Review Sách,  Sách Khác

[Sách] Tọa đàm ra mắt tập du khảo “Triệu Dấu Chân Qua Những Cửa Ô”

Vào tối ngày 07/10/2022 tại vườn hoa Lý Thái Tổ, phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm ra mắt tập du khảo “Triệu Dấu Chân Qua Những Cửa Ô”. Khách mời gồm Nhà văn Nguyễn Trương Quý, Tiến sĩ Văn học Phạm Xuân Thạch và Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy. Buổi tọa đàm đã diễn ra trong không khí tươi vui của Hội sách Hà Nội lần thứ VII năm 2022.

Tập du khảo mang phong cách đặc trưng và những trăn trở của Nhà văn Nguyễn Trương Quý trước mỗi lần chắp bút: cứ mỗi lần viết về Hà Nội, anh lại tự hỏi mình có còn sự nhiệt huyệt, sáng tạo như khi còn trẻ, mới bắt tay vào nghiệp viết lách về mảnh đất này không? Là một cây viết gắn bó với mảng đề tài nổi bật mà cũng rất sâu lắng này, anh đã cho ra mắt độc giả hơn 10 cuốn sách có chủ đề về Hà Nội. Dấu ấn của anh trong lòng bạn đọc là các tựa sách anh viết thường có vốn tư liệu phong phú, phân tích vấn đề lý trí nhưng cũng không kém phần duyên dáng khi kể lại giai thoại về dân cư, phố phường Hà Nội. Trong hành trình tìm kiếm xuyên suốt không gian và thời gian, anh nhận ra Hà Nội dù có thay đổi ở diện mạo theo hướng hiện đại hơn, sầm uất hơn thì vẫn còn đó những quy luật rất riêng, tương đối bất biến khiến nơi đây không thể lẫn được so với bất kì một đô thị nào khác.

Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch cũng chia sẻ rằng dường như có những thành phố được ban phước, khiến cho rất nhiều cây viết đắm đuối sáng tác. Hà Nội có lẽ là một thành phố như vậy: dù tốn biết bao giấy mực nhưng mạch cảm hứng vẫn dồi dào tuôn chảy cho các văn nhân. Ông nhận xét tập du khảo “Triệu Dấu Chân Qua Những Cửa Ô” của Nhà văn Nguyễn Trương Quý là một công trình công phu, thể hiện sự say mê và lòng kiên nhẫn của tác giả khi kì công sưu tầm, nghiên cứu các thư tịch lâu đời về Hà Nội. Để từ đó, ra đời một cuốn sách có chất lượng, không chỉ dừng lại ở việc ngợi ca các huyền thoại mà còn lý giải vì sao các huyền thoại ấy xuất hiện trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Là người đồng hành với tác giả trong quá trình ra mắt tập du khảo, Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy chia sẻ cuốn sách là nguồn tư liệu hữu ích đối với các nhà nghiên cứu song cũng rất thú vị với bạn đọc phổ thông. Chị cảm nhận trong tập sách này, Nhà văn Nguyễn Trương Quý mang đến tiếng cười của lòng nhân hậu mà không mang sắc thái chỉ trích, châm biếm- dù là chuyện ngày xưa hay chuyện ngày nay.

Trong phần giao lưu, trả lời các câu hỏi từ khán giả, buổi Tọa đàm đã nhận được những phản hồi mang tính chất tích cực, không chỉ dừng lại ở khuôn khổ tập sách mà còn ở những suy tư như: “Liệu những di sản về Hà Nội có được thế hệ sau kế thừa, phát triển hay không?” Trả lời câu hỏi này, Nhà văn Nguyễn Trương Quý tin rằng các bạn trẻ đã và vẫn đang có những tìm tòi, sáng tạo trong việc bộc lộ tình cảm với Hà Nội, thông qua các ý tưởng hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống như: ứng dụng các thiết bị công nghệ, thiết kế sản phẩm truyền thông đa phương tiện. Khi được hỏi với Nhà văn Nguyễn Trường Quý, từ nào khái quát về Hà Nội và điều gì khiến anh lưu luyến nhất ở mảnh đất này, anh đã trả lời từ mà anh chọn là từ “biến ảo” và điều khiến anh lưu luyến nhất là “con người” nơi đây.

Về tác giả

Nhà văn Nguyễn Trương Quý Sinh ra và sống tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp kiến trúc sư. Hiện nay công việc của anh là viết văn, vẽ tranh, làm đồ họa và truyền thông. Anh từng nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2019.

*Bài viết đã đăng trên Vì Trẻ Em – Chuyên trang của Báo điện tử Dân Sinh.

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *