Review Sách,  Sách Kỹ năng,  Sách Tâm lý - Giáo dục,  Sách Triết học - Tâm linh,  Sách Văn học,  Trải nghiệm sống

[Chia sẻ] 12 Quyển sách Nam yêu thích

Tôi có sở thích đọc sách và dành tương đối nhiều thời gian, tiền bạc cho việc đọc. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ đến các bạn 12 cuốn sách mà tôi yêu thích. Nếu có hứng thú, biết đâu bạn sẽ tìm thấy điều gì đó bổ ích từ những cuốn sách sau đây?

 

1. Zorba con người hoan lạc

Lần đầu tiên thấy bìa cuốn sách, tôi không có ý định đọc. Từ hình ảnh cho đến tên sách đều không giống với những gì tôi mong chờ và thường tìm kiếm ở một cuốn sách.

Điều ấy cũng giống với việc bạn bước vào một cửa hàng quần áo, ngắm nghía mọi thử, từ chối mặc thử vì cho rằng chúng không phù hợp, để rồi ra về tay không.

Thế nhưng, may mắn làm sao cuối cùng tôi đã có thể viết đôi dòng sau khi đã đọc cuốn sách này ít nhất hai lần và trong tương lai có thể là nhiều hơn nữa.

Bởi tôi may mắn tìm thấy ở đó câu trả lời cho những câu hỏi mình đặt ra bấy lâu nay. Đó là Giáo dục (bản năng và lý trí) – Ý nghĩa cuộc sống (vật chất và tinh thần) – Con người (thiện và ác).

Alexis Zorba con người hoan lạc của tác giả Nikos Kazantzakis là cuốn sách như vậy. Có cả sự thăng hoa ở dạng “Zorba the Budha” theo lý tưởng của Osho và cả sự tuyệt vọng cùng tài năng phi thường của tài tử cửa sập Erik- Bóng ma trong nhà hát Opera.

Review Sách tại đây

2. Siddhartha

Siddhartha là cuốn tiểu thuyết đạt giải Nobel Văn chương năm 1946 của nhà văn Hermann Hesse. Cuốn sách được dịch bởi dịch giả Lê Chu Cầu. Tác phẩm chứa đựng tư tưởng Phật Giáo về ý nghĩa của cuộc sống- chốn “Sắc sắc không không” ràng buộc nhân thế.

Review Sách tại đây

3. Nhà giả kim

Tôi không cần nhiều lời giới thiệu lại cuốn sách Nhà Giả Kim của tác giả Paulo Coelho. Thậm chí, trước khi viết bài này, tôi còn nghĩ “liệu có nên chồng chất thêm câu từ cho tác phẩm kinh điển này không nhỉ?”.

Có quá nhiều thông điệp trong cuốn sách bằng nguồn cảm hứng dào dạt sách liên tục truyền đến bạn đọc. Nhắc đến Nhà Giả Kim, là người ta nhớ đến hành trình tìm kiếm bản thân của tuổi trẻ- mặc dù, khi không còn trẻ nữa thì con người mới gọi tên chính xác điều mình tìm trong hành trình đầy khắc khoải ấy.

Vây là, tôi quyết định mượn tác phẩm này để nhìn về tuổi trẻ. Để bạn đọc vững tin rằng Nhà Giả Kim không chỉ là cổ tích, mà còn là cổ tích do con người viết nên. Và ai cũng có thể thực hiện Giả Kim Thuật trong chính cuộc đời này- nếu thật lòng mong muốn.

Phần trích dẫn sách “in nghiêng” được tôi tham khảo từ bộ lịch Nhà Giả Kim được ra mắt năm 2021 của Nhã Nam. Bởi theo tôi nhận thấy thì đây là loạt trích dẫn tiêu biểu trong tác phẩm.

Review Sách tại đây

4. Hai số phận

Nói đến số phận là nói đến sự ngẫu nhiên tuyệt đối hoặc một sự sắp đặt không thể thay đổi và nội dung ấy trở nên dễ hiểu trong cuốn sách này. Một cuốn sách kể về hai con người với những hoàn cảnh sống khác nhau, trưởng thành bằng những khó khăn khác nhau để quay ra đối đầu với nhau bằng tất cả trí tuệ cùng lòng can đảm của mình. Cuộc chiến ấy không diễn ra theo cách thông thường với vũ khí hay những trận đánh mà diễn ra giữa hai người với nội tâm của chính họ. Hai người cùng có lòng kiêu hãnh của sói và trái tim của sư tử.

Bối cảnh câu chuyện là thế kỷ 20.

Abel (Wladek) và William.

Review Sách tại đây

Bàn luận về cuốn sách trong “Sách và Cuộc sống” trên VOV TV tại đây

5. Đi tìm lẽ sống

 Giữa muông thú, có một loài thú khao khát tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình- đó là cách “con người” xuất hiện.

 Quãng thời gian sống tại các trại tập trung của Đức Quốc Xã (trong đó có Auschwitz kinh hoàng) đã giúp tác giả nhận ra con người có thể gieo rắc sự tuyệt vọng đồng thời cũng có thể nuôi dưỡng niềm hi vọng.

Kinh nghiệm sống hiếm hoi ấy đã cống hiến cho nhân loại một gợi ý vô giá mang tên “Liệu pháp ý nghĩa”. Bạn đọc có thể dễ dàng áp dụng, trước hết cho chính mình, để tìm ra ý nghĩa trong sự tồn tại của bản thân.

Đọc sách, chúng ta sẽ có cảm hứng thực hiện nhiệm vụ này đầu tiên thay vì xếp xuống cuối cùng sau những lo toan thường nhật.

Điều giữ cho Viktor Frankl còn sống sót và thoát khỏi Auschwitz là lý tưởng sống của ông, thay vì tên tuổi, bằng cấp, địa vị hay của cải của ông.

Ngược lại, cũng có ví dụ cay đắng về những con người trước khi vào trại tập trung bị lính Quốc Xã tước bỏ mọi bằng cấp, thư giới thiệu, đồng hồ, tiền bạc trong tiếng cười khoái trá với câu hỏi: “Đây là tất cả những gì mày có à?”.

Review Sách tại đây

6.  Được học

Câu chuyện của Tara có lẽ tương đối lạ lẫm với hầu hết các bạn trẻ vẫn ngày ngày (phải) đến trường. Bởi công việc của cô trong độ tuổi đến trường là quanh quẩn ở nhà, trên núi hoặc trong bãi phế liệu.

Theo truyền thống gia đình, hay nói chính xác hơn là tín ngưỡng riêng của người cha, thì cô và tất cả anh em đều không có giấy khai sinh hay được đến trường như những đứa trẻ khác.

Mọi giải pháp trong cuộc sống thường ngày của cô đến từ bản năng, còn nhận thức của cô là sự sao chép lại những đánh giá, tư tưởng phụ thuộc vào các thành viên khác trong gia đình. Trở lực đó trói buộc Tara vào thế giới chật hẹp, bế tắc kèm theo tổn thương cô phải gắng sức kìm nén để chống chọi lại cảm giác thất vọng về tình cảnh của mình.

Có lẽ, số phận đủ mạnh để quật ngã Tara như cách mà người anh trai thô bạo đã quật ngã cô, thế nhưng ở cô gái nhỏ ấy có sự khác biệt. Cô có mong muốn được học- mong muốn ấy đã thay đổi cô mãi mãi.

Review Sách tại đây

7. Người thầy

Cuốn sách Người thầy- Hồi ức của một nhà giáo Mĩ. (Tên gốc: Teacher Man – A Memoir) của tác giả Frank McCourt, dịch giả Lê Chu Cầu. Đây là một tác phẩm chân thực, tỉnh táo về nghề dạy học nên rất phù hợp với những ai thực sự muốn dấn thân vào con đường giáo dục.

Hành trình gian nan của nhà giáo trẻ từ Ireland đến New York lập nghiệp rồi cuối cùng trở thành giáo viên là mạch nguồn của tác phẩm độc đáo này. Nếu độc giả đã từng nghe đến câu nói “Cuộc đời dở tệ sẽ góp phần viết nên những áng văn hay” thì điều ấy là hoàn toàn đúng với Người thầy.

Người thầy- tức Frank McCourt đã bị sa thải không ít lần rồi lại tiếp tục tìm kiếm cơ hội để theo nghiệp giáo. Sau mỗi lần mất việc, ông giáo lại càng cá tính hơn, thực tế hơn và hóm hỉnh hơn bằng sự điềm đạm đầy thách thức trước những vùng an toàn trong giáo dục mà các đồng nghiệp của mình đang cố thủ. 

Review Sách tại đây

Cảm nhận của tôi về cuốn sách trên VOV6

8. Một đời thương thuyết

Một đời thương thuyết là cuốn sách chứa đựng kinh nghiệm sâu sắc của một cuộc đời đã dành trọn cho sống và đi để đàm phán, thương thuyết. Tác giả Giáo sư/Kỹ sư Phan Văn Trường đã tích lũy đủ mọi thăng trầm trong từng trang sách đầy tâm huyết, giản dị song mang đậm chất trí tuệ.  

Dù là một tác phẩm lấy đề tài thương lượng trong kinh tế nhưng Một đời thương thuyết cũng bàn đến triết lý nhân sinh, coi chữ nhẫn, chữ tâm làm gốc. Dù có năng lực quản lý, khả năng đàm phán, nắm trong tay một đội ngũ cố vấn tinh thông chuyên môn hay nguồn tài chính hùng hậu thì con người vẫn là chìa khóa giải quyết cho mọi vấn đề.

Để có một con người không những biết thương thuyết mà còn biết đạo xử thế ở đời thì cần nắm vững những bài học: Bạn cư xử với người khác ra sao thì họ sẽ cư xử lại với bạn như vậy, bạn cần có lòng tự tin, bạn phải biết giá trị mọi việc, phải bỏ mọi định kiến cá nhân bên ngoài phòng họp, bạn cần nhớ cuộc thương thuyết nào cũng dễ khi bạn tìm chân lý qua sự thông cảm đôi bên, mà muốn thông cảm thì phải kính trọng nhau, bạn phải quý những đối tác mà lịch sử cho bạn gặp và cuối cùng là bài học về sự khiêm tốn.  

Review Sách tại đây

9. Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Cuốn sách Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống giúp người đọc không còn hoang mang trước hàng loạt các phương pháp, công nghệ giáo dục trong thời đại bùng nổ thông tin. Thêm lần nữa, tác giả J. Krishnamurti nhắc chúng ta nhớ rằng: Cuộc sống là thước đo chân thực nhất để kiểm nghiệm chất lượng giáo dục.

Trong lời nói đầu, tác giả có đặt ra hai câu hỏi:

“Ý nghĩa của cuộc sống là gì?

Chúng ta sống và đấu tranh vì điều gì?”

Những câu hỏi thiên về triết học này thực ra lại gắn bó rất chặt với số phận của mỗi con người. Không nên đợi đến lúc gặp phải bất trắc trong cuộc sống chúng ta mới nghĩ đến điều này.

Cá nhân tôi thường suy nghĩ về quy luật thời thanh niên ra quyết định vì cảm xúc, thời trung niên ra quyết định vì lợi ích và thời lão niên ra quyết định vì ý nghĩa. Tại sao chỉ khi đến già, con người mới có ý định làm những điều có ý nghĩa?  Hoặc mới nhận ra điều gì là có ý nghĩa?

Chìa khóa nằm ở sự giáo dục mà mỗi chúng ta được tiếp cận.

Review Sách tại đây

10. Tìm hiểu Võ học: Bí mật Võ lâm chân truyền

“Văn dĩ tải đạo, Võ dĩ thành nhân”- Học văn để đi theo con đường sáng, học võ để hoàn thiện nhân tính là chân lý và cũng là thông điệp tác phẩm Tìm hiểu võ học – Bí mật Võ lâm chân truyền được tác giả Lý Băng Sơn (Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia Việt Nam) gửi gắm. Không giới hạn ở cung cấp tri thức về phương pháp tập luyện, tác dụng của luyện tập võ thuật, lịch sử của môn võ, cuốn sách còn là tấm lòng và sự khích lệ bạn đọc vươn lên để chiến thắng bản thân, giữ vững cốt cách trong mọi hoàn cảnh khi đã quyết tâm bước đi trong võ đạo.

Review Sách tại đây

11. Thuật yêu đương

Là một nhà nghiên cứu đúng nghĩa, tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị. Nhưng, trong số đó có một công trình thật độc đáo, bởi chứa đựng suy ngẫm của những giờ phút ông rời thư phòng của mình và lắng nghe tiếng đời vọng lại. Tác phẩm ấy mang tên gọi cũng rất đời, rất người. Đó là cuốn “Thuật yêu đương”.

Vì ái tình vẫn là ái tình cho đến khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, còn sau ngưỡng cửa hôn nhân, tuy ái tình không phải đã hết nhưng cũng chẳng còn máu phiêu lưu can trường với chất men say ngây ngất khiến người ta bất chấp tất cả. 

Tình yêu đôi khi là một trận chiến sống còn mà ai cũng mong giành chiến thắng: đạt được hạnh phúc. Nhưng tiếc thay, chưa có bộ môn nào giảng dạy chuyên sâu về nghệ thuật này khi ta còn ngồi trên ghế nhà trường, cộng thêm tư tưởng của một số bậc phụ huynh thủ cựu không nên “Vẽ đường cho hươu chạy” mà thành ra nhiều mối tình đẹp đổ bể và nhiều cặp đôi tưởng chừng rất hạnh phúc khi lấy được nhau lại thành ra tan đàn xẻ nghé, bỏ lại con cái bơ vơ bởi những nguyên nhân vu vơ. 

Vì thế tác phẩm “Thuật yêu đương” của tác giả Thu giang Nguyễn Duy Cần là một gợi ý thiết thực cho những ai đã yêu, đang yêu và sẽ yêu. Ở đó có những ví dụ sinh động về các mối quan hệ giống với tình yêu mà người đời hay nhầm lẫn, có sự gián tiếp định nghĩa tình yêu và giúp người đọc hiểu một chân lý giản dị đó là: để được yêu thì phải biết cách yêu. 

Review Sách tại đây

12. Nuôi dạy con bằng trái tim của một vị Phật

Giáo dục con cái cần đến những nỗ lực không mệt mỏi, tình thương đi kèm sự sáng suốt của các bậc làm cha, làm mẹ. Phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật (tác giả: Dr. C. L. Claridge, Thảo Triều dịch) là con đường sáng gợi mở Phật tính trong trái tim của các bậc phụ huynh.

Trong khi giáo dục con cái, đức từ bi mà thiếu vắng trí tuệ sẽ dẫn đến thói nuông chiều, nhu nhược hoặc thất thường khi dạy bảo con. Ngược lại, nếu chỉ dựa trên trí tuệ thuần túy thì cha mẹ lại trở thành nghiêm khắc, lạnh lùng và quen kiểm soát những đứa trẻ.

Do đó, bậc cha mẹ kết hợp giữa từ bi và trí tuệ thì giáo dục con cái mới đem lại những kết quả ý nghĩa. Điều này hoàn toàn tuân theo quy luật nhân quả của Phật giáo: Khi gieo nhân lành và vun trồng duyên lành thì chúng ta sẽ gặt hái quả ngọt.

Review Sách tại đây

 

 

 

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *