Giáo dục,  Review Sách,  Sách Tâm lý - Giáo dục

[Review Sách] Tự học: Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời

Tự học: Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời” của nhóm tác giả Hoàng Anh Đức, Hoàng Giang Quỳnh Anh, Hồ Tường Linh là cuốn cẩm nang bổ ích trên hành trình tự giáo dục.

 

Cuốn sách có 255 trang và 08 chương, gồm:

Chương 1: Cần gì tự học?

Chương 2: Biết mình và hiểu mình?

Chương 3: Tâm thế sẵn sàng cho việc học

Chương 4: Quản lý hoạt động

Chương 5: Quản trị tri thức

Chương 6: Nâng cấp hiệu quả học tập

Chương 7: Học tập cộng tác

Chương 8: Phản tư

Viết bài này với tâm thế “nếu muốn sẽ tìm cách, không muốn thì tìm lý do”, tôi chọn chia sẻ cảm nghĩ về các chương 1, 2, 3 (nguyên lý, phương hướng nền tảng) và để lại các chương sau (kỹ thuật cụ thể) cho bạn đọc tự khám phá và vận dụng theo cách phù hợp với bản thân.

Tôi cảm nhận rằng các kỹ thuật tư duy phục vụ cho hoạt động tự học được sưu tầm, tổng hợp trong sách rất dễ hiểu, dễ vận dụng. Theo tôi, đây là phần thể hiện công sức của nhóm tác giả sau một hành trình dài suy tư về triết lý học tập ở những chương mở đầu. Ở lĩnh vực nào cũng vậy, chúng ta sẽ khó trở thành một nghệ nhân nếu thiếu đi những công cụ tốt và những giờ bền bỉ thực hành.

Nếu muốn tự học, bạn nên dành thời gian tham khảo những công cụ, phương pháp đã được thời gian kiểm chứng về tính hiệu quả. Việc học khởi đầu không đơn giản, tự học lại càng không dễ dàng nên đừng tự làm khó mình khi loay hoay “sáng chế” các phương pháp hoặc chỉ có nhiệt huyết mà thiếu đi tư duy.

Ý nghĩ về việc học

Chương 1 cung cấp 03 góc nhìn cơ bản về tiến trình học tập của con người là: Hệ phân loại mục tiêu giáo dục theo nhận thức của Bloom; Chu trình học tập qua trải nghiệm của Kolb; và Tư tưởng Shuhari- một khái niệm khởi nguồn từ võ thuật Nhật Bản.

Tôi ấn tượng nhất với Tư tưởng Shuhari- nhìn chung khi nói về tự học, tôi ấn tượng với những thứ đơn giản, dễ hiểu nhưng hướng tới sự căn bản, cốt lõi. Vì tự học cũng có những “điểm mù” chúng ta hết sức thận trọng: khi chúng ta lầm lẫn, chưa chắc bản thân ta đã nhận ra được điều ấy (vì không có người thầy chỉ bảo).

Tư tưởng Shuhari có những nét chính như sau (trích lược từ trang 38, 39):

Shu (Thủ): To learn from tradition – Học từ những thứ truyền thống

Ha (Phá): To break the chains of tradition- Bắt đầu bứt phá

Ri (Ly): To go beyond all tradition – Vượt qua lề lối truyền thống

Tất cả chúng ta khi học tập đều nên bắt đầu với sự căn bản trước khi bàn tới giai đoạn bứt phá, sáng tạo. Tự học cũng vậy. Người học nên kiên nhẫn tiếp thu những tri thức căn bản rồi tùy theo năng lực mới dần dần khai phá ra những giá trị riêng mang dấu ấn cá nhân.

Sáng tạo khi chưa hiểu nguyên lý hay các hành vi nóng vội, đốt giai đoạn đều là kẻ thù của tư duy. Vì các hành động này khiến các sản phẩm sáng tạo thường không có giá trị sử dụng trong thực tiễn và người học dễ bị rơi vào ảo giác về tri thức của bản thân (hiệu ứng Dunning-Kruger, đánh giá năng lực nhận thức của bản thân cao hơn thực tế).

Khi bạn đã dành đủ thời gian, công sức cho một vấn đề, bạn sẽ nhận thấy lời giải. Bạn tìm ra lời giải và biết cách vận dụng kiến thức ấy thành kỹ năng tiến hành mọi việc thật suôn sẻ và dễ dàng- đây là tín hiệu tích cực cho thấy năng lực của bạn vừa được nâng lên thêm một bậc.

Nếu quan sát một người thợ thủ công làm việc với đôi tay thoăn thoắt hay một diễn giả ăn nói lưu loát, bạn sẽ thấy họ đã tôi luyện được năng lực ở trên mức tốt: đạt đến sự dễ dàng, thoải mái khi thực hành nghề nghiệp mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Đó là điều tôi mong bạn quan tâm trên hành trình tự học.

Những hành trình dài cần tới sự chuẩn bị chu đáo. Học tập là một hành trình như vậy: chúng ta học tập suốt đời thay vì học một lần dùng cả đời. Hiểu về sự học thì mới có thể bàn đến những khía cách sâu sắc hơn của việc tự học.

Ý nghĩa của việc học

Chương 2, được mở đầu bằng trích dẫn như sau:

“Hiểu mình là điểm khởi đầu của sự thông thái” – Aristotle (trang 41)

Hiểu bản thân (Who) thì mới hiểu vì sao bản thân cần học (Why), học cái gì (What), ở đâu (Where), khi nào (When) và học như thế nào (How)?

Lý do khiến một số bạn trẻ ngại học, dù “được học” cũng không muốn học chứ chưa bàn đến “tự học” vốn dĩ gian nan, là bởi các bạn chưa hiểu bản thân là ai. Việc học gần như vì một tương lai nào đó mà cha mẹ mong muốn, thầy cô hứa hẹn. Do đó, các bạn dễ cảm thấy việc học là cho người khác, không phải cho mình. Thậm chí, một số bạn nhỏ có thể “mặc cả” việc học để đổi lấy sự sắm sửa, chiều theo ý thích cá nhân từ người lớn.

Trong chương 2, bạn và tôi sẽ được tìm hiểu về “IKIGAI” và “Mô hình hoạt động cá nhân” (PBMC). Tôi sẽ chia sẻ đôi điều về Ikigai, còn về “Mô hình hoạt động cá nhân” (PBMC) bạn đọc nên trực tiếp tìm hiểu trong sách, vì mô hình trực quan trình bày ở đó sẽ giúp bạn dễ tiếp cận hơn.

“Ikigai có thể là bất cứ điều gì, từ việc ngắm mặt trời mọc, thử một công thức nấu ăn mới, tham gia tình nguyện hay dành thời gian bên gia đình…miễn là nó đem lại niềm vui, hạnh phúc và cảm giác có động lực” (trang 47)

Theo gợi ý từ Ken Mogi, tác giả cuốn sách “Awakening Your Ikigai”, có 5 phương pháp đề tìm ra Ikigai của bản thân (trang 46):

  1. Hãy bắt đầu từ những công việc nhỏ. Khi hoàn thành từng việc, bạn sẽ dần nhận ra được sự đóng góp của mình cho thế giới xung quanh.
  2. Hãy nhìn nhận thẳng thắn những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và chấp nhận chúng.
  3. Sống hài hòa, bền vững với môi trường, với cộng đồng xung quanh.
  4. Tận hưởng những niềm vui nhỏ nhất, thay vì luôn chờ đợi những điều to tát, lớn lao.
  5. Tận hưởng hiện tại, ở đây và bây giờ, thay vì những mơ mộng xa xôi.

Tôi dành tặng bạn đọc phần này để tự nghiền ngẫm mà không bàn luận gì chi tiết hơn. Khi lựa chọn đọc bài review này cũng tức là bạn đã bước đi trên hành trình tự học. Tôi tin rằng tự học đúng nghĩa luôn cần đến những khoảng lặng để tự nghiệm.

Bây giờ chúng ta sẽ đến với một khía cạnh thực dụng hơn của việc học để nhận thấy giá trị của sự học trong việc lập thân, lập nghiệp. Nếu bạn có ước mơ và muốn thực hiện nó, thì điều đầu tiên bạn cần làm là thức dậy.

Làm thế nào để tự học?

Chương 3, nhóm tác giả có đề cập đến các lĩnh vực tiền đề cho sự học gồm:

  1. Một tinh thần sẵn sàng: Nhập vào dòng chảy tâm lý (trạng thái Flow), Tư duy phát triển (Growth mindset)
  2. Một thân thể sẵn sàng: Rèn luyện thể thao, chú ý tới giấc ngủ, học cách sử dụng các giác quan.
  3. Đúng người, đúng việc, đúng chỗ, đúng lúc.

Như phương hướng ban đầu của bài viết, tôi đặc biệt chú ý đến việc giúp bạn đọc tìm hiểu được giá trị của tự học- thay vì hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Tự học cần sự chủ động và tính riêng tư.

Nên tôi sẽ phân tích nội dung “Đúng người, đúng việc, đúng chỗ, đúng lúc” với thông tin, theo tôi nghĩ, rất quý giá về “Khoảng trống năng lực” và “Khoảng trống cơ hội” để bạn có thêm động lực tự học.

“Khoảng trống năng lực” và “Khoảng trống cơ hội” có thể chính là lời giải cho rất nhiều “bài toán cuộc đời” thường tâm sự vì sao họ có tài năng nhưng lại khó thành công hoặc vì sao họ có nhiều cơ hội nhưng thường để lỡ mất hoặc sử dụng cơ hội đó  thiếu sáng suốt.

Tôi hình dung những cá nhân chú trọng lấp đầy “khoảng trống năng lực” mà quên đi các “khoảng trống cơ hội” giống với những nhà sản xuất hàng hóa không quan tâm đến nhu cầu của thị trường. Sản phẩm của họ có thể rất tốt, nhưng không giải quyết được nhu cầu thực tế nên phá sản là tất yếu.

Với những cá nhân chỉ quan tâm đến “các khoảng trống cơ hội” và bỏ ngỏ “khoảng trống năng lực”, tôi liên tưởng đến những con người luôn có mặt trong các cuộc vui, chạy lăng xăng để tìm kiếm các mối quan hệ và kết giao với càng nhiều người thành đạt càng tốt. Điều này không phải là xấu, nhưng nếu nội tại của họ không có giá trị thì những người thành đạt xung quanh dù có quý mến sự nhiệt tình của họ đến mấy, cũng không thể cất nhắc, trọng dụng được.

Giải pháp ở đây là song hành bồi đắp cả hai khoảng trống. Cách tốt nhất đề bồi đắp chính là tự học. Không ai hiểu rõ bản thân bạn hơn chính bạn, nên bạn sẽ biết được cần tự học gì để giải quyết các nhiệm vụ cuộc đời của riêng mình.

Học, tự học và “tôi tự học”

Nếu từng đọc cuốn sách “Tôi tự học” của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần, bạn sẽ thấy đây là công trình phù hợp với những cá nhân cần mẫn, nghiêm túc, có tinh thần cầu học, thích hàm dưỡng sự uyên thâm theo triết lý Á Đông.

Đọc cuốn sách này giống với chúng ta kính cẩn lắng nghe một “sư phụ” trao truyền kinh nghiệm. Vậy nên để thấy được giá trị của cuốn sách này (cũng như cuốn “Óc sáng suốt”, “Thuật tư tưởng”) tôi nghĩ bạn đọc nên là người có bản lĩnh vững vàng, đã dành thời gian nghiền ngẫm về sự học thì mới đủ để thâu nạp thông điệp tác giả muốn truyền tải.

Với cuốn “Tự học để thành công” của tác giả Nguyễn Hiến Lê, bạn đọc sẽ tiếp cận nhưng kinh nghiệm tự học bổ ích, được hệ thống ngắn gọn, mạch lạc. Cá nhân tôi cảm thấy ấn tượng với trích dẫn của Carlyle trong phần lời tựa của cuốn sách: “Mỗi người phải là một vị giáo sư cho chính mình”. Cuốn sách đã chia sẻ kinh nghiệm tự học của tác giả theo đúng tinh thần ấy. Tuy nhiên, do bối cảnh ra đời của sách tương đối xưa (1954) nên cũng chưa thể kịp thời cập nhất hết những phương pháp đương đại trong hoạt động tự học.

Nhưng với “Tự học: Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời”, bạn đọc trẻ tuổi sẽ có cảm giác gần gũi hơn và được trao quyền nhiều hơn. Sự tự do và tinh thần khai phóng trong tự học cũng được thể hiện rõ nét ở điểm việc cuốn sách sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, hình minh họa sinh động, kết hợp các tài liệu tham khảo, minh chứng từ các nhà tâm lý học, giáo dục học (như Jean Piaget, Howard Gardner, Tony Wagner, Barbara Oakley, Fukuzawa Yukichi, Dan Ariely v.v.).

Nếu mới bắt đầu tự học, dù ở độ tuổi nào, bạn cũng có thể lựa chọn cuốn sách này. Hành trình khám phá cuốn sách giống với trò chuyện cùng một người bạn- hơn là phải ngồi ngay ngắn trước một bậc thầy. Theo tôi nghĩ đây là điểm tiến bộ, kế thừa có bổ sung hoàn thiện khi chia sẻ về chủ đề “tự học” của sách.

Nếu quan tâm đến tự học, thì trên tủ sách của bạn không nên thiếu các cuốn: “Tôi tự học”, “Óc sáng suốt”, “Thuật tư tưởng”, “Tự học để thành công” và “Tự học: Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời”. Cựu học sâu sắc kết hợp với tân học cởi mở sẽ là hành trang quý giá của bạn trên con đường “Một đời học tập, một đời thành xuân”.

Trước khi gấp lại cuốn sách, tôi xin gửi đến bản đọc bản “Tuyên ngôn học tập” được trình bày ở phần đầu sách (trang 17):

Để có được một hành trình học tập suốt đời thực sự hiệu quả, tôi tin rằng mình nên:

Hình thành thói quen thay vì kiếm tìm thành tích.

Tìm tòi và hành động thay vì đón nhận thông tin một chiều.

Cải tiến liên tục thay vì tuân thủ các kế hoạch cố định.

Chia sẻ và lắng nghe thay vì luôn đóng khung bản thân.

Tôi nghĩ rằng tự học cần có điểm bắt đầu nhưng không nên có điểm kết thúc, giống như khi bạn gấp cuốn sách này lại, thì hãy tiếp tục mở ra những cuốn sách khác, đi đến cuối chặng đường này thì hãy tiến tới những chặng đường khác, để hoàn thiện bản thân và làm phong phú đời sống. Khoái lạc đời người không giới hạn ở những nhu cầu của thể xác, mà còn có thể thăng hoa trong niềm vui tự học. ./.

 * Lắng nghe bài tóm lược trên Spiderum Books

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *