơ của chính mình.
Tuổi xuân ấy là giai đoạn các em khám phá ra phép màu của sự sống, của nội tâm và mối liên hệ giữa con người với thế giới. Các em cần đặt ra những câu hỏi để rồi lớn lên bằng cách tự mình đi tìm câu trả lời, thay vì biết tất cả mọi thứ thông qua lời người khác.
Ai đã trót quên tuổi thơ, cũng nên lắng lòng mình lại, tìm về miền kí ức đẹp đẽ thủa nào trong tiết trời xuân. Đó là năm tháng cõi lòng ta hân hoan với những ngày cận Tết, với vài đêm thức trắng trông nồi bánh chưng xanh bên ngọn lửa hồng. Khúc hát mừng năm mới vang lên, ta háo hức trao nhau những phong bao lì xì tươi thắm – nhẹ vật chất, nặng tình người.
Mùa xuân là mùa của tình người còn tuổi thơ là tuổi của mùa xuân. Tuổi thơ mang đến hi vọng, ước mơ và niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn.
* Bài đăng trên Tạp chí Gia đình & Trẻ em, số 3+4+5 năm 2020.
** Ảnh: Pixabay.