[Review Sách] Đúng việc
“Những thực trạng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay của con người, của gia đình, của tổ chức và của xã hội là bắt nguồn sâu xa từ việc có quá nhiều thứ chưa được trả lại bản chất và chân giá trị của nó, cũng như có quá nhiều người chưa hiểu đúng và làm tốt những công việc của mình.”
Cuốn sách “Đúng việc” (tác giả Giản Tư Trung) nhắc cho người đọc nhớ rằng làm nhiều việc không có nghĩa là đúng. Tôi nhận thấy trong nhịp sống hối hả, chịu tác động từ các mạng xã hội, con người có xu hướng làm thêm nhiều việc hơn, như minh chứng cho sự đúng đắn, thịnh vượng.
Cá nhân tôi thì không nghĩ vậy, đặc biệt là sau khi đọc xong cuốn sách “Đúng việc”. Cuốn sách cho tôi cơ hội dừng lại để ngẫm nghĩ: “Liệu tôi có đang làm đúng việc hay không?”. Sẽ không thừa nếu bạn cũng muốn đặt ra câu hỏi ấy vào bất kì thời điểm nào trong đời.
Cuốn sách có 4 phần: Làm người – Làm dân – Làm nghề – Làm giáo dục.
Tôi tin rằng làm người là căn bản nhất. Vì trở thành con người đúng nghĩa là nền móng vững chắc của mọi công trình: sự nghiệp, gia đình trong tương lai. Cũng bởi vậy giáo dục hướng cho con người ta cách để sống sao cho đúng là người mà không phải chỉ mang hình người. Ngoài con người lý tưởng vươn đến chân – thiện – mĩ, tôi cho rằng một con người bình dị, yêu đời, yêu người và sống có mục đích cũng rất đáng được trân trọng. “Đúng việc” bàn đến những thứ căn bản, thiếu thứ căn bản thì con người sống như cây không gốc rẽ, dù có hoa, có lá, có cành thì cũng rất dễ gãy đổ, khó sinh ra quả.
Phần “Làm dân” bàn về các khía cạnh về quyền và nghĩa vụ của công dân. Có thể tác giả trăn trở với tình trạng công dân, bởi mải mê mưu sinh, mà quên đi bản thân luôn có quyền lợi và nghĩa vụ đối với đất nước. Nhà nước lập ra cũng có quyền và nghĩa vụ, nhưng sứ mệnh của nhà nước là vì dân chúng, vì sự tiến bộ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Sự thật ấy hoàn toàn thực tế, thậm chí là đương nhiên, nếu đất nước có những công dân yêu nước, sáng suốt và tự trọng để thường xuyên nhắc nhở cho nhà nước nhớ làm đúng việc.
Để tồn tại người ta cần “Làm nghề”, nhưng để biết cách “Làm nghề” sao cho ích nước lợi nhà, người ta cần được những người biết “Làm giáo dục” hướng dẫn. Nếu bàn tới làm nghề mà chỉ quan tâm đến tiền bạc, không nhắc tới “đạo đức nghề nghiệp”, thì rất khó làm đúng nghề cũng như biết làm nghề sao cho đúng đắn.
Người làm nghề có đạo đức mang lại giá trị cho cộng đồng. Còn người làm nghề vô đạo đức, chạy theo lợi nhuận thì sẽ đục khoét cộng đồng cho đến khi kiệt quệ. Phần lớn kết cục của họ sẽ đáng buồn. Ngược lại, người làm nghề đàng hoàng, biết làm đúng việc mình cần phải làm, dù cho khó khăn, thì tay nghề của họ sẽ được nâng cao, từ đó sự tôn trọng xã hội dành cho họ cũng lớn thêm. Họ khó có thể nghèo nếu kiên trì với nghề- nghề sẽ không phụ lòng họ.
Cá nhân tôi mong “Làm giáo dục” ở phần đầu của cuốn sách hơn bởi đối với tôi đây là phần có giá trị nhất.
Làm giáo dục không chỉ đơn thuần là dạy học. Theo tác giả trình bày, làm giáo dục cần có sự phối hợp giữa các yếu tố “Nhà trường – Nhà giáo – Nhà mẹ/Gia đình – Người học – Nhà nước”. Gấp sách lại, nhìn vào những điều diễn ra thường ngày, tôi tự hỏi:
Nhà trường đã làm đúng việc chưa?
Nhà giáo đã làm đúng việc chưa?
Nhà mẹ/Gia đình đã làm đúng việc chưa?
Người học đã suy nghĩ đúng về việc học chưa?
Nhà nước đã làm đúng việc chưa?
Những câu hỏi không dễ trả lời và có thể sẽ còn tiếp tục bị để ngỏ. Tuy nhiên, trong vai trò của thế hệ đi trước với thói quen dành lại phần khó cho thế hệ sau, thì chúng ta có đang làm đúng việc hay không?
“You must be the change you wish to see in the world”- Mahatma Gandhi
(tạm dịch: Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời”)