[Review Sách] Rời Microsoft để thay đổi thế giới
Cảm nhận về sách
“Rời Microsoft để thay đổi thế giới” là cuốn tự truyện của John Wood- Nhà sáng lập Room to Read. Tác giả kể về quyết định táo bạo của bản thân, khi rời khỏi vị trí cao cấp trong một tập đoàn tên tuổi, để mang sách, cơ hội giáo dục đến với trẻ em ở các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam). Trên hành trình ấy, anh đã từng bước gây dựng tổ chức lớn mạnh ra sao, tìm thấy những người đồng nghiệp đáng yêu như thế nào và quan trọng nhất là vì quên mình, John Wood tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình.
Trước hết, tôi nghĩ rằng đây là cuốn sách mà bất kì ai muốn cống hiến thời gian, sức lực cho các hoạt động từ thiện, công tác xã hội, các dự án vì cộng đồng nên tham khảo. Tiếp theo, nếu yêu thích giáo dục và mong muốn thay đổi thế giới theo chiều hướng nhân văn hơn, bạn cũng nên tìm đọc.
Tôi tin ai trong số chúng ta cũng từng có những ý tưởng tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng sẵn lòng theo đuổi ý tưởng tốt đẹp ấy. Thời điểm bắt đầu, John Wood cũng phải chấp nhận đánh đổi một vài điều tốt đẹp của bản thân trong hiện tại (địa vị, thu nhập, cuộc sống tiện nghi, người bạn gái, ước mơ về một căn nhà rộng rãi) để mang điều tốt đẹp đến cho thế giới trong tương lai. Một phép đổi dễ hình dung, được ca ngợi nhưng ít ai dám thực hiện.
Theo dõi hành trình của John Wood qua từng trang sách, cách sống “dám nghĩ, dám làm” của anh khiến tôi ngưỡng mộ. Bên cạnh đó, dù phải chật vật, thậm chí đôi lúc lảng tránh tài khoản tiết kiệm của bản thân càng ngày càng hao mòn, anh vẫn tập trung hướng về những trẻ em có cơ hội được đọc sách, những bé gái có cơ hội được đến trường để mai này trở thành những bà mẹ hiểu biết hơn và những bé trai có thể vươn lên đưa gia đình thoát nghèo. Có lẽ, các nhà hoạt động từ thiện, nhà công tác xã hội, các tình nguyện viên trong dự án vì cộng đồng, thường là những con người bình thường với phẩm chất phi thường như vậy.
Từng có thời gian hoạt động từ thiện, nên tôi nhận thấy sự bền bỉ của John Wood, tố chất, tầm nhìn của anh giá trị đến nhường nào (có thể đó chính là lý do vì sao Room to Read vẫn hoạt động, phát triển từ năm 1999 đến nay): Từ lựa chọn lĩnh vực giáo dục để đầu tư, sự nhiệt huyết trong hoạt động gây quỹ, đảm bảo minh bạch trong tài chính, hạn chế tối đa nhân sự trong vận hành, tài trợ kết hợp với xã hội hóa để người dân địa phương có trách nhiệm hơn trong hoạt động giáo dục, cho đến việc luôn sẵn sàng phá bỏ nguyên tắc để tạo ra thêm cơ hội.
Để tìm hiểu thêm về Room to Read, các bạn có thể truy cập địa chỉ: https://www.roomtoread.org/
Đoạn tiếp theo sau đây, tôi bộc lộ suy nghĩ của bản thân về việc làm từ thiện. Bạn có thể bỏ qua nếu chưa muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực này.
Tôi nghĩ cách từ thiện của Room to Read đã đúng. Vì làm từ thiện hiệu quả nhất là giúp cho các đối tượng không còn phải phụ thuộc vào hành động từ thiện của người khác để sống nữa. Để thay đổi số phận của một con người, có lựa chọn nào tốt hơn là giáo dục không? Tạo ra thói quen tốt, thì liệu có thói quen nào giá trị như việc đọc sách?
Từ thiện không phải là hành động ngẫu hứng. Tùy vào đối tượng (người trung tuổi, trẻ em hay người cao tuổi), hoàn cảnh (sinh sống ở thành thị, nông thôn, làng chài hay vùng cao) và vấn đề (cần cứu trợ khẩn cấp hay cần hỗ trợ lâu dài) trước khi có phương án cụ thể.
Thực ra, mọi người đều có ý tốt song lại hành động theo bản năng tự phát nên thường nghĩ từ thiện là ủng hộ theo “chuyến”, đem theo nhiều đồ để cho, tặng hoặc quyên góp tiền bạc, xây dựng cơ sở vật chất rồi bày tỏ lòng thương cảm (sau khi đã chụp và đăng tải rất nhiều hình ảnh lên trên internet).
Thói quen này tạo tâm lý xin – cho và khiến cho hành động từ thiện không đến nơi, đến chốn. Thậm chí tạo ra nghịch cảnh nhiều người thành chuyên viên “đi xin”, nhà viết kịch bản “kể khổ”, môi giới “từ thiện”, quản lý “người nghèo”, điểm hẹn “giải ngân cuối năm” v.v..
Tôi nhận thấy ngoại trừ trường hợp cần cứu trợ khẩn cấp, trước khi quyết định từ thiện, chúng ta cần người đi khảo sát địa bàn kĩ lưỡng, trò chuyện, tìm hiểu vấn đề thực sự của đối tượng và lên các kế hoạch từ thiện. Sau đó, nhà từ thiện nên tiếp tục đồng hành với cộng đồng để hướng dẫn, kết hợp với đánh giá mức độ hiệu quả, đồng thời điều chỉnh lại hoạt động, nếu cần thiết. Vì ‘”Của cho không bằng cách cho”.
Quá trình này có thể tiêu tốn hàng năm trời nên thường được thực hiện bởi các dự án hoặc các tổ chức phi chính phủ có chuyên môn, kinh nghiệm.
Mong rằng mọi người nhận thức được: nếu muốn từ thiện đúng cách cần có các nguồn lực ổn định và sự kiên trì. Nếu chưa thể được như vậy, chúng ta hãy ủng hộ cho các dự án, tổ chức từ thiện, quỹ từ thiện uy tín (có thể tự tìm hiểu trên mạng internet hoặc qua những người bạn tin tưởng). Bên cạnh đó, hằng ngày tùy tâm giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những người ở ngay xung quanh chúng ta cũng là ý hay, cũng có tính “thiện”.
Một vài suy ngẫm cá nhân
Công nghệ làm cho những người giàu trở nên siêu giàu. Bởi họ kiếm được rất nhiều tiền. Còn những người chưa giàu sẽ trở thành nghèo, vì họ phung phí thời gian, thứ tài sản quý giá không kém gì tiền, vào các trò giải trí trên các thiết bị công nghệ- dù chính thứ công nghệ ấy đang dần dần đẩy họ đến chỗ mất việc làm.
Chúng ta nên khuyến khích việc tận dụng công nghệ để học tập, nâng cao nhận thức của bản thân thay vì sắm sửa các thiết bị công nghệ (đôi khi là trả góp) chỉ để chứng tỏ bản thân và giải trí.
Tôi nhận ra nếu con người tồn tại với những khao khát trong thực tại mà không có lý tưởng về một tương lai tươi sáng hơn cho bản thân và những người xung quanh, thì chưa hẳn đã biết tận hưởng cuộc sống. Bởi không biết tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa, không ít cá nhân ráo riết tích lũy để rồi quăng mình vào hưởng lạc, nướng tiền vào các trò xa xỉ trước khi rời khỏi cõi đời này trong bệnh tật hoặc cô đơn.
Được sinh ra, được sống là để góp thêm cho đời này một chút gì đó ý nghĩa. Đó cũng là con đường giúp chúng ta khám phá ra lẽ sống đời mình.