Review Sách,  Sách Văn học

[Sách] Tọa đàm ra mắt tiểu thuyết “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này”

Buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này” do Nhã Nam phát hành đã diễn ra vào ngày 06/09/2022 tại Viện Pháp (số 15 phố Thiền Quang, Hà Nội).

 

Đến tham dự chương trình là sự góp mặt của hai diễn giả: Nhà văn Gérald Berche-Ngô và Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn. Chương trình được dẫn dắt bởi MC Kim Anh.

Mở đầu buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về đặc trưng của Goncourt- giải thưởng lâu đời nhất của Pháp, là niềm mơ ước của các nhà văn, tiểu thuyết gia. Do đó, các tác phẩm đạt giải thường nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả.

Tiếp theo, các diễn giả đã bàn luận về nhan đề và nội dung tiểu thuyết “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này”. Nhan đề tác phẩm “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này” có thể thoạt đầu nghe rất đơn giản, nhưng nếu suy rộng ra là một dụng ý mang nhiều tầng nghĩa mà tác giả Jean-Paul Dubois gửi gắm. Ở trang 169 và 170 của tác phẩm, cha của nhân vật chính đã nói câu này trước khi từ giã cõi đời. Đó có thể là lời biện minh cho cuộc đời của ông nhưng cũng có ý nghĩa thể hiện sự khao khát được sống một cuộc đời tự do, là chính mình.

Văn học Việt Nam cũng từng có giai đoạn đề cập đến khía cạnh con người không được sống hạnh phúc, độc lập, bị mất nhân dạng trong số đông, trong dư luận của xã hội phong kiến. Để con người được sống “khác” so với đám đông thực ra thường rất khó khăn. Bởi điều này đòi hỏi chúng ta sự bao dung, thấu hiểu, chấp nhận bản thân và những người xung quanh.

Nhà văn Gérald Berche-Ngô chia sẻ những tiểu thuyết đẹp thường có liên quan đến chủ đề tình yêu và cái chết. Trong tác phẩm này, chủ đề tình yêu được khai thác một cách rất trọn vẹn, mang đầy tính nhân văn song vẫn gần gũi với hiện thực. Anh cũng cảm thấy ấn tượng với cách tác giả xây dựng nhân vật chính: là một con người có xuất thân bình thường, gần gũi với tâm hồn của tầng lớp lao động để kể về số phận “không ai giống ai” của kiếp người ấy một cách chân thực, xúc động.

Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn cho biết đây là một tác phẩm mang tính biểu tượng gợi lên những suy tư lớn hơn. Nhân vật chính Paul Hansen mang đến một câu chuyện rất cá nhân, rất riêng tư về đời mình- một sự bộc bạch chân thực đến tận đáy. Anh cho rằng “Một con người bình thường, với những biến cố, bước ngoặt có thể kể một câu chuyện của tiểu thuyết”. Câu chuyện của Paul Hansen đáng kể bởi một phần trong đó thể hiện tinh thần đấu tranh của anh trước những áp bức độc tài, chuyên chế nơi tòa chung cư L’Exelsior tượng trưng cho sự cứng nhắc đi kèm bất ổn và tính tự hủy của nó.

“Không ai sống giống ai trong cuộc đời này” có lối kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, mang màu sắc triết lý song không thiếu sự hóm hỉnh với các nhân vật tuyến chính, tuyến phụ song hành rất thú vị.

Buổi tọa đàm đã khép lại với phần giao lưu, lắng nghe cảm nhận của khán giả về những tác phẩm đoạt giải Goncourt đã được phát hành tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Về tác giả, tác phẩm

Jean-Paul Dubois sinh năm 1950 tại Toulouse, Pháp. Ông theo học ngành xã hội học rồi trở thành nhà báo. Ban đầu ông viết cho mục thể thao trên tờ Sud Ouest, rồi đầu quân cho tờ Matin de Paris, sau đó trở thành phóng viên của tuần san Nouvel Observateur. Ông đã xuất bản khoảng hai mươi tiểu thuyết, một tiểu luận, hai tập truyện ngắn và hai tuyển tập các bài báo.

Ông từng giành được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó phải kể đến giải Goncourt năm 2019 dành cho tiểu thuyết “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này”.

Tiểu thuyết của Jean-Paul Dubois có một đặc trưng dễ thấy, đó là lối miêu tả tỉ mỉ về thực tế đời thường. Ông còn say mê mô tả cấu tạo các loại đàn, các động cơ từ xe hơi đến máy bay, những chiếc máy cắt cỏ hay cả hệ thống sưởi của tòa nhà… Cùng với đó là ngòi bút vô cùng tinh tế, luôn thường trực nỗi u buồn xen cả vui tươi, tất cả đã biến “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này” thành một biên niên sử về cuộc đời nhỏ bé của Hansen.

Kể về cuộc đời kỳ lạ của một phạm nhân, “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này” là một trong những tác phẩm đẹp nhất của Jean-Paul Dubois. Sự dịu dàng lẫn mỉa mai của nhà văn đã mang đến một làn gió tươi mát giữa cái nền văn học bão hòa đầy những câu chuyện mang tính châm ngôn, giảng đạo. Cuốn sách như “một ly cocktail pha trộn giữa hài hước, thông minh và cảm xúc được phục vụ với sự lịch thiệp đầy thư thái”, theo nhận xét của báo Figaro.

* Bài viết đã đăng trên vitreem.baodansinh.vn

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *