Giáo dục,  Sách Khác

[Sách Omega+] Tọa đàm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa”

Sáng ngày 15/11, sự kiện tọa đàm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuôc địa” nhân dịp ra mắt sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – Huyền thoại đỏ và Huyền thoại đen” cùng Tủ sách “Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ” đã diễn ra tốt đẹp tại Hội trường L’Espace – 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chương trình do Công ty CP Sách Omega Việt Nam kết hợp cùng Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức.

 

Nội dung buổi Tọa đàm

Tác phẩm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – huyền thoại đỏ và huyền thoại đen” tổng hợp những nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương về Di sản giáo dục Thực dân. Dựa trên những tài liệu và văn bản khai thác được từ các trung tâm lưu trữ nước ngoài, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa Pháp, tác giả đã cố gắng phân tích một cách hệ thống về giáo dục Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung thời thuộc địa, từ đó rút ra những thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thời kỳ này.

Mở đầu chương trình là clip chia sẻ về cuốn sách của chính tác giả Nguyễn Thụy Phương, chị cho biết: “Với cuốn sách này, tôi muốn lý giải thêm 2 điểm mà tôi cho là then chốt của nền giáo dục thực dân tại Đông Dương: 1. Tìm hiểu nguồn gốc luận thuyết sứ mạng khai hóa, được coi là biểu tượng cho thiết chế thuộc địa của đế chế Pháp, và 2. phân tích chính sách đào tạo cản bước tầng lớp tinh hoa Việt.”

Với vai trò là điều phối chương trình, TS Mai Anh Tuấn đã bộc lộ sự hứng thú khi chia sẻ về cuốn sách: “Do yêu cầu về việc nghiên cứu và giảng dạy, tôi có mối quan tâm tới quan hệ Pháp Việt đầu thế kỷ 20. Riêng tủ sách Pháp ngữ mà Omega+ đã làm tôi rất thích và có ấn tượng khá sâu đậm. So với xu hướng ca ngợi đánh giá cao về giáo dục của Pháp tại Việt Nam dưới thời thuộc địa thì cuốn sách này của chị Phương có độ khách quan, tỉnh táo hơn, giúp chúng ta nhìn lại những di sản đó một cách hợp lý và cân bằng hơn. Với tôi đó là thái độ quan trọng khi xem xét các di sản mà lịch sử để lại. Chúng ta không nên quá vồ vập hoặc dị nghị trước những điều mà quá khứ mang lại.”

Là một trong hai diễn giả của buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Hợp tác Pháp ngữ Châu Á-Thái Bình Dương cũng chia sẻ: “Với tôi, cuốn sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” chứa đựng giá trị đáng kể về mặt tri thức. Bởi khác với nhiều tác giả muốn tạo một lối đi hoàn toàn riêng biệt, tác giả Nguyễn Thụy Phương đã xem xét một cách nghiêm túc và cẩn trọng dựa trên nghiên cứu của những người đi trước để tạo nên bức tranh khách quan nhất về giáo dục thuộc địa. Điều đó giúp chúng ta có thể đánh giá và suy nghĩ bằng lý tính thay vì cảm tính để hiểu đúng bản chất của vấn đề.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho biết: “Với tâm thế một người không có mối liên hệ gì tới giáo dục và các vấn đề về Pháp, tôi khá ấn tượng với quan điểm của chính quyền thực dân Pháp, và trí thức Pháp đối với những người dân thuộc địa và chính sách giáo dục ở thuộc địa được đề cập tới trong sách. Câu chuyện của Pháp với Việt Nam không phải là câu chuyện cá biệt, nó là câu chuyện phổ biến trên thế giới. Cuốn sách như một sự gợi mở, giúp chúng ta có được thái độ đúng đắn và khách quan hơn đối với các di sản lịch sử, mà ở đây là nền giáo dục tại Việt Nam dưới thời thuộc địa.”

Qua buổi Tọa đàm, các diễn giả cùng khách tham dự đã cùng tìm hiểu kỹ hơn về hệ thống Giáo dục của Pháp ở Việt Nam thời thuộc địa – một đề tài nghiên cứu vẫn gây nhiều tranh cãi dù đã gần một thế kỷ trôi qua. Những trao đổi về cuốn sách trong sự kiện sẽ góp phần bổ sung thêm những thông tin mới về nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử giáo dục thuộc địa nói riêng. Đồng thời giúp độc giả Việt có những cái nhìn và đánh giá khách quan về thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thuộc địa, mà thời bấy giờ cũng được coi là một công cụ để thực hiện mục đích chính trị của chủ nghĩa thực dân.

Thông tin Tủ sách Pháp Ngữ

Tủ sách Pháp ngữ – Góc nhìn Sử Việt là tủ sách bao gồm những tác phẩm tiêu biểu nghiên cứu về Việt Nam của các học giả Pháp. Tủ sách được hình thành từ năm 2018, kết thúc giai đoạn 1 (tức tháng 7/2020) đã xuất bản được 15 tựa sách, qua giai đoạn 2 đã xuất bản được 3 tựa sách, bao gồm tác phẩm mới nhất: “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa”, như vậy cho đến nay, tủ sách đã xuất bản được 18 tựa sách.

Bắt đầu từ giai đoạn 2, tủ sách sẽ được gọi với tên mới: Tủ sách “Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ”.Tủ sách sẽ tập trung khai thác sách biên khảo và các nghiên cứu mới nhiều hơn; những nghiên cứu này đa phần do các học giả đương đại viết, qua đó đóng góp tốt hơn cho giới nghiên cứu trong nước cũng như độc giả phổ thông, thay vì xuất bản nhiều những tài liệu du ký hay ghi chép tản mạn của người nước ngoài như trước đây.

Chủ đề cũng rộng hơn: giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, bách khoa thư về Nam kỳ, lịch sử Đông Dương, dân tộc học, dân tộc học tôn giáo, nhân vật-hồi ký, Việt Nam: đô hộ thực dân và kháng chiến dân tộc, Đông Dương với công cuộc thực dân… Không chỉ tổ chức dịch và xuất bản sách, Omega+ còn nỗ lực kết nối để mời các học giả lớn đến Việt Nam để giao lưu ra mắt sách, giao lưu văn hóa.

Một số cuốn sách đã và sẽ dự kiến khai thác, tổ chức xuất bản (trong giai đoạn 2):

– Nghi thức tang lễ của người An Nam: Nghiên cứu dân tộc học về mặt tôn giáo (Gustave Dumoutier) (đã xuất bản)

– Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương (Tiến sĩ luật khoa Phan Văn Trường) (đã xuất bản)

– Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa: Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen (Nguyễn Thụy Phương) (sắp xuất bản)

– Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa (Nguyễn Thụy Phương)

– Nam kỳ và cư dân Nam kỳ (bác sĩ Baurac)

– Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai (Jacques Dournes)

– Chúng tôi ăn rừng (Georges Condominas)

– Vua Minh Mạng (Marcel Gaultier)

– Đông Dương: Công cuộc thực dân hóa để lại nhiều cách đánh giá trái chiều (1858-1954) (Pierre Brocheux và Daniel Hémery)

– Lịch sử Đông Dương, viên ngọc quý của đế chế (1624-1954) (Philippe Héduy)

– Việt Nam: Đô hộ thực dân và kháng chiến dân tộc (1858-1914) (Charles Fourniau)

– Trung kỳ – Bắc kỳ (1885-1896): Sĩ phu và nông dân Việt Nam trước công cuộc xâm chiếm của thực dân (Charles Fourniau)

– Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam (François Joyaux)

– Truyền thống Việt Nam: Một nhà nước dân tộc nằm trong nền văn minh Trung Hoa (Philippe Langlet)

Chia sẻ về dự án “Tủ sách Pháp ngữ”, ông Vũ Trọng Đại – Giám đốc Công ty sách Omega Việt Nam cho biết: “Với Omega+, việc công bố và xuất bản Tủ sách Pháp ngữ phải đem lại hai tác động, thứ nhất là làm thay đổi tư duy người đọc theo hướng tiếp cận tri thức đa chiều; thứ hai là tạo ra mối quan tâm khai thác kho tàng Pháp ngữ đồ sộ và hết sức giá trị mà bấy lâu nay bị bỏ ngỏ vì được cho là kén độc giả, khó triển khai, khó phát hành. Tủ sách Pháp ngữ giai đoạn 2 sẽ tập trung khai thác sách biên khảo, nghiên cứu mới nhiều hơn, những nghiên cứu này đa phần do các học giả đương đại viết, qua đó đóng góp tốt hơn cho giới nghiên cứu trong nước cũng như độc giả phổ thông. Chủ đề cũng rộng hơn: giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, dân tộc học, dân tộc học tôn giáo, nhân vật-hồi ký, Việt Nam: đô hộ thực dân và kháng chiến dân tộc…”

 *Bài đăng trên Tạp chí Gia đình & Trẻ em

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *