[Review Sách] Walden – một mình sống trong rừng
Ngày nay chỉ có những giáo sư triết học, mà không có các triết gia…Là một triết gia không phải chỉ là có những tư tưởng siêu việt uyên áo, thậm chí cũng không phải lập ra một trường phái, mà là yêu sự thông thái đến mức sống theo những tiếng gói của nó, một đời sống đơn giản, độc lập, cao thượng và tin tưởng. Đó là việc giải quyết một số vấn đề của cuộc sống, không phải về lí thuyết, mà về thực tiễn.
(Trích Walden – Một mình sống trong rừng)
Với tôi, đây là cuốn sách rất độc đáo về một người phương Tây theo đuổi con đường gần gũi tự nhiên và tự do tâm trí theo lối của các hiền triết phương Đông. Khác với biên giới do con người tự tạo ra để hình dung về vạn vật và bản thân, vô ngã là không biên giới.
Thoureau đã sống cuộc đời ẩn cư trong vòng hai năm ở gần đầm Walden, ở Concord, Massachusetts. Ông chọn cuộc sống của chính mình, tạo dựng nên nó trong lòng tự nhiên và liên tục suy ngẫm về tất cả những biểu hiện sinh động của sự sống thông qua hành động: dựng nhà, trồng cây lương thực, nướng bánh, câu cá, quan sát muôn thú, cảm nghiệm bốn mùa v.v… Triết lý của ông không phải là ngồi một chỗ để suy ngẫm mà là hòa mình vào cuộc sống để đồng nhất tư tưởng của bản thân với tạo hóa, để hiểu, thay vì chinh phục tạo hóa như phần lớn đồng loại của mình tham vọng.
Tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh túy nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó phải dạy tôi hay không, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống.
(Trích Walden – Một mình sống trong rừng)
Tôi học được những bài học bổ ích từ cuốn sách nói về lối sống tưởng chừng cô tịch của ông, song lại hết sức phong phú về chiều sâu tư tưởng. Những điều Thoreau chiêm nghiệm được trong hai năm sống ở Walden đã khiến ông trở nên giàu có hơn bất kì ai: di sản tinh thần của ông là nguồn cảm hứng dồi dào cho biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng hay các nhà hoạt động xã hội thừa kế.
Ở Walden, Thoreau là chính mình, những tâm sự của ông lúc thì căng thẳng, khi lại giễu cợt, nhiều khi suy tư những đôi lúc lại rất nghịch ngợm như con trẻ khi trêu chọc muôn thú. Trái lại, ở các đô thị vội vã, không ít người chẳng là ai cả vì họ không thể biết chính họ là ai: mọi lời nói và hành động được lập trình từ bên ngoài thay vì đến từ tiếng gọi sâu thẳm trong nội tâm- bị bỏ lại từ lâu trong những cuộc đua kiện toàn đời sống vật chất.
Phần lớn những xa xỉ và cái được gọi là tiện nghi không chỉ không tuyệt đối cần thiết, mà còn rõ ràng cản trở việc nâng cao phẩm giá con người.
(Trích Walden – Một mình sống trong rừng)
Dù làm được nhiều việc thỏa thích giúp cho cả thân xác lẫn tâm hồn được lành mạnh, Thoreau không bao giờ cảm thấy thiếu thời gian. Trong xã hội hiện đại, người ta ít lưu tâm đến sự hài hòa lành mạnh, thế nhưng, họ vẫn luôn cảm thấy thiếu thời gian.
Tôi nghĩ Walden – Một mình sống trong rừng là một tác phẩm rất đáng đọc, mặc dù không hề dễ hiểu nhưng lại dễ để cảm nhận nếu bạn kiên nhẫn và có một tâm hồn phóng khoáng.