Chia sẻ,  Sách Văn học

[Sách Nhã Nam] Ra mắt tác phẩm “Đi Trốn” và giao lưu với tác giả Bình Ca: Tâm tình người viết

Vào hồi 18h00 ngày 19/11/2020 tại tòa nhà Hanoi Tourist (18 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã có buổi ra mắt tác phẩm “Đi Trốn” và giao lưu với tác giả Bình Ca. Chương trình do Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam thực hiện.

Gặp gỡ Bình Ca

Trong không khí gần gũi, cởi mở tác giả Bình Ca đã chia sẻ những trải nghiệm lý thú trong hành trình viết nên cuốn sách thứ hai của mình. Sự xuất hiện công khai của ông đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều độc giả.

Đối với tác giả thì viết không phải là một nghề, mặc dù ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương- cha của tác giả Bình Ca chính là nhà văn Hữu Mai. Do đó, ông chỉ viết vào những lúc rảnh rỗi. Tác phẩm đầu tiên “Quân khu Nam Đồng” (tính đến nay đã tái bản 15 lần) cũng ra đời trong bối cảnh những tháng ngày giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh, tác giả Bình Ca đóng cửa phòng mình để viết cho khuây khỏa.

Sau khi “Quân khu Nam Đồng” trở thành một hiện tượng thì Bình Ca cũng không có dự định công khai danh tính thật cho đến khi ra mắt cuốn sách thứ hai, mang tên “Đi trốn”.

Điểm nhấn của cuốn sách này là cuộc phiêu lưu của nhóm năm bạn trẻ qua những núi non và sông nước tự nhiên đẹp đẽ đồng thời cũng tiềm ẩn vô vàn nguy hiểm. Bằng giọng kể phóng khoáng, ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu tác giả đã lôi cuốn người đọc vào một thế giới văn chương vô cùng hấp dẫn.

Sức hút của “Đi trốn” còn được thể hiện rõ ở mức độ quan tâm của độc giả đối với tác phẩm, thể hiện ở những vấn đề được thảo luận sôi nổi ngay tại buổi ra mắt như: Cảnh sắc thiên nhiên trong tác phẩm có thực hay không? Liệu có phải đó là cảnh đẹp tự nhiên của vùng đất Ninh Bình hay không? Các nhân vật trong tác phẩm là hoàn toàn hư cấu hay được xây dựng từ hình tượng nguyên mẫu nào đó trong hồi ức của tác giả?

Một số độc giả còn thừa nhận việc say mê theo dõi “Đi trốn” đến mức độ không thể rời tay khỏi cuốn sách. Từ các bạn trẻ cho đến độc giả trưởng thành đã lập gia đình đều hào hứng chia sẻ những phút giây thư giãn với tác phẩm này và hi vọng tác giả Bình Ca sẽ tiếp tục cho ra mắt những cuốn sách tiếp theo.

Bằng sự dẫn dắt hóm hỉnh, tinh tế nhà báo Phạm Gia Hiền đã giúp độc giả tham dự không những giải tỏa thắc mắc xoay quanh tác phẩm mà còn hiểu rõ hơn về tác giả Bình Ca- để từ đó thêm yêu mến, gần gũi với ông hơn.

Về tác giả và tác phẩm

“Đi trốn” kể về nhóm bạn con nhà lính từ thủ đô về nơi sơ tán gồm Tự Thắng, Thảo, Linh, Việt Bắc, Hoài Nam – được đưa ra Hà Nội học tập theo diện con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh trường kỳ. 

Lũ trẻ đang ở tuổi mười hai, mười ba, cái tuổi sôi nổi, bồng bột, ham khám phá nhất. Vì một sự cố bất ngờ, cả đám bị bỏ lại giữa rừng hoang, trong tay chỉ có vài vật dụng để sinh tồn. Lối về đã bị bịt kín, chúng đóng bè trôi lênh đênh trên dòng sông ngầm trong lòng núi, trôi qua những hang động huyền ảo kỳ bí, những thung lũng xanh rờn không dấu chân người, mà đường về vẫn vô tăm tích. Cuộc phiêu lưu li kỳ đến nghẹt thở, lũ trẻ liên tục phải chiến đấu với thú dữ, với những tình thế sinh tử ghê gớm để tồn tại. Và trong hành trình ấy, lũ trẻ dần trở nên tự lập, thông minh, gan dạ, trách nhiệm, nhưng vẫn hồn nhiên, trong trẻo.

Để có những trang viết chân thực, được kể rất sinh động và cảm động (theo lời nhà văn Bảo Ninh) thì tác giả Bình Ca đã có một quá trình lao động nghiêm túc, miệt mài theo đúng châm ngôn của ông: “Văn chương là cuộc chơi, nhưng phải chơi đẹp”.

Tác giả Bình Ca tên thật là Trần Hữu Bình, ông từng đảm trách nhiều cương vị quan trọng như Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho đến khi nghỉ hưu năm 2018.

Câu chuyện sáng tác của ông là một nguồn động lực quý giá dành cho ai đang có đam mê và dự định theo nghiệp viết lách, văn chương. Nếu yêu thích nghề viết, cộng thêm sự tận tâm và vốn sống phong phú thì không bao giờ là muộn để chúng ta bắt đầu.

 *Bài đăng trên Tạp chí Gia đình & Trẻ em

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *