[Review Sách] Bẫy hạnh phúc – Ngừng vật lộn và bắt đầu sống
Sau bài review cuốn “Thoát khỏi tâm trí và bước vào cuộc sống” của tác giả Steven C. Hayes và Spencer Smith (dịch giả Nguyễn Ngọc Ưu), tôi tiếp tục trở lại với bài review cuốn sách “Bẫy hạnh phúc – Ngừng vật lộn và bắt đầu sống” từ tác giả Russ Harris (dịch giả Nguyễn Khánh Chi, Nguyễn Phương Anh).
Trong tác phẩm này, tác giả Russ Harris đã trình bày những định kiến chủ quan khiến chúng ta bị hạnh phúc “bẫy” và lối thoát khi thực hành liệu pháp ACT (Acceptance and Commitment Therapy – Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết). Tôi nghĩ đây là một cuốn sách thiên về ứng dụng, thực hành. Cũng như mọi liệu pháp, sự trợ giúp chỉ có tác dụng khi chúng ta đem áp dụng chúng vào đời sống. Nếu bạn muốn đọc cho biết thì cũng rất tốt, nhưng nếu muốn việc đọc có kèm theo kết quả cụ thể thì mong bạn chuẩn bị sẵn giấy bút và sự cởi mở để thực hành những điều tác giả hướng dẫn.
ACT xuất phát từ Hoa Kỳ vào giữa những năm 1980, được phát triển bởi nhà tâm lý học Steven C. Hayes và đồng nghiệp, Kelly Wilson và Kirk Strosahl. Cho đến nay, liệu pháp này đã lan rộng khắp thế giới. Hàng trăm nghìn nhà tâm lý học, nhà trị liệu, nhà tham vấn, nhà khai vấn và bác sĩ ở nhiều quốc gia – từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Uganda tới Ấn Độ, Indonesia và Iran – đang thực hành ACT.
(trang 17)
Nội dung chính
Cuốn sách 411 trang này được chia làm 03 phần lớn với 30 mục nhỏ. Trong phần đầu tiên, tác giả lý giải vì sao khó để đạt được hạnh phúc? Phần thứ hai chúng ta đi sâu vào tìm hiểu các biện pháp xử lý những suy nghĩ và cảm xúc khó khăn. Phần cuối cùng, bạn và tôi sẽ đến câu hỏi làm thế nào để cuộc sống có ý nghĩa? (đương nhiên không thể thiếu việc nhắc đến tác giả Viktor Frankl với cuốn “Đi tìm lẽ sống”).
Theo tác giả, những chiếc bẫy hạnh phúc chúng ta thường hay sa vào gồm: hạnh phúc là trạng thái tự nhiên của con người và nếu không hạnh phúc, bạn là người kém cỏi. Con người thường cho rằng hạnh phúc cho thấy bản thân đang mãn nguyện nhưng họ quên mất một điều: trường đời (và có lẽ cả trường vũ trụ) không sinh ra con người để chỉ thỏa mãn. Với năng lực học tập và sự thích nghi, con người cần phải trải nghiệm đủ các cung bậc, trạng thái để trưởng thành.
Ngoài ra, con người cũng thường có xu hướng đồng hóa sự bất hạnh với năng lực kém cỏi của bản thân, trong khi đó hai yếu tố này không liên quan đến nhau nhiều như chúng ta vẫn tưởng. Ví dụ như một người đàn ông thành đạt nhưng không thể tìm thấy tri kỷ, một người phụ nữ xinh đẹp không thể tìm thấy chân tình, một cặp cụ ông cụ bà cả đời lương thiện nhưng con cháu bất lương hay cô bé, cậu bé ngây thơ sinh ra trong một gia đình có bối cảnh phức tạp. Cuộc sống này rất thú vị và muôn màu, do đó nếu cố định nghĩa và đóng khung mọi thứ, điều chúng ta nhận lại thường chỉ có nỗi thất vọng ê chề.
Nếu hạnh phúc chỉ đơn giản là một khái niệm, thì có điều gì cụ thể hơn? Đó chính là những bước tiến và những bước lùi của chúng ta. Dù ít được hỏi nhưng tôi tin ai cũng ấp ủ trong lòng ý tưởng về một cuộc sống viên mãn (tạm coi là hạnh phúc cũng được). Nhưng không phải lúc nào họ cũng đến được với cuộc sống ấy, bởi họ thường bị mơ hồ về những bước tiến và những bước lùi.
Tôi có thể lấy thêm ví dụ: nếu bạn mơ ước có học bổng để đi du học, thì bước tiến sẽ nằm ở các hành động trau dồi ngoại ngữ, tìm hiểu thủ tục hồ sơ, khảo sát tiêu chí tuyển sinh và chất lượng đào tạo, học phí của các trường. Còn bước lùi là ngồi nghĩ về các khó khăn sẽ phải đối mặt, đi tiệc tùng tận hưởng cuộc sống, trì hoãn học ngoại ngữ. Càng có nhiều bước tiến, bạn càng gần ước mơ hơn và càng có nhiều bước lùi, bạn càng rời xa khỏi nó. Thực ra đây là đoạn đã bắt đầu có thể thực hành, bạn hãy thử xác định xem bản thân đang muốn đi tới đâu và đang có những bước tiến, bước lùi nào nhé?
Khi biết rõ về bước tiến và bước lùi rồi, bạn sẽ nhận thấy đồng minh tin cậy bấy lâu nay hóa ra cũng là địch thủ: tâm trí. Tâm trí như một người bạn nhiệt tình thái quá sẽ luôn chơi điệp khúc nhắc nhở để đặt bạn vào tình huống tuân thủ hoặc đấu tranh. Tâm trí sẽ lải nhải ý nghĩ “bạn chưa đủ tốt”, “bạn thật lười nhác”, “xem bạn bè giỏi giang chưa kìa”. Và rồi bạn tuân thủ nó, e dè, lo lắng, tự ti không dám nhúc nhích hoặc đấu tranh để lao vào chứng minh bản thân chỉ để…thể hiện với cái giá là một đống quy tắc giam hãm đời mình.
“Dù bạn nghĩ mình có thể làm được hay không làm được điều gì đó, thì bạn bao giờ cũng đúng”- Bạn là những gì bạn nghĩ, nên hãy tỉnh táo với ý nghĩ của chính mình và đừng vội vã đồng hóa bản thân hay chống trả mù quáng những ý nghĩ ấy.
Vậy giải pháp là gì?
Bạn có thể ghi nhớ nó với từ viết tắt “ACE”:
A (acknowledge): nhận thức suy nghĩ và cảm xúc của bạn.
C (connect): kết nối với cơ thể của bạn.
E (engage): tập trung vào những gì bạn đang làm.
(Trang 89)
Đây là kỹ thuật thả neo để bạn có thể hiện diện và thực hiện những bước tiến. Để hiểu rõ hơn thì bạn có thể tìm đọc sách. Kỹ thuật này (nếu bạn thực hiện) sẽ giúp bạn vượt ra khỏi mớ suy nghĩ hay sự lưỡng lự giữa tuân thủ hoặc đấu tranh để tập trung vào điều có ý nghĩa hơn: hiện thực và hành động. Hãy thực hành để “tháo móc” bản thân. Tôi tin đó cũng là một bước tiến, vì bạn không thể tiến nếu miệng nói “muốn” mà chân vẫn đứng yên.
Cảm xúc, ý nghĩ tiêu cực, các trải nghiệm buồn thời thơ ấu, định kiến cứng nhắc v.v. là những thứ móc con người chìm vào vũng lầy của những bước lùi. Nếu ai đó muốn trở thành nạn nhân kiêm tù nhân vĩnh viễn trong chính câu chuyện đời mình, thì đây là con đường ngắn nhất.
Điều cần nhớ về ACT
Ba cụm từ này – hiện diện, cởi mở, làm những điều quan trọng – tóm tắt một cách tương đối về toàn bộ mô hình ACT. Chúng ta càng hiện diện và cởi mở, chúng ta càng dễ dàng thoát ra khỏi những suy nghĩ và cảm xúc khó khăn, và làm gián đoạn những bước lùi. Và chúng ta càng làm những điều quan trọng, cuộc sống càng tốt đẹp hơn.
(trang 298)
Bạn nên đọc trích dẫn này ít nhất 2 lần.
Điều không nên quên: thực hành
Tại sao thực hành luôn là điều cần thiết nhưng lại hay bị bỏ qua hoặc trì hoãn?
Hết lần này đến lần khác, trong lúc hướng tới một cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn, chúng ta sẽ đụng vào những rào cản khó khăn, hay còn gọi là HARD:
H: Hooked: Mắc kẹt trong những suy nghĩ và cảm xúc.
A: Avoiding discomfort: Né tránh sự không thoải mái.
R: Remoteness from values: Xa rời các giá trị.
D: Doubtful goals: Những mục tiêu không chắc chắn.
(trang 335)
Đó là gợi ý, còn câu trả lời nên thuộc về bạn. Giống như việc bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và cho đơn thuốc nhưng không thể nhắc nhở hay kiểm tra việc bạn uống thuốc. Bạn cần tự giác. Những nỗ lực tự giác bền bỉ sẽ mang đến cho bạn phần thưởng- đôi khi là đạt mục tiêu, đôi khi còn lớn hơn thế: sống đúng với giá trị của mình. Đừng chờ đợi ai đó nỗ lực thay bạn và nhắc nhở bạn cần nỗ lực, vì cuộc đời là lựa chọn của mỗi cá nhân. Khi bạn hành động hoặc không hành động thì đó cũng là lựa chọn.
Thay cho lời kết
Tôi cảm nhận “Bẫy hạnh phúc – Ngừng vật lộn và bắt đầu sống” giống với một cuốn cẩm nang thực hành ACT. Nếu dành thời gian đọc sách và chăm chỉ thực hành thì bạn có thể tiến bộ. Nhưng nên nhớ hãy khiêm tốn và bình tĩnh bắt đầu từ những bước nhỏ. Đừng coi thường những điều nhỏ bé hay sốt ruột muốn tăng tốc đến đích ngay lập tức. Vì thời gian là một yếu tố thinh lặng nhưng không dễ dãi: chúng ta chìm trong quá khứ hoặc vươn tới tương lai mà chân chưa chạm đất ở hiện tại, thì việc bị ngạt hoặc ngã đau là điều tất yếu.
Khao khát những thứ lớn để rồi khổ sở nhận ra bản thân vẫn chưa đủ lớn là tâm bệnh dễ mắc phải, nhất là trong thời đại vật chất, hình thức được đề cao. Đôi khi hiện diện, cởi mở và làm những điều quan trọng với đời mình là đủ- mà người biết đủ thì thường vui. Tôi thấy cổ nhân không phải hoàn hảo nhưng đã đúc kết điều gì thì hiếm khi sai.