ErrorException Message: Argument 2 passed to WP_Translation_Controller::load_file() must be of the type string, null given, called in /home/xhikpfkn/public_html/wp-includes/l10n.php on line 838
https://nguyenphuhoangnam.com/wp-content/plugins/dmca-badge/libraries/sidecar/classes/ [Review Sách] Alexis Zorba con người hoan lạc - Hoàng Nam Blog
Review Sách,  Sách Văn học

[Review Sách] Alexis Zorba con người hoan lạc

Lần đầu tiên thấy bìa cuốn sách, tôi không có ý định đọc. Từ hình ảnh cho đến tên sách đều không giống với những gì tôi mong chờ và thường tìm kiếm ở một cuốn sách.

Điều ấy cũng giống với việc bạn bước vào một cửa hàng quần áo, ngắm nghía mọi thử, từ chối mặc thử vì cho rằng chúng không phù hợp, để rồi ra về tay không.

Thế nhưng, may mắn làm sao cuối cùng tôi đã có thể viết đôi dòng sau khi đã đọc cuốn sách này ít nhất hai lần và trong tương lai có thể là nhiều hơn nữa.

Bởi tôi may mắn tìm thấy ở đó câu trả lời cho những câu hỏi mình đặt ra bấy lâu nay. Đó là Giáo dục (bản năng và lý trí) – Ý nghĩa cuộc sống (vật chất và tinh thần) – Con người (thiện và ác).

Alexis Zorba con người hoan lạc của tác giả Nikos Kazantzakis là cuốn sách như vậy. Có cả sự thăng hoa ở dạng “Zorba the Budha” theo lý tưởng của Osho và cả sự tuyệt vọng cùng tài năng phi thường của tài tử cửa sập Erik- Bóng ma trong nhà hát Opera.

Giáo dục con người
Giáo dục để phục vụ con người hay để làm nên con người? Giáo dục tìm ra ý nghĩa cuộc sống hay tạo ra ý nghĩa của cuộc sống?
Để hiểu về giáo dục thì trước hết cần hiểu về con người. Bởi con người không hoàn toàn giống với viên đá mà cũng không phải là viên ngọc. Vì đá khéo tạo tác thì trở nên sống động còn ngọc không cẩn trọng thì dễ vỡ nát.
Nhân vật chính là một nhà văn trẻ tuổi luôn mang khát vọng lớn lao. Anh đọc rất nhiều để nâng cao hiểu biết, càng hiểu biết thì lý tưởng lại càng trở nên cao đẹp. Anh muốn sáng tác nên một tác phẩm về Đức Phật. Vì ngài là hóa thân cho những điều thiêng liêng toàn thiện, toàn mỹ mà anh theo đuổi.
Zorba thì lại khác. Lão không học hành cũng như cảm thấy học hành trong sách vở thật là buồn tẻ. Những sai lầm trong quá khứ, những dục vọng của bản thân, bản năng mãnh liệt là bậc thầy sẵn có mà lão tôn sùng.
Hai con người đó liệu ai sẽ là thầy của ai?
Từ cuộc gặp gỡ kì lại tại một quán rượu bên bến cảng trước khi lên đường đến đảo Crete khai thác than, một thì luôn mang theo Thần khúc của Dante còn một thì luôn mang theo cây đàn Santuri, họ đã quý mến nhau song cũng đối lập nhau thật hài hòa. Nhà văn sống với thiên đàng và địa ngục ở trên – dưới, còn Zorba sống với thiên đàng và địa ngục ở trước – sau.
Họ học hỏi lẫn nhau bằng sự say mê, hứng khởi. Những cơn gió mát và mặt biển đổi màu, những người đàn ông và những người phụ nữ, những con cừu nướng và những bình rượu vang kèm theo điệu nhảy của Zorba. Chưa kể mỗi khi nổi hứng, lão sẽ chơi cây đàn Santuri của mình, thứ tựa như linh hồn mà vì thế lão không bao giờ vứt bỏ.
Nhà văn trẻ thì chật vật trong câu chữ, gắng sức lý giải mọi hiện tượng và lúc nào cũng đặt câu hỏi “Tại sao?” cho mọi hành động của Zorba. Thật kì lạ khi linh ảnh thiêng liêng về Đức Phật lại có nguồn cảm hứng từ một con người phóng túng bằng xương, bằng thịt. Trước đó, nhà văn chỉ cố gắng tạo ra cái đẹp giữa thinh không.
Anh sống với kinh nghiệm của hàng ngàn tác giả nhưng lại thiếu đi kinh nghiệm quan trọng nhất của chính bản thân mình. Nỗi sợ trải nghiệm khiến anh không hiểu thế nào là cuộc sống. Mà cuộc sống, theo như Zorba nói, nếu anh muốn hiểu nó, anh phải sẵn sàng chui vào mọi ngóc ngách cho đến tận cùng. Để làm được như vậy, cần hơi điên một chút- theo cách nói của lão.
Một con người nương theo mùi giấy mực còn một con người nương theo mùi thịt nướng. Họ đều là con người.
Trong quá trình trưởng thành, chúng ta sẽ được tiếp nhận rất nhiều sự giáo dục. Chúng ta được chuẩn bị để trở thành người mà những người xung quanh chúng ta thấy là tốt.
Sự định hướng đi ngược lại hoàn toàn so với bản năng ấy sẽ khiến con người vốn hoàn thiện nhất lại trở nên méo mó nhất. Khước từ bản chất của con người là khởi nguyên tự tiến bộ đồng nghĩa với việc uốn nắn theo ý định chủ quan là bước đường ngắn nhất để tạo nên các bóng ma trong tâm trí: Những ẩn ức tâm lý.
Quá trình ấy sẽ buộc chúng ta phải chống chọi lại với sự thèm khát và những ý muốn xấu xa. Ta tự do lựa chọn chống lại sự thèm khát ấy bằng những quy luật đối kháng hoặc tiêu diệt sự thèm khát bằng cách thỏa mãn cho nó chán ngấy. 
         Những ý chí mạnh mẽ hoàn toàn có thể chiến thắng con quỷ bằng một con quỷ rưỡi để tìm thấy tự do vĩnh viễn.
Giống với sự ra đời của các hành tinh, lớn lên từ những va đập mạnh mẽ của các thiên thể. Chính đạo là con đường mà loài người tự nhận thức, tự sửa mình và tự nỗ lực để trở thành con người theo đúng nghĩa.
Ý nghĩa cuộc sống
Này nhé, một hôm, tôi đi qua một làng nhỏ. Một ông cụ chín mươi tuổi đang bận bịu trồng cây anh đào. “Chà, ông nội!” Tôi thốt lên. “Ông nội còn trồng anh đào kia à?” và ông lão, còng gập đôi người quay lại nói: “Con ạ, ta thường hành động như thể ta sẽ không bao giờ chết”. Tôi đáp: “Còn tôi thì thường hành động như thể tôi có thể chết bất cứ lúc nào”. Sếp thấy trong chúng tôi, ai đúng?
Nhà văn cho rằng cuộc sống này cần có mục đích. Zorba cho rằng có mục đích không quan trọng bằng việc có sẵn sàng thực hiện hết mình những công việc thường ngày hay không.
Zorba sợ những thứ hời hợt. Khi lão làm việc lão là công việc, khi lão ăn uống lão là ăn uống và khi lão yêu phụ nữ, lão là tình yêu. Lão không sợ cái chết, nhưng lão sợ tuổi già. Vì Zorba tin rằng đã sống phải cho ra sống, không miễn cưỡng.
Một con người hoàn toàn có thể sống cuộc đời hoan lạc theo cách ấy.
Nhưng hoan lạc liệu có đưa con người ta đến chỗ sai lầm hay hối tiếc?
Dĩ nhiên là có, nếu người ta chỉ biết hoan lạc khi thân xác chìm trong sung sướng, nhàn hạ.
Niềm hoan lạc thực sự thì tồn tại ở tất cả mọi việc mà một con người có thể làm với tâm hồn thư thái, say mê. Chúng ta lao động, sáng tạo, nghiên cứu, chiến đấu, yêu đương, ca hát, nhảy múa, làm ruộng, đóng bàn ghế, quét dọn, nấu ăn, hít thở, đi bộ, nuôi động vật thì đều có thể hoan lạc.
Một tối khi trở về, lão lo âu hỏi tôi:
         Liệu có Thượng đế không nhỉ – có hay không? Sếp nghĩ sao, sếp? Và nếu có – mọi sự đều có thể – sếp hình dung người ra sao?
Tôi nhún vai.
         Tôi không đùa đâu, sếp ạ. Tôi hình dung Thượng đế y hệt như tôi đây. Có điều là to hơn, khỏe hơn, rồ dại hơn. Và ngoài ra còn bất tử nữa. Người ngồi trên một chồng da cừu êm ái và lều của Người là bầu trời. Nó không làm bằng can xăng cũ như lều của chúng ta, mà bằng mây. Tay phải Người không cầm một con dao hay một cái cân -những dụng cụ chết tiệt ấy là dành cho bọn đồ tể và bọn chủ hiệu tạp hóa – Không, Người cầm một miếng bọt biển đẫm nước, tựa như một đám mây mưa. Bên phải Người là Thiên đàng, bên trái là Địa Ngục. Này đây, một linh hồn tới, nhỏ nhoi, tội nghiệp, trần như nhộng vì đã mất chiếc áo ngoài – tức là thân xác – và run rẩy. Thượng đế nhìn nó, cười thầm nhưng người sắm vai quỷ sứ. “Lại đây”, Người thét, “lại đây, đồ khốn kiếp!” Và Người bắt đầu tra vấn.
Cái linh hồn trần truồng phủ phục dưới chân Thượng đế. “Xin rủ lòng thương!”. Nó kêu, “con là kẻ có tội”. Và nó liến thoắng kể lể tội lỗi của mình, một thôi một xốc, bất tận. Thượng đế cho thế là quá đủ. Người ngáp. “Trời đất, thôi đi!”. Người quát “Ta nghe phát ngấy rồi!” Xoẹt! Oạp! Một nhát bọt biển và Người rửa sạch tội lỗi. “Xéo đi cho khuất mắt ta, chạy sang Thiên đàng đi!”. Người bảo linh hồn nọ. “Pierre, cho cả cái sinh linh bé bỏng tội nghiệp này vào nốt”. Bởi vì, sếp biết đó, Thượng đế là một đấng chúa tể vĩ đại và làm một chúa tể có nghĩa là tha thứ.
Tôi nhớ là tối hôm ấy tôi đã cười khi Zorba tuôn ra bài loạn ngôn sâu sắc của lão. Nhưng cái “tư chất chúa tể” của Thượng đế dần hình thành và chín muồi trong tôi, từ bi, đại lượng và toàn năng.
Các tôn giáo đều hướng con người ta đến tình yêu thương và sự từ bi chính là một biểu đạt của tình yêu thương ấy.
Mọi điều con người cần phải làm và nên làm trong cuộc sống này cũng chính là trao đi tình yêu thương của mình đến vạn vật.  
Khi tự nhận là chúa tể của muôn loài, đa số con người thường tự đắc đang nắm giữ trí tuệ cao nhất, quyền lực cải tạo lớn nhất mà quên đi rằng, chúa tể tức là yêu thương vô hạn.
Kết thúc hành trình, nhà văn trẻ đã hoàn thành tác phẩm về Đức Phật để có thể trút rỗng tâm trí của bản thân.
Còn Zorba đã hưởng trọn cuộc sống phong phú của mình để lấp đầy cho tác phẩm ấy.
Họ đều tìm thấy ý nghĩa và trở thành một phần trọn vẹn trong cõi đời.

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *