[Review Sách] Hàn gắn & Vượt qua nỗi đau lạm dụng tình dục
Đây là cuốn sách dành cho một nhóm các thiếu niên tuổi mới lớn đặc biệt – những con người trẻ tuổi đang phải đối mặt với tất cả những vấn đề bình thường của sự phát triển nhưng lại trở nên đặc biệt theo một cách khác: các em đang phải đấu tranh để vượt qua nỗi đau lạm dụng tình dục
(trích Lời nói đầu)
Hàn gắn & Vượt qua nỗi đau lạm dụng tình dục được viết bởi hai tác giả Cynthia L. Mather và Krishtina E.Debye. Trong đó, Cynthia L. Mather từng là nạn nhân của hành vi loạn luân.
Theo định nghĩa do các tác giả cung cấp, thì “Lạm dụng tình dục là lợi dụng một đứa trẻ qua bất cứ hành động nào để kích dục đứa trẻ hoặc sử dụng một đứa trẻ để kích dục một người khác” còn “Loạn luân là hành vi lạm dụng tình dục một đứa trẻ của một thành viên trong gia đình đứa trẻ đó hoặc có quan hệ họ hàng nào đó trong cuộc sống của đứa trẻ”.
Những khái niệm kể trên không quá xa lạ, vì thi thoảng các phương tiện truyền thông lại đăng tải thông tin về các sự vụ kiểu này. Chúng ta có thể lên án, có thể hờ hững nhưng chắc chắn chúng ta sẽ quên nếu điều đó không xảy ra với bản thân hoặc người thân xung quanh. Chỉ có nạn nhân là không thể quên. Nhiều trường hợp, nỗi đau ấy đã dẫn đến cái chết thông qua hành vi tự tử hoặc cố sống sót thông qua cách buông thả bản thân, nuôi dưỡng nhận thức giới lệch lạc, tham gia mại dâm (ở cả nam lẫn nữ), không muốn kết hôn.
Đó là thực trạng vẫn đang diễn ra nhưng không phải ai cũng nhận thức đúng sự tồn tại hay nguy cơ tiềm ẩn của nó. Nạn nhân thường giấu diếm việc mình bị lạm dụng vì sợ hãi, xấu hổ, vì tự cho rằng bản thân có trách nhiệm (trong khi hoàn toàn không phải vậy), e ngại danh dự của bản thân, gia đình bị ảnh hưởng v.v… Thủ phạm của hành vi lạm dụng lại thường có vỏ bọc rất tốt đẹp khiến cho người khác không thể nghi ngờ và đôi khi, họ rất giỏi trong việc ngụy biện cho các hành động của mình là vô tình, đụng chạm là cách thể hiện tình cảm của họ với trẻ.
Do đó, để phòng tránh và ngăn chặn hành vi này xảy ra sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc phải giải quyết hậu quả lâu dài nó mang lại.
Cuốn sách được chia làm bốn phần với mười sáu chương:
Chương 1: Bạn không đơn độc
Chương 2: Chuyện xảy ra có phải là lạm dụng hay không?
Chương 3: Tội phạm tình dục trên mạng Internet
Chương 4: Kể chuyện của mình
Chương 5: Mọi người sẽ nói gì
Chương 6: Điều gì đang xảy ra với tôi vậy
Chương 7: Đối mặt với gia đình sau khi nói ra sự thật
Chương 8: Ra tòa
Chương 9: Lựa chọn chữa lành vết thương
Chương 10: Trân trọng những gì bạn đã vượt qua
Chương 11: Mở đường cho tương lai
Chương 12: Tha thứ: bạn có làm được không?
Chương 13: Tình dục là gì, không phải là gì?
Chương 14: Những điều bạn nên biết về kẻ lạm dụng
Chương 15: Những điều bạn bè của nạn nhân nên biết
Chương 16: Những người sống sót muốn bạn biết
Để hiểu cặn kẽ, bạn nên tìm đọc sách trực tiếp. Nhưng nếu bạn cần lời khuyên, thì tôi tóm gọn lại cho bạn là: hãy dũng cảm làm mọi việc, vượt mọi mặc cảm để chặn đứng hành vi lạm dụng lại ngay lập tức (nếu nó đã xảy ra). Có lẽ, bạn cần thêm sự giúp đỡ, ủng hộ từ người thân, bạn bè và các chuyên gia trị liệu, song nếu đơn độc thì đừng ngại tìm kiếm các sự trợ giúp khác, hay biết thương xót và tự cứu lấy chính mình trước khi quá muộn. Bạn không có lỗi và hoàn toàn xứng đáng tận hưởng cuộc sống như mọi người, thay vì phải chịu đựng đau khổ.
Để đề phòng hành vi lạm dụng xảy ra, cha mẹ và các bạn trẻ nên thật sự thận trọng thay vì chỉ nghi ngờ song vẫn hành động đầy bất cẩn khi tạo nên các tình huống thiếu an toàn và không biết giữ khoảng cách. Chẳng mấy vui vẻ khi phải thừa nhận bản năng của con người có sức mạnh lấn át lý trí, do đó an toàn của bản thân và tuổi thơ trong sáng của con cái phụ thuộc vào bạn.
Thay cho lời kết
Lý do tôi đọc cuốn sách này là bởi tôi cần có hiểu biết nhất định trước khi đưa ra lời khuyên đối với một người bạn cần được giúp đỡ. Trong hành trình ấy, tôi khám phá ra cuộc sống bình lặng ở bề nổi chưa chắc đã là hoàn toàn bình yên. Kèm với đọc sách, tôi có xem thêm bộ phim HOPE và DON’T CRY, MOMMY. Nếu bạn nào từng xem hai phim này thì sẽ hiểu sự ám ảnh sau khi bộ phim kết thúc lớn ra sao.
Ở đời thực, không phải lúc nào bất hạnh của những số phận kém may mắn cũng được người khác thông cảm, giúp đỡ, thậm chí biết tới. Nạn nhân thường bất lực, trơ trọi và xa cách bởi vết thương tinh thần chí mạng do mặc cảm, tủi hổ và phẫn uất mang lại.
Thông qua bài review sách này, tôi cũng nhắn gửi đến các bậc phụ huynh rằng dù bận rộn đến mấy cũng đừng tiết kiệm thời gian trò chuyện, giáo dục giới tính và quan tâm đến sự an toàn của con em mình.