[Review Sách] “Óc Sáng Suốt”: Sống Sáng Suốt
Óc sáng suốt là một trong số những tác phẩm tiêu biểu của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần (1907 – 1998) về nghệ thuật tư duy. Trái với quan niệm tư duy chỉ đơn thuần thuộc về lý tính, khi tìm đến cuốn sách này bạn đọc sẽ thấy đó còn là một nghệ thuật.
Tôi còn nhớ lần đầu mình nghe nói đến cuốn sách này là vào một chiều đông, bầu trời u ám đầy mây với cái lạnh tê tái. Ngồi bên cạnh là anh bạn đang dán mắt vào chiếc điện thoại với cốc cà phê đã nguội ngắt từ lâu song miệng vẫn không ngớt tấm tắc khen sách. Tác giả Thu giang Nguyễn Duy Cần có lẽ đã được biết đến bởi rất nhiều bạn đọc, sách của ông hấp dẫn vì kết hợp đủ Đông – Tây, Kim – Cổ lại vừa chắt lọc cả cảm nghĩ cũng như rung động nội tâm sâu thẳm của một nhà giáo và một y sĩ. Cùng với Nguyễn Hiến Lê, hai tác giả đã cống hiến cho biết bao độc giả những tác phẩm được dịch thuật tỉ mỉ cùng những công trình được dày công biên soạn. Cái tâm của người làm sách thật lắng đọng khi họ chắp bút viết nên tác phẩm của mình. Đôi khi, tôi còn tưởng tượng đó là một thứ mực mà họ đã dùng cả cuộc đời mình để mài nhằm viết nên những lời chỉ dẫn cho hậu thế. Một trong những lời chỉ dẫn ấy là cuốn sách Óc sáng suốt.
Hàng ngày chúng ta ăn, mặc, nghỉ ngơi, làm việc và vui chơi: tất cả sinh hoạt ấy không thể thiếu đi vai trò của khối óc. Khối óc ấy lo toan chu tất mọi việc mà siêu máy tính hiện đại nhất cũng không thể đảm nhiệm. Hơn nữa theo các nhà khoa học thì con người mới chỉ sử dụng 10% hiệu năng của bộ não. Vậy còn những vùng mênh mông trong tư duy con người cần được khám phá, sử dụng, chúng ta nên gọi chúng là gì ? Đó là khả năng quan sát, sự tập trung tinh thần, sự tưởng tượng, khả năng nhớ lâu và sự tổ chức các ý tưởng một cách trật tự. Những khả năng ấy ai cũng có song đến mức hiệu quả để cải thiện cuộc sống thì thật hiếm người làm được.
Thuật quan sát
Sự quan sát ở đây được hiểu là một cái nhìn có nội dung. Thông thường, ở những con người khỏe mạnh, không có khiếm khuyết thì đôi mắt là bộ phận được sử dụng để tiếp nhận hình ảnh. Chúng ta tiếp nhận những hình ảnh ấy thông qua cách nhìn, nhưng giữa cái nhìn không có nội dung, tức là cái nhìn thoáng qua không có mục đích, không có những tiêu chí được sắp đặt theo một cách có hệ thống thì không được gọi là quan sát. Sự quan sát có vai trò quan trọng trong quá trình tiếp thu kiến thức đồng thời khái quát lại bản chất của sự việc. Song, để thành công trong quan sát ngoại giới thì cần phải biết cách quan sát nội tại bản thân trước. Vì lẽ, trong cuộc sống chúng ta thường để thế giới nội tâm ảnh hưởng đến những gì chúng ta thấy: “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Bàn đến sáng suốt là bàn đến sự khách quan,vô tư khi nhìn nhận sự việc, hiện tượng. Sau khi đã làm chủ được khả năng quan sát nội tâm của chính mình, chúng ta mới đủ khả năng quan sát ngoại vật.
Để việc quan sát có hiệu quả, cần tạo ra những điểm cụ thể khi quan sát, điều này giúp chúng ta tiết kiệm thời gian hơn đồng thời cũng thu thập được những chi tiết quan trọng mà cái nhìn thông thường không bắt kịp. Muốn làm vậy, ngoài sử dụng đôi mắt, chúng ta phải biết cách để tập trung tinh thần.
Thuật tập trung tinh thần
Nền tảng của tập trung tinh thần là sức khỏe, lòng kiên nhẫn và mức độ ham thích của bản thân với công việc đang được thực hiện. Sức khỏe tốt giúp các chức năng của cơ thể được hoạt động bình thường, đặc biệt là bộ não. Như đã bàn ở trên, với khả năng của mình, não bộ tiêu tốn rất nhiều năng lượng của cơ thể. Nếu những mệt mỏi về cơ bắp không mất quá nhiều thời gian khôi phục khi chúng ta nghỉ ngơi thì ngược lại, trí não đòi hỏi quãng thời gian lâu hơn ngay cả khi đã dừng việc suy nghĩ lại. Do vậy, cần sử dụng bộ não một cách hợp lý và có thời gian nghỉ ngơi đảm bảo.
Cơ thể khỏe mạnh là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để tập trung đó là lòng kiên nhẫn và mức độ ham thích công việc. Khi chúng ta không kiên nhẫn thì tư tưởng giống như một con ngựa tuột cương, lao đi không có điểm dừng cho đến khi nó kiệt sức. Kiên nhẫn là một trong những đức tính quan trọng trong tất cả mọi sự việc, ngoài ra cũng là phẩm chất duy nhất có thể đổi ngang với tài năng cho nên rèn lòng kiên nhẫn là vô cùng cần thiết. Tác giả đã rất rộng lượng khi gợi ý cho chúng ta bằng sự ham thích công việc. Khi còn người yêu thích một công việc nào đó, anh ta sẽ tự giác lặp đi lặp lại công việc, thế nhưng thành công thực sự của một con người sẽ bị giới hạn nếu chúng ta chỉ kiên trì làm theo những thứ sẵn có ở thực tại. Để bổ sung thêm cho khả năng ấy, cần bàn về thuật tưởng tượng.
Thuật tưởng tượng
Để tượng tượng, chúng ta cần có một tâm hồn tự do. Tâm hồn tự do ấy không phụ thuộc hoàn toàn vào trí nhớ hay những định kiến cá nhân mà dựa vào tư duy sống động của một con người có mối liên kết chặt chẽ với cuộc sống. Thờ ơ, lãnh đạm hay bản thân lười suy nghĩ thì chắc chắn không thể tưởng tượng. Sự tưởng tượng ra đời nhờ vào một quá trình học tập “được ý quên lời”, tức là nghe rất nhiều, đọc rất nhiều, quan sát rất nhiều song không ỷ lại bám vào những thứ đã sẵn có ấy để trang hoàng bản thân. Kiến thức tích lũy được trở nên hữu dụng thông qua việc sử dụng chúng một cách hiệu quả và linh hoạt bằng những cách thức riêng biệt mang bản sắc cá nhân.
Đây là một khả năng tương đối độc đáo mà để tiếp cận và lĩnh hội cần có thời gian. Trong lúc ấy, chúng ta sẽ nhắc đến thuật tổ chức tư tưởng.
Thuật tổ chức tư tưởng
Tổ chức là hoạt động xác định trật tự nhất định nhằm đạt một mục đích cụ thể. Tổ chức đối với những vật thể như sách vở, quần áo, lương thực, nhân sự v.v… thường dễ thực hiện hơn việc tổ chức những thứ phi vật thể như tư tưởng. Vì đó mà chúng ta cần có phương pháp, quan trọng hơn là sự thực hành phương pháp. Sự thực hành bền bỉ ấy là chìa khóa cho thuật tổ chức tư tưởng, không có gì hơn thế. Hàng ngày, chúng ta thường sinh hoạt theo thói quen, theo cảm tính, theo ý kiến của những người xung quanh mà quên đi việc tự tổ chức những hành động của mình. Thí dụ, cần đi ngủ vào lúc mấy giờ tối, thức dậy vào lúc mấy giờ sáng, công việc trong ngày có gì, có đang hứa hẹn với ai đó gì không, việc nào bản thân đã tự đặt ra song vẫn để đó từ ngày này qua năm khác. Khi hành vi không được tổ chức quy củ thì lẽ tất yếu tư tưởng trở nên hỗn độn, lung tung. Nếu gặp những sự việc khó thì cần tiến hành tuần tự từ dễ cho đến khó, tuần tự cho đến phức tạp. Điều tối kỵ khi rèn luyện thuật tư tưởng mà bạn đọc nên lưu ý là đừng bỏ dở công việc giữa chừng nếu không có những việc thật sự quan trọng xen vào.
Thuật nhớ lâu
Khi bàn đến sự sáng tạo chúng ta không đồng nhất nó với trí nhớ, nhưng không thể phủ nhận nếu không có trí nhớ thì sẽ không có sự sáng tạo nào cả. Bởi cái mới ra đời dựa trên nền cái cũ. Nếu không nắm vững những nguyên lý cụ thể thì không thể coi là người có óc sáng suốt. Trong sáng tác văn chương cũng vậy, nhà văn không thể bắt tay vào sáng tác ngay mà không có những hiểu biết cơ bản về chính tả, ngữ pháp, cuộc đời và con người. Trí nhớ đảm bảo cho sáng tạo hướng thiện, về những thứ nên có và những thứ không nên có. Để có một trí nhớ tốt, cần biết kết hợp đầy đủ giữa cảm xúc và tư duy. Ngoài ra, người học nên biết cách gắn kết những thông tin với hình ảnh, cảm xúc và đặc biệt hơn là có sự lưu tâm đến bản chất của mọi sự.
Lời kết
Tôi nhận ra nếu kiên nhẫn thực hành những lời chỉ dạy trong sách thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả. Tiếc thay, tôi lại cũng nhận ra thói quen lười biếng trong suy nghĩ, sự trì trệ cũng không phải quá hiếm để bắt gặp.
Tuy nhiên, quá trình đọc sách, hiểu sách và hiểu ý tác giả với người đọc cũng thật thú vị. Vốn văn hóa của tác giả quá rộng thế nên khi bàn đến một luận điểm thì luôn có những viện dẫn đi kèm. Những viện dẫn ấy chỉ ra rằng là con người thì ai cũng giống nhau nơi nhu cầu, khát vọng song để hướng đến giá trị Chân – Thiện – Mỹ hay mãi sống đời quẩn quanh với Áo – Gạo – Tiền là do trí óc của ta quyết định. Người sáng suốt không phải chỉ đơn thuần do họ có thân thể mạnh khỏe mà là tinh thần sáng suốt trong một trí óc sáng suốt dẫn đường chỉ lối. Thiếu đi sự sáng suốt ấy, cả cuộc đời lại trở thành câu chuyện “Ngón tay chỉ trăng”: Mắt ta chỉ dõi theo ngón tay mà quên đi mặt trăng thực sự đang tỏa sáng. Sự sáng suốt đến với chúng ta khi chúng ta có thể làm chủ được nội tâm, khắc chế tác động của ngoại cảnh cũng như không bị ngôn ngữ phù phiếm đánh lừa. Khi ấy, điều kì diệu là ngọn đèn trong tâm thức sẽ được tự thắp sáng để sọi rọi mọi bản thể của hiện tượng cũng như chân giá trị của sự vật.
Một thời gian sau, bạn tôi và tôi gặp lại.
“Đọc xong thấy thế nào ?”- Bạn tôi hỏi mắt vẫn dán vào điện thoại.
Tôi im lặng mỉm cười và ngước lên bầu trời, chiều hôm ấy là một chiều hè .Trời quang đãng với những làn gió mát. Nắng đã nhạt, không có mây, chỉ còn lại một màu xanh bất tận.
Tôi nghĩ, Óc sáng suốt là một cuốn sách giúp người đọc tìm thấy sự tiềm ẩn vĩ đại trong những điều giản đơn để hoàn thiện năng lực nhận thức, năng lực quyết định cách chúng ta đón nhận cuộc đời.
Review chi tiết bởi: Nguyễn Phú Hoàng Nam