Giáo dục,  Kiến thức giáo dục

[Giáo dục] Cùng con Online

Những cô bé, cậu bé sinh ra trong cuộc cách mạng 4.0 thuộc về thời đại của công nghệ. Do đó, các em sớm tiếp cận với các thiết bị công nghệ. Vậy nên trẻ em cần sự hướng dẫn, chỉ bảo của cha mẹ trong quá trình khám phá thế giới số, nơi tiện ích và cám dỗ luôn song hành.

 

Đường vào Online

Cách đây mười năm, khi nhắc đến online (hoạt động trực tuyến trên máy tính có kết nối mạng internet), thì đa phần phụ huynh đều nghĩ tới con em mình chơi game online hoặc chat online. Thời điểm ấy muốn online thật không dễ dàng, nhất là đối với học sinh, sinh viên. Hầu hết các bạn trẻ đều phải tìm đến những điểm internet công cộng để sử dụng. Kéo theo là hàng loạt câu chuyện như: Trốn học đi chơi net, nhịn ăn sáng để lấy tiền chơi game, chơi game cả đêm không về nhà, chat “chít” yêu đương sớm v.v…

Vì gắn với nhiều vấn đề tiêu cực như vậy nên rất hiếm bạn trẻ được sở hữu máy tính riêng, có lắp mạng tại nhà. Điện thoại thông minh thì lại càng quá xa xỉ. Do đó, những bậc cha mẹ quan tâm đến con cái hoàn toàn có thể phát hiện từ sớm nếu con có biểu hiện lệch lạc hay nghiện online.

Thế nhưng với tốc độ phát triển thần kì thì giờ đây online đã trở nên trong tầm tay theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng thay cho bộ máy tính cồng kềnh.

Sau thời gian học trực tuyến kéo dài để phòng dịch bệnh, thì nhu cầu online lại càng được đề cao và chú trọng hơn. Giờ thì mọi gia đình buộc phải trang bị cho con cái những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay để phục vụ cho việc học tập.

Những đứa trẻ có lí do chính đáng để online và chính thức trở thành công dân mạng.

Vậy điều gì đang chờ đợi công dân mạng “nhí”?

Online: vào dễ, ra khó

Đầu tiên phải kể đến game online. Sức hấp dẫn mãnh liệt từ game online hoàn toàn đủ khả năng gây nghiện cho người chơi mà không phân biệt tuổi tác. Tuy nhiên, trẻ em thường phải chịu ảnh hưởng nặng nhất do các em dễ chìm đắm vào thế giới ảo hơn. Bởi nó có đầy đủ mọi thứ mà tuổi trẻ khao khát: Được chứng tỏ bản thân, tự do phiêu lưu theo ý thích, làm những việc phi thường, có cộng đồng chung. Thậm chí còn được khuyến khích thực hiện những hành động bạo lực bị ngăn cấm ở thực tại. Chỉ cần ngồi một chỗ mà có thể thực hiện ngần ấy thứ thì quả thật rất hấp dẫn với trẻ nhỏ.

Mạng xã hội cũng có cám dỗ đáng kể với trẻ em. Do mạng xã hội có đủ mọi kiểu thông tin đến từ đủ mọi kiểu người sử dụng, luôn hoạt động theo xu hướng khao khát sự chú ý và tương tác. Dần dần, các em cũng tiếp thu nhu cầu ấy rồi dành ra hàng giờ chụp ảnh, chỉnh ảnh, quay video để thu hút người xem. Nếu được nhiều người tán thưởng thì cái tôi cá nhân trong các em sẽ ngày càng lớn lên theo đó. Chưa kể đến đằng sau sự quan tâm mang tính chất “cơn sốt ảo” có thể tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo, lạm dụng.

Mua bán trực tuyến là vấn đề tiếp theo mà gia đình có thể gặp phải. Thay vì đòi bố mẹ trực tiếp mua cho mình một món đồ, thì các em chỉ cần lặng lẽ đặt trên mạng. Sau đó, khi hàng gửi về nhà thì người lớn, dù rất không hài lòng, vẫn sẽ buộc phải thanh toán.

Còn phải kể đến văn hóa phẩm không lành mạnh– vấn nạn tồn tại từ lâu ảnh hưởng đáng kể đến nhận thức của người xem. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, phụ huynh khó lòng biết chính xác con em mình hằng ngày thường thích xem gì, đọc gì trên mạng để kịp thời nhắc nhở.

Bởi thông thường các em sẽ thạo công nghệ hơn cha mẹ của mình rất nhiều và cộng thêm những khoảng thời gian trống không có người lớn ở cạnh, vì tò mò, trẻ em có thể thường xuyên tiếp cận với các nội dung gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách trên mạng. Ví dụ như: các bộ phim khiêu dâm, video khuyến khích hành động mạo hiểm, video nói chuyện sử dụng nhiều từ ngữ không trong sáng của các đối tượng xã hội, các dòng sách cấm bị hạn chế lưu hành, các cộng đồng chia sẻ sở thích thiếu lành mạnh.

Cuối cùng, thói quen đọc lướt và tổng hợp thông tin mà không cần suy luận khi sử dụng internet sẽ góp phần khiến cho không ít bạn trẻ trở nên ngại đọc sách cũng như ngại tư duy. Kết quả là người sử dụng sẽ ngày càng phụ thuộc vào các công cụ tìm kiếm nhanh gọn trên mạng hơn và tin vào dữ liệu nó mang lại, thay vì tự mình tìm hiểu, kiểm chứng kĩ lại sự thực.

Một vài gợi ý cho các bậc phụ huynh

Không thể ngăn cấm trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ song tuyệt đối cũng không được để các em sử dụng mà không kèm theo sự hướng dẫn từ người lớn.

Cha mẹ nên cùng con online để trực tiếp hướng dẫn cho con, thay vì để chúng tự mày mò tìm hiểu từ những nguồn không đáng tin cậy.

Như vậy ngoài việc giáo dục con trong đời sống thực thì giờ đây cha mẹ còn  thêm trách nhiệm hướng dẫn con trong thế giới ảo. Bởi tuy là ảo song tác động của nó lên con người lại vô cùng thật. Cùng con online– dù khó nhưng không thể bỏ qua, điều này hoàn toàn quyết định tương lai của cả con cái và cha mẹ.

Cha mẹ nên chủ động làm gương cho con cái về thời gian online và mục đích online. Dù làm việc hay giải trí, cha mẹ nên có khoảng thời gian online xác định trong ngày (đặc biệt là sau giờ làm việc, khi đã ở nhà). Mục đích online cũng cần rõ ràng, không nên để con cái thấy cha mẹ cả buổi tối sử dụng điện thoại hoặc máy tính. Có một số bậc cha mẹ giải thích rằng mình bận làm việc, song đừng quên trẻ em sẽ thường xuyên quan sát xem cha mẹ có nói thật hay không.

Thay vì đắm chìm vào thế giới ảo, những buổi tối thực bên gia đình luôn có rất nhiều hoạt động hữu ích mà người lớn và trẻ nhỏ có thể cùng tham gia như: đi bộ, đọc sách, học chơi nhạc cụ, vẽ tranh, chơi trò chơi boardgame hoặc trò chuyện cùng nhau.

*Bài đăng trên Tạp chí Gia đình & Trẻ em số 32 năm 2020.

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *