Giáo dục,  Kiến thức giáo dục

[Giáo dục] An toàn cho trẻ em trên không gian mạng

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh phải ở nhà học online thường xuyên. Thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của các em vì vậy cũng tăng cao. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú tâm quan sát, hướng dẫn con trẻ để bảo vệ các em trên không gian mạng.

Không gian mạng và nguy cơ tiềm ẩn

Gia đình chị Hồng (Hà Nội) có hai con nhỏ đang học online. Bạn lớn học lớp chín, còn bạn nhỏ học lớp ba. Đối với bạn lớp chín, chị Hồng hoàn toàn tin tưởng bởi con có ý thức tự giác. Còn đối với bạn học lớp ba, cả hai vợ chồng chị đều cảm thấy băn khoăn khi con học online. Đã không ít lần, chị bắt gặp con làm việc riêng trên mạng hoặc tán gẫu với bạn thay vì nghe cô giáo giảng bài. Chị lo rằng khi gia đình bận rộn, không sát sao thì bạn nhỏ có thể vô tình truy cập các nội dung độc hại hoặc dần dần bị nghiện game.

Gia đình anh Vũ (Hà Nội) cũng gặp khó khăn khi con gái lớn dành quá nhiều thời gian sử dụng máy tính trong phòng riêng. Thậm chí, với lý do học online, con anh ăn uống tại phòng nhiều ngày, không ra ngoài giao tiếp, trò chuyện với cha mẹ. Thế nhưng đến khi cô giáo chủ nhiệm thông báo, gia đình anh mới biết con thường xuyên không vào lớp học. Sau đó, anh phát hiện con mình say mê xem các bộ phim dài tập trên mạng cả đêm, nên sáng hôm sau thường ngủ quên. Khi gia đình khuyên bảo, răn đe thì cô bé đã trở nên mất kiểm soát, có hành vi đập phá đồ đạc khi không được sử dụng máy tính.

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), thế giới có khoảng 2,2 tỷ người ở độ tuổi dưới 18, biến trẻ em thành nhóm đối tượng dễ tổn thương có dân số lớn nhất trong xã hội. Những rủi ro tiềm ẩn trẻ em phải đối diện trên internet bao gồm: sự riêng tư và thông tin cá nhân của trẻ em; văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; xâm hại tình dục trẻ em, mại dâm trẻ em và buôn bán trẻ em; bắt nạt trực tuyến; trẻ em tiếp cận những nội dung có hại qua công nghệ thông tin và truyền thông; sử dụng quá mức và nghiện.

Trong bối cảnh công nghệ đã trở thành một phần của cuộc sống, các bậc phụ huynh nên chủ động cập nhật, nâng cao hiểu biết để hướng dẫn con tham gia không gian mạng một cách an toàn, tích cực.

Kinh nghiệm từ các gia đình

Sau một quá trình lắng nghe chia sẻ từ các bậc cha mẹ đã thành công trong việc hướng dẫn con sử dụng internet đúng mục đích, tác giả bài viết tổng hợp lại một vài lưu ý sau để các bậc phụ huynh khác cùng tham khảo.

Giáo dục con về việc sử dụng internet

Dù trẻ học các thao tác rất mau chóng, nhưng cha mẹ vẫn cần hướng dẫn trẻ cách sử dụng internet. Cha mẹ giải thích để trẻ hiểu đây là nguồn tài nguyên hỗ trợ cho học tập, giải trí nhưng sẽ không thể thay thế được các hoạt động trong đời thực. Trong môi trường ảo sẽ có nhiều cám dỗ, cạm bẫy mà trẻ cần được học cách để nhận diện, tránh xa.

Làm gương

Sau khi hướng dẫn con, cha mẹ cần làm theo chính những điều mình chỉ bảo cho con. Sẽ rất thiếu thuyết phục khi cha mẹ lướt máy tính, điện thoại tới tận khuya trong khi đó lại nhắc con đi ngủ sớm. Trẻ học và bắt chước theo hành vi của cha mẹ. Do đó, cha mẹ cần thực sự tự chủ trước sức hấp dẫn của không gian mạng thì mới có thể đưa ra lời khuyên cho con.

Đặt máy ở vị trí dễ quan sát

Khi trẻ bước vào cấp hai, các gia đình thường đặt các thiết bị công nghệ của con ở phòng riêng. Điều này sẽ không thực sự có lợi cho trẻ trong bối cảnh phải học online thường xuyên như hiện nay (nhất là khi cửa phòng trẻ được lắp khóa). Người lớn trong gia đình cũng khó có thể quan sát, nhắc nhở kịp thời nếu trẻ sử dụng máy  lượng vào các mục đích khác. Do đó, cha mẹ nên đặt các thiết bị công nghệ ở vị trí thuận tiện cho việc quan sát nhất có thể. Cha mẹ cũng không nên đồng ý cho trẻ lắp khóa phòng quá sớm, bởi sẽ hối hận không kịp.

Đặt ra quy tắc cụ thể và nhất quán

Cha mẹ nên có thời gian biểu quy định giờ ăn, giờ ngủ, giờ học và giờ được phép truy cập internet của con trẻ. Mọi sinh hoạt nên nghiêm túc thực hiện theo khuôn khổ. Bởi nếu cha mẹ dễ dãi, nhân nhượng, thất thường thì trẻ sẽ biết rất rõ làm thế nào để đạt được điều chúng muốn.

Tìm hiểu các công cụ hỗ trợ

Các bậc phụ huynh nên đặt mật khẩu các thiết bị công nghệ, giới hạn thời gian cho các đầu phát sóng wifi. Ngoài ra, chúng ta cũng nên cài đặt trình duyệt và ứng dụng dành cho trẻ em (kids mode) khi vào internet. Bên cạnh đó, nên có người lớn thường xuyên kiểm tra lịch sử duyệt website (web browsing history) và thùng rác (recycle bin) của thiết bị mà con sử dụng.

Trò chuyện và lắng nghe con hằng ngày

Trẻ em bình thường nào cũng có nhu cầu giao tiếp, kết nối với đời thực. Do đó, cha mẹ nên để ý lắng nghe, trò chuyện cùng con. Nhờ vào việc nhận ra rằng: chỉ ở đời thực mới có những người thực sự thấu hiểu, quan tâm đến mình một cách chân thành, các em mới không bị cám dỗ, sa ngã trong thế giới ảo.

Trẻ em là tương lai của đất nước, không phải công nghệ- do đó phát triển con người luôn là ưu tiên hàng đầu so với các lĩnh vực khác. Gia đình, nhà trường, xã hội hãy biết cách ươm trồng những mầm xanh này sao cho các em thật khỏe mạnh, minh mẫn, biết làm chủ bản thân trong thời đại số.

* Bài viết sử dụng ảnh minh họa trên Pexels.

*Bài đã đăng trên Vì trẻ em – Chuyên trang Báo điện tử Dân sinh

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *