[Review Sách] Nền tảng tâm linh của giáo dục
Nền tảng tâm linh của giáo dục là một trong những bài giảng xuất sắc của Rudolf Steiner về phương pháp giáo dục Waldorf vì có cái nhìn rộng rãi, sâu sắc, táo bạo và có khả năng tiếp cận cao. Bài giảng được đưa ra năm 1922 tại Đại học Mansfield, Oxford, Anh và thính giả là những người danh tiếng nhất mà Steiner từng thuyết giảng. Đó là hội nghị về “Giá trị tâm linh trong giáo dục và đời sống xã hội” với khoảng 200 người tham dự.
(trích phần Lời giới thiệu sách Nền tảng tâm linh của giáo dục, Rudolf Steiner)
Trong quá trình tiếp cận cuốn sách này, tôi tiếp thu được lượng tri thức nhất định. Gọi là tri thức vì những kiến thức trong sách tương đối gần gũi với quan điểm về giáo dục của cá nhân tôi. Nhờ sự soi sáng của người đi trước, ở đây là tác giả Rudolf Steiner mà tôi có dip hệ thống hóa lại những quan niệm và phương pháp bản thân thường áp dụng trong giáo dục.
Ở mọi lĩnh vực, phương pháp là cách để đạt được hiệu quả. Thế nhưng người ta thường thích gọi tên, bàn luận, tranh cãi về các phương pháp đến mức độ quên đi tính hiệu quả của nó trong đời sống thực tế.
Trong thời bình thì điểu này thật khó hiểu, song trong thời chiến nó lại hết sức dễ hiểu với nguyên tắc “Điều hệ trọng nhất khi nâng thanh kiếm lên là chém trúng mục tiêu”.
Cũng bởi lẽ đó, khi đề cập đến yếu tố tâm linh trong giáo dục, không ít người có thể sẽ mang định kiến đó là lối giáo dục phản khoa học vì thiếu các chứng cứ khoa học sẵn sàng hệ thống lý thuyết, khái niệm mang tính công cụ. Con người luôn sợ hãi khi thiếu vắng các công cụ. Thiếu công cụ bên ngoài, họ sẽ phải đối mặt với trực giác, linh cảm và đời sống nội tâm của bản thân- và thật đáng lo ngại nếu bất chợt họ nhận ra mình không hề có những thứ ấy.
Tôi thừa nhận tâm linh không phải là thứ dễ hiểu (và nó vốn dĩ sinh ra cũng không phải để hiểu, mà để cảm nhận). Do đó, bạn và tôi đều có thể nhận ra chiều hướng tâm linh của một ai đó thông qua việc tiếp xúc, trò chuyện với họ. Thay vì đưa họ một phiếu test tâm linh (nếu bài test này là có thật).
Tâm linh giúp con người vượt qua nghịch cảnh, cám dỗ họ đi chệch hướng trong đời. Người có đời sống tâm linh là người ít bị chi phối bởi ngoại cảnh, giàu đức tin và luôn sẵn lòng trao đi nhiều hơn nhận lại (kể cả trong trường hợp đó là cách thực hành tâm linh hay sự cho đi vô vị lợi).
Steiner cho rằng, trẻ nhỏ là con người đang phát triển với ba bộ phận là cơ thể, tâm hồn và tâm linh. Tâm linh sẽ tác động đến sự phát triển thể chất và thể chất sẽ kết nối với thế giới thông qua các giác quan để củng cố tâm hồn của trẻ.
Giáo dục trẻ, do đó không thể tách rời tâm linh. Ở điểm này, tôi nghĩ ông muốn nhấn mạnh đến việc bản thân người giáo dục cũng cần có đời sống tâm linh của riêng mình trước khi truyền đạt lại tầm quan trọng của nó cho trẻ.
Đời sống tâm linh ấy không bắt buộc phải liên quan đến các tín ngưỡng, thực hành tôn giáo hay nghi lễ cầu cúng. Để lĩnh hội nó, cũng không nhất thiết phải tìm đến nơi rừng sâu núi thẳm hay cố tình hành xác để đạt được giác ngộ.
Tâm linh tự nó chính là sự giác ngộ, nói theo cách so sánh, là khi ta muốn chỉ cho ai đó con đường, thì không nhất thiết họ phải đi theo con đường ta đã chỉ và ta cũng không thể đi hộ bất kì ai con đường ấy. Người học cần lắng nghe bản thân để tự quyết định.
Điều này hoàn toàn phù hợp với quan niệm “Người thầy chỉ chắp đôi cánh, còn bay hướng nào là lựa chọn của người trò”.
Tuy nhiên, làm thế nào để người học có thể tự quyết định trong đời sống thay vì làm theo những gì đã được dạy trong trường dường như bấy lâu nay vẫn đang là nút thắt của giáo dục. Chính Steiner đã gợi ý cho mỗi chúng ta một góc nhìn mới về giáo dục, dù chưa chắc nó đã nhận được sự đồng thuận của các nhà giáo dục truyền thống.
Ở đây có sự mâu thuẫn giữa các giá trị ngắn hạn và dài hạn. Điển hình là trẻ em có thể ghi nhớ bài học để hoàn thành rất tốt kì thi, thế nhưng các em lại gặp vô vàn khó khăn để thích nghi và phát triển trong cuộc sống.
Nếu giáo dục cắt cuộc sống thành nhiều phần khác nhau, thì mỗi người dạy lại tập trung vào lát cắt ấy để hoàn thành vai trò của mình. Trẻ em được bảo ban chú tâm học giỏi toàn bộ các môn học được dạy và làm đúng những gì được bảo.
“Thông thường, khi xây dựng các nguyên tắc giáo dục, người ta kì vọng các nguyên tắc sẽ được thực hiện. Chúng được viết ra trong một cuốn sách và một giáo viên giỏi được kì vọng là sẽ thực hiện chúng một cách chính xác, theo Nguyên tắc thứ 1, thứ 2, thứ 3. Tôi tin rằng nếu hơn chục người (hoặc thậm chí ít hơn) ngồi lại với nhau, họ có thể tạo ra chương trình giáo dục tuyệt vời nhất- thứ nhất phải thế này, thứ hai phải thế này, thứ ba phải thế kia… Ngày nay, con người rất thông minh (tôi không có ý mỉa mai mà thực sự có ý này), họ có thể nghĩ ra những điều tuyệt vời nhất trên lý thuyết nhưng liệu chúng có thể được đưa vào thực tế hay không lại là một vấn đề khác; đây là vấn để của cuộc sống. Cuộc sống có rất nhiều hình thức đa dạng.”
Bài giảng dù rất thuận tiện cho người dạy, song bài học trẻ tiếp thu được chỉ còn đúng trong các hoàn cảnh lý tưởng của bài giảng ấy. Bước chân vào cuộc sống, trẻ sẽ thấy hụt hẫng khi nhận ra hiểu biết của bản thân và thực tế khác xa nhau đến nhường nào. Thời điểm này, sẽ có những cá nhân xuất sắc trong trường lớp trở nên cam chịu và cũng xuất hiện những cá nhân vốn không mấy xuất sắc trong trường lớp trở nên nổi bật bằng sức sáng tạo của bản thân. Sức sáng tạo này bắt nguồn từ tâm linh.
Tâm linh xuất phát từ bên trong, nên nó mang tính chủ động, nó chưa bị điều kiện hóa như nhận thức và kiến thức. Với tâm linh yếu ớt và kiến thức hùng hậu, trẻ sẽ rất khó đưa ra những quyết định từ trái tim, mà chỉ có thể quyết định dựa vào tư tưởng đã vô thức vay mượn hoặc bị áp đặt từ người lớn.
Từ đây chúng ta có thể hiểu thêm phần nào hiện tượng thành công song không hạnh phúc ở một vài cá nhân- họ hiểu luật chơi, biết cách thành công trong trò chơi nhưng không thực sự đang chơi trò chơi khiến họ thấy có ý nghĩa.
Giáo dục là một hành trình lâu dài liên quan đến con người. Thành công của giáo dục không nên đánh giá đơn thuần dựa trên các thành tích, mà nó chỉ có giá trị khi đối tượng được giáo dục “thành người”.
Giá trị cốt lõi nhất của thành người chính là đạo đức. Khi trẻ có nền tảng đạo đức (là biểu hiện cụ thể của tâm linh hướng thiện) thì trẻ có thể học bất cứ điều gì với bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ thời điểm nào.
Để dẫn dắt trẻ vươn tới điều này, Steiner bày tỏ suy nghĩ của ông về giáo viên của trường Waldorf.
“Giáo viên cần có tâm trí cởi mở, sẵn sàng đón nhận kiến thức mới mỗi ngày và khuynh hướng có thể biến đổi tri thức tích lũy thành tiềm lực giúp tâm trí luôn rộng mở đón nhận cái mới. Điều này giúp con người khỏe mạnh, trẻ trung và năng động. Một trái tim cởi mở đón nhận những thay đổi trong cuộc sống – sự mới mẻ bất ngờ và tiếp diễn của cuộc sống – phải là bản chất và tâm tính cơ bản của một giáo viên trường Waldorf”.
Khi đọc những dòng này, tôi nhận thấy ngoài việc học rộng, hiểu nhiều thì người giáo viên lý tưởng là người luôn sẵn lòng quên đi thành tựu cá nhân để kết nối với học sinh của mình. Từ đó, họ giúp các em phát huy tối đa tiềm năng, trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân trên nền tảng tâm linh độc lập, thông thái và nhân hậu.
Nếu làm được điều này, thì bất kể họ là ai và dùng phương pháp nào, họ đã hoàn thành sứ mệnh giáo dục.