Giáo dục,  Kiến thức giáo dục

[Sách Wabooks] CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM CHA MẸ THỜI 4.0: CON “NGHIỆN” SMARTPHONE VÀ GÓC NHÌN TỪ CHUYÊN GIA

Chiều ngày 25/05/2019 tại Trường Mầm non Quốc tế Ecokids (số 47 Nguyễn Tuân, Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm “Cha mẹ thời 4.0: Con “nghiện” Smartphone”. Chương trình được tổ chức bởi Công ty TNHH Sách Nhật Bản Wabooks có chủ đề mang tính thời sự nên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bậc phụ huynh. 

Smartphone và Những đứa trẻ

Kỷ nguyên 4.0 mở ra nhiều cơ hội và cũng đem lại không ít thách thức. Trong số đó, trở ngại lớn nhất đối với sự hoàn thiện, phát triển nhân cách con người chính là việc bị phụ thuộc, thậm chí “nghiện” các thiết bị công nghệ. Hình ảnh những cô bé, cậu bé vốn hoạt bát, tinh nghịch đang dần bị thay thế bởi những đứa trẻ trầm tư, cúi gằm mặt trước những chiếc điện thoại thông minh (Smartphone) khiến cho không ít bậc phụ huynh cảm thấy bất an. Để giải tỏa khúc mắc ấy, hai diễn giả tham gia buổi tọa đàm là Chuyên gia Tâm lý Trịnh Trung Hòa- Chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn tâm lý gia đình và MC Thanh Hằng- MC chị Kính Hồng của chương trình “Chúc bé ngủ ngon” trên kênh truyền hình VTV3 (Từ năm 2013) đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho các bậc cha mẹ.

 Hiện nay, những chiếc điện thoại thông minh đã là một phần của cuộc sống, không ai có thể phủ nhận thiết bị công nghệ cao này đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, với trẻ em thì việc tiếp cận thiết bị công nghệ quá sớm sẽ mang lại không ít ảnh hưởng tiêu cực. Chuyên gia Trung Hòa cho biết Smartphone có thể giúp con em chúng ta học ngoại ngữ, phát triển trí tuệ thông qua nội dung kiến thức mang tính giáo dục song cũng rất dễ khiến trẻ bị “nghiện” nếu được sử dụng thường xuyên mà không có sự quản lý từ người lớn. Các con số từ nghiên cứu về mức độ sử dụng điện thoại thông minh chỉ ra rằng 87% trẻ em ở khu vực Đông Nam Á sử dụng smartphone, trong đó hơn một nửa đang sở hữu một chiếc smartphone. Điều này cho thấy thực trạng không thể chối cãi rằng các thiết bị thông minh ngày càng có ảnh hưởng lớn đến thói quen sinh hoạt của trẻ em.

Tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra tình trạng là rất nhiều ông bố, bà mẹ đang lạm dụng sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng hay các thiết bị công nghệ khác để dỗ con ăn, dụ con giữ im lặng trong khi bố mẹ làm việc,… Nhiều hệ lụy của việc trẻ em nghiện smartphone đã được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng

Dấu hiệu của việc con bạn đang mắc chứng “nghiện” smartphone đó là thời gian sử dụng nhiều với tần suất sử dụng cao trong một ngày, bị phụ thuộc hoàn toàn vào máy không thể tách rời và có biểu hiện giận dữ hoặc đưa ra các điều kiện để được sử dụng (thậm chí thường xuyên tìm cách dùng lét lút nếu bị cha mẹ hoặc người thân ngăn cấm). Theo ông, chứng “nghiện” smartphone gây ra các tác động hết sức nguy hại với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới sáu tuổi. Bức xạ từ màn hình điện thoại có thể ảnh hưởng các tế bào thần kinh trong não bộ, quá trình sử dụng máy làm suy giảm khả năng tương tác với những người xung quanh, các thông tin có sẵn trên mạng khiến năng lực tự học hỏi kiến thức bên ngoài bị triệt tiêu và việc ngồi một chỗ dùng máy liên tục có thể khiến thể chất của trẻ phát triển không cân đối.

Thông điệp gửi đến các bậc phụ huynh

Để đảm bảo an toàn cho thế hệ tương lai, các bậc phụ huynh chỉ nên cho con  tiếp xúc với smartphone khi đã trên hai tuổi, với trẻ từ ba đến sáu tuổi thì nên dùng tối đa một tiếng mỗi ngày (chia ra các khoảng thời gian khác nhau trong ngày) và với trẻ em từ sáu đến mười tám tuổi thì không nên quá hai tiếng một ngày. Chuyên gia Trung Hòa khẳng định, nên lưu tâm chủ động phòng tránh việc các con “nghiện” smartphone, bởi nếu đã mắc phải thì quá trình điều trị sẽ diễn ra vô cùng khó khăn, phức tạp.

Đối với những gia đình có trẻ bị rơi vào tình trạng này, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và kiên nhẫn giải quyết bằng cách cắt giảm dần thời gian sử dụng máy của các em, bởi nếu ngăn cấm triệt để hoặc căn thiệp thô bạo sẽ hoàn toàn phản tác dụng thậm chí còn gây nên tâm lý ức chế, chống đối nơi trẻ nhỏ. Quan trọng hơn, chính cha mẹ cần gương mẫu và hạn chế sử dụng smartphone trước mặt con em mình.

         Để đảm bảo con không mắc phải chứng “nghiện” Smartphone thì cha mẹ nên quan tâm và dành nhiều thời gian hơn bên con cái, thay vì phó mặc để smartphone chơi với con. MC Thanh Hằng chia sẻ chị rất quan tâm đến việc tạo thói quen đọc sách cho con, bởi sách giúp trẻ phát triển tư duy, kích thích não bộ và cân bằng cảm xúc. Chị thường cùng con đọc sách, đặc biệt là bộ sách Ehon dành riêng cho trẻ nhỏ. Công ty TNHH Sách Wabooks là một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực phát hành sách Ehon – phương pháp nuôi dạy con đến từ Nhật Bản. Với tọa đàm Cha mẹ thời 4.0: Con “nghiện” smartphone lần này, Wabooks và Mầm non Quốc tế Ecokids hi vọng cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm thiết thực về phương pháp nuôi dạy con khoa học để hạn chế tác động của các thiết bị điện tử lên con trẻ, đồng thời giúp con được phát triển toàn diện và phát huy tối đa những tiềm năng bên trong bản thân mình.

 *Bài đăng trên Tạp chí Gia đình & Trẻ em

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *