[Giáo dục] Giúp con lựa chọn cố vấn
Ngoài việc học hỏi từ cha mẹ, thầy cô, ngày nay nhiều thanh thiếu niên còn cần những người cố vấn (mentor) để được lắng nghe, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sống. Đặc biệt, người cố vấn còn góp phần nuôi dưỡng, đưa ra định hướng đúng đắn để trẻ từng bước thực hiện ước mơ.
Gia sư/cố vấn – mô hình nhiều phụ huynh lựa chọn
Câu chuyện của em P. (13 tuổi) ở phường Khương Thượng, quận Ðống Ða, Hà Nội khiến anh Nguyễn Phú Hoàng Nam – gia sư kiêm người cố vấn nhớ mãi. Một buổi sáng, có người đàn ông lạ gọi điện đến nhờ anh tư vấn, giúp cậu con trai của mình đang khủng hoảng tâm lý, tính khí thất thường, có ý định tự sát.
Vì là việc quan trọng, liên quan đến sinh mệnh con người nên anh Nam nhận giúp đỡ ngay. Tìm hiểu nguyên nhân, được biết bố mẹ P. thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã, đánh nhau và chuẩn bị ly hôn. P. chán nản, nghĩ cha mẹ cãi nhau là vì mình nên không thiết học, thiết sống nữa. Với vai trò cố vấn, anh Nam từng bước phân tích cho P. hiểu lý do vì sao cha mẹ em chia tay. Họ chia tay vì cuộc sống chung không còn hạnh phúc, nhưng tình yêu thương đối với con cái thì không thay đổi. Dù không sống chung một nhà nữa nhưng cha mẹ vẫn có trách nhiệm và yêu thương P. Cha mẹ vẫn sẽ ủng hộ và bên em theo những cách khác nhau, đảm bảo trách nhiệm với em cho tới khi trưởng thành. Anh Nam cũng giải thích cho P. hiểu rằng, cha mẹ em quyết định chia tay hoàn toàn không phải lỗi của em. Cuối cùng, P. đã chấp nhận sự thật và sau khi cha mẹ ly hôn em chọn ở với mẹ. Ðến nay, sau nửa năm, P. đã trở lại nhịp sinh hoạt bình thường, học hành chăm chỉ, đặc biệt không còn ý định tự tử nữa.
Anh Nam chia sẻ, trước đây, các gia đình chỉ thuê gia sư cho con, nhưng khi biết đến mô hình gia sư kiêm cố vấn thì nhiều người đã lựa chọn mô hình này. Gia đình chị Bích Hà ở phường Lê Ðại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tìm đến mô hình gia sư kiêm cố vấn với mong muốn giúp con học được kỹ năng giao tiếp, thay đổi cách suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, biết lắng nghe, tôn trọng quan điểm của người khác. Q. 12 tuổi – con trai chị Hà vốn là một cậu bé ngoan ngoãn, hiểu chuyện, nhưng do một thời gian dài bị người lớn bác bỏ ý kiến, kèm theo việc từng phải nhận những phản hồi tiêu cực về việc học tập nên cậu bé thu mình, suy nghĩ bi quan, hoài nghi tất cả mọi người. Khi tiếp cận Q. anh Nam vừa dạy kiến thức, vừa lồng ghép dạy kỹ năng giao tiếp cho em. Ðồng thời, anh Nam cũng tư vấn cho vợ chồng chị Hà về phương pháp giao tiếp với con, tiết chế những cảm xúc và hành vi đối với con. Sau một thời gian được người cố vấn giúp đỡ, Q. đã cởi mở, vui vẻ, biết lắng nghe, học tập tiến bộ.
Trên đây là 2 trong số hàng chục trường hợp mà anh Nam đã trợ giúp thành công trong vai trò gia sư/cố vấn. Anh cho biết, sau đại dịch, những tác động của hậu Covid-19, sự tư vấn, trợ giúp, đồng hành để kịp thời nhận biết, dự phòng các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần cho các em của các gia sư/cố vấn có chuyên môn và kinh nghiệm là khá cần thiết.
Lựa chọn cố vấn phù hợp
Người cố vấn sẽ giúp bổ sung khoảng trống và trở thành người bạn đáng tin cậy khi trẻ bước vào độ tuổi thanh thiếu niên. Người cố vấn giàu kinh nghiệm sẽ đưa ra các lời khuyên và giúp đỡ các em, bởi không phải bậc cha mẹ nào cũng có đủ thời gian để toàn tâm toàn ý dạy bảo con. Và thầy cô giáo, ngoài việc phụ trách trao truyền kiến thức thì cũng có thể lắng nghe, khuyến khích trẻ, nhưng số lượng học sinh đông nên thầy cô cũng không thể sâu sát từng em được. Một người cố vấn tận tâm sẽ giúp trẻ các kỹ năng sống, thấu hiểu bản thân, khám phá tiềm năng. Cố vấn cũng giúp trẻ cân bằng cảm xúc, học cách xây dựng, duy trì các mối quan hệ. Bên cạnh đó, cố vấn còn là một người bạn đáng tin cậy để trẻ chia sẻ mà không lo bị phán xét.
Cha mẹ có thể lựa chọn cố vấn cho con dựa vào những gợi ý sau:
Có học vấn, kinh nghiệm: Là người có trách nhiệm hướng dẫn trẻ, vì vậy cố vấn cần có nền tảng kiến thức, có kinh nghiệm, từng trải để hỗ trợ, giúp đỡ, dẫn dắt trẻ đạt được mục tiêu.
Chân thành, mong muốn trẻ phát triển: Cố vấn cho thanh thiếu niên cần thực sự mong muốn giúp đỡ trẻ tiến bộ, bởi đây là hành trình đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian.
Tư duy cởi mở, tích cực: Cố vấn cũng có thể học hỏi trong khi giúp đỡ trẻ, nên họ phải là người cởi mở, tích cực. Khi đối mặt với thử thách, sự khích lệ từ cố vấn chính là nguồn năng lượng tích cực mà trẻ nhận được để có thêm động lực học tập tiến bộ.
Giao tiếp tốt: Người cố vấn cần biết cách giao tiếp và học cách “nói được ngôn ngữ của các thế hệ khác nhau”.
Sự bao dung và lắng nghe thường có ý nghĩa rất lớn đối với thanh thiếu niên. Trong quá trình trưởng thành, các bạn trẻ có thể sẽ gặp rất nhiều cố vấn và cũng có thể có nhiều cố vấn ở các lĩnh vực khác nhau trong cùng một thời điểm. Cha mẹ nên khuyến khích con hình thành thói quen chủ động kết nối với những cố vấn mà con cảm thấy phù hợp với bản thân, đồng thời cũng nên lắng nghe, trò chuyện cùng con để giúp con đưa ra lựa chọn chuẩn xác hơn.
* Bài đăng trên Vì Trẻ Em – Chuyên trang của Báo điện tử Dân Sinh