Tọa đàm “Trinh thám Pháp và Việt qua góc nhìn của các nhà văn nổi danh – Nhân dịp nhà văn Michel Bussi sang Việt Nam”
Thư viện Quốc Gia Việt Nam (số 31 Tràng Thi, Hà Nội) vừa tổ chức buổi tọa đàm xoay quanh các tác phẩm trinh thám với sự góp mặt của nhà văn Michel Bussi, nhà văn Di Li, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery và phóng viên Trần Linh Chi.
Chia sẻ về đặc trưng của các tác phẩm trinh thám, ông Nicolas Warnery cho biết ở quê hương ông mọi người thường có thói quen đọc sách trong khi chờ đợi việc di chuyển trên tàu điện ngầm. Trong số đó, không ít người lựa chọn đọc các tác phẩm trinh thám. Ông cho rằng độc giả tìm đọc trinh thám là để được trải nghiệm những thế giới khác đi so với những lo toan của cuộc sống thường ngày. Trinh thám mang đến sự bí ẩn mà con người luôn khao khát được khám phá, bị cuốn hút phải tìm hiểu.
Hồi tưởng về những ngày đầu viết truyện trinh thám, nhà văn Di Li đã giúp bạn đọc hình dung được rõ hơn quá trình viết nên các tác phẩm trinh thám thường cần rất nhiều công sức sưu tầm thông tin, tư liệu. Chị cho rằng viết truyện trinh thám không dễ, thậm chí có thể nói là “khó gấp đôi so với các nhà văn không viết truyện trinh thám”. Bởi quá trình sáng tác cần đến cả trí tưởng tượng phong phú lẫn cốt truyện logic, chứng cứ thuyết phục, các tuyến nhân vật chặt chẽ và các chi tiết phải thống nhất từ đầu tới cuối. Thêm một thử thách nữa của việc viết trinh thám là khi sáng tác, các tác phẩm mới thường dễ bị đem ra so sánh với những tác phẩm trinh thám nổi tiếng trên thế giới và thậm chí là sự tự so sánh với chính các tác phẩm của đồng tác giả trước đây. Nhà văn Di Li bày tỏ suy nghĩ rằng nếu các tác giả trẻ đặt mục tiêu sáng tác để trở nên nổi tiếng, thì sẽ khó gửi gắm được đến công chúng các tác phẩm chất lượng. Từ nghiệp viết lách của bản thân, chị nhận thấy các nhà văn thành công trước hết thường dựa vào sự đam mê và tinh thần cống hiến của họ.
Michel Bussi chia sẻ đây là chuyến đi đầu tiên của ông tới Việt Nam. Ông cảm thấy rất tự hào khi các tác phẩm của mình được xuất bản tại nơi đây. Lời khuyên từ Michel Bussi gửi đến các tác giả trẻ đang có dự định gắn bó với thể loại trinh thám là: nếu muốn viết trinh thám hay, bạn cần cốt truyện đặc biệt, thấy được nhưng góc nhìn sáng tạo về những tuyến nhân vật thường gặp. Ngoài yếu tố điều tra, ông khẳng định các tác phẩm trinh thám nên chứa đựng thêm những hiểu biết về lịch sử – văn hóa, con người. Con người hiện đại có rất nhiều lựa chọn để giải trí, nhưng vẫn sẽ luôn luôn có những người thích đọc sách, đặc biệt là các cuốn sách kinh điển. Vậy nên, các tác giả cần chú ý để cho tác phẩm của mình càng ngày càng trở nên hấp dẫn, luôn mới mẻ và giàu sức lôi cuốn bạn đọc hơn.
Tác phẩm mới nhất của tác giả Michel Bussi được phát hành tại Việt Nam là cuốn “Mã 612 Ai đã giết Hoàng tử bé”. Đây là một cuốn sách hấp dẫn của Michel Bussi khi đặt ra những tương đồng trong cái chết của Hoàng tử bé và vụ mất tích bí ẩn của cha đẻ cậu – nhà văn Saint-Exupéry.
Về tác giả
Michel Bussi, sinh ngày 29 tháng Tư 1965 tại Louviers, tỉnh Eure, là nhà văn, nhà nghiên cứu chính trị, giảng viên Địa lý tại Đại học Rouen, ông điều hành Khoa Nghiên cứu Hỗn hợp của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp tại đây cho đến tận năm 2016.
Trong nền văn học Pháp đương đại, Michel Bussi được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám” với phong cách viết biến hóa tài tình, bất ngờ đến ngạt thở. Theo tờ Le Figaro, ông là một trong năm nhà văn Pháp có sách bán chạy nhất năm 2021 tại nước này. Các tiểu thuyết của ông đã được dịch và xuất bản tại hơn 35 quốc gia, trong đó một số đã được chuyển thể thành phim.
Ở Việt Nam, nhiều tác phẩm của Bussi đã được Nhã Nam xuất bản, bao gồm: “Xin đừng buông tay”, “Hoa súng đen”, “Mẹ đã sai rồi”, “Vết khắc hằn trên cát”, “Kho báu bị nguyền rủa”.
* Bài đã đăng trên Vì Trẻ Em – Chuyên trang của Báo điện tử Dân Sinh.