Chia sẻ,  Review Sách,  Sách Khác,  Trải nghiệm sống

[Chia sẻ] Thời bao cấp: Bao giờ cho hết nhớ thương…

Thời bao cấp trong tâm trí của những người đã trải qua thì giống như tia nắng hiu hắt giữa ngày đông, le lói và không đủ đẩy lùi cái giá lạnh. Đó là thời kỳ đặc biệt của những con người sống trong thời đại đặc biệt. Hay nói một cách ngắn gọi như GS. Nguyễn Minh Thuyết trong buổi tọa đàm “Thương nhớ thời bao cấp” vừa được Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức mới đây tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace, thì tóm lại trong câu “Khổ nhưng mà vui!”

Thương cho con người và nhớ về tình người

    Buổi tọa đàm có liên quan đến một cuốn sách gần đây đang được sự chú ý của dư luận, cuốn “Thương nhớ thời bao cấp”, của hai tác giả Thành Phong và Hữu Khoa. Đây là một cuốn sách tranh tập hợp lại những câu thành ngữ, những câu vè cửa miệng có kèm minh họa trong thời bao cấp như: “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ”, “Có vợ mà cho đi Tây, khác nào xe không khóa để ngay bờ hồ”, “Cá không ăn muối cá ươn, chồng cãi lại vợ ra đường bơm xe”… Những hiện thực chua chát của một thời kỳ thiếu thốn được chuyển tải sinh động và hóm hỉnh trong từng câu chữ đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều thế hệ sinh ra trong thời bao cấp vượt qua gian khổ, thiếu thốn.

    Vì vậy, khi những câu vè vang lên gợi nhớ cho những con người đã sống cùng năm tháng ấy cảm giác bồi hồi, xúc động. Thời bao cấp là thời kì đất nước phải đối mặt trước vô vàn khó khăn. Miền Bắc mới được giải phóng, còn miền Nam vẫn tiếp tục kháng chiến.

    Bối cảnh thù trong giặc ngoài ấy khiến ta phải lựa chọn học tập theo mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, cơ chế xin – cho với sự độc quyền của Nhà nước trong việc cấp phát hàng hóa gắn liền với tem phiếu và sổ gạo mãi cho đến năm 1986, khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

    Suốt quãng thời gian ấy, thế hệ trước đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn để rồi nay nghĩ lại thì thấy vừa nhớ, vừa thương.

    Nhớ vì đó là lúc dù nghèo vật chất nhưng con người biết đùm bọc, yêu thương nhau. Dù khổ cực nhưng cuộc sống không bao giờ thiếu đi niềm tin vào tương lai tươi sáng và luôn biết cách tự trào.

    Thương vì cuộc sống khổ quá, thiếu thốn quá, mọi thứ đều phải mua theo tem phiếu, cảnh nhà có cụ già đau ốm cũng không phải cứ ra chợ là mua được thịt nấu bát cháo nóng, hay có con nhỏ không phải cứ mẹ thiếu sữa mà có thể mua sữa ngoài cho con. Mọi thứ đều khan hiếm, cứ mỗi lần xe gạo, xe rau về là chứng kiến cảnh xếp hàng bằng cách… đặt gạch.

Mặt nghệt như mất sổ gạo!

    Theo ký ức của những diễn giả tham gia chương trình thì ngày đó cuốn sổ gạo là sinh mệnh của cả gia đình, vì chỉ những người có hộ khẩu thì mới có sổ gạo. Diễn giả, đồng thời là chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, thời đó khổ vì chiến tranh, vì hàng hóa khan hiếm và thị trường bị kiểm soát.

    Mặc dù chúng ta đã có một nền sản xuất nông nghiệp song các gia đình vẫn rơi vào cảnh bữa đói, bữa no với tiêu chuẩn mua gạo tính theo đầu người.

    Trong những lúc gian nguy như bị máy bay địch ném bom thì sổ gạo và sổ hộ khẩu được giao cho người khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhất mang theo mình. Bởi dù đó chỉ là một cuốn sổ nhưng trong thời bao cấp, chừng đó là nguồn sống của cả gia đình.

    Khi bà Phạm Chi Lan chia sẻ đến đó, không ít khán giả lớn tuổi trong khán phòng đã ngậm ngùi. Dường như quá khứ tưởng như xa xôi chưa bao giờ là quá xa để người từng sống trong cảnh khổ quên đi bài học thấm thía với lúc chen chúc để mua gạo hay khi bữa ăn có khoai, sắn độn cơm.

    Sự mất mát và thiếu thốn về vật chất trong thời bao cấp nói ra thì không biết bao nhiêu cho đủ, nhưng sẽ là khiếm khuyết khi không nhắc tới những nét đẹp của thời bao cấp. Đó là lúc con người ta đối xử với nhau bằng cái tâm, cái tình, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho nhau qua cơn khốn khó.

    Ai cũng nghèo nên sự thông cảm đến với nhau thật chân thành, tự nhiên. Trẻ em dù quần áo vá chằng vá đụp vẫn hăng hái đến trường, những đám cưới chỉ rước dâu bằng một chiếc xe đạp song vẫn nên nghĩa vợ chồng đến đầu bạc răng long.

    Với mỗi gia đình, cả năm dành dụm mua được chai rượu, gói kẹo, hộp mứt để ngày lễ tết đem ra mời khách. Đời sống vật chất hà khắc không đủ khả năng triệt tiêu đi đời sống tinh thần vốn phong phú của dân tộc.

Ôn cố tri tân

    Thời bao cấp không những đơn thuần là kỷ niệm với các thế hệ mà còn là bài học kinh nghiệm đắt giá với quá trình phát triển nền kinh tế của đất nước. Thời kỳ ấy giống như cuốn phim đen trắng diễn ra trong im lặng. Con người cố gắng chịu đựng và lạc quan để lấy sức chịu đựng.

    Từ đó, chúng ta đã nhìn ra được sự sai lầm trong việc áp đặt máy móc cơ chế kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa mà không tính đến hoàn cảnh đặc thù của đất nước ta, khống chế thương nghiệp tư nhân phát triển và tước đi cơ hội xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong thời gian ngắn hơn. May mắn thay, bài học đau đớn luôn để lại những kinh nghiệm quý báu.

    Ngày nay, chúng ta đã ý thức được tầm quan trọng của mỗi cá nhân trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Điều ấy được thể hiện qua các chính sách tạo điều kiện, quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cơ chế khuyến khích cộng đồng khởi nghiệp, tinh giản bộ máy công quyền, xã hội hóa các khoản đầu tư.

    Song, mặc dù hướng đến tương lai, chúng ta vẫn còn chút gì đó thương nhớ về thời bao cấp, về tinh thần lạc quan, hài hước của thế hệ: “Một yêu anh có Seiko, hai yêu anh có Peugeot cá vàng, ba yêu nhà cửa đàng hoàng, bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô…”

* Bài đăng trên Tạp chí Gia đình & Trẻ em

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *