[Review Sách] “IKIGAI – Bí Mật Sống Hạnh Phúc Và Trường Thọ Của Người Nhật”: Ngắm Hoa Rơi, Đợi Hoa Nở
Bí mật là điều chưa được biết đến hoặc không được nhận ra. Mỗi bí mật của tạo hóa đều có giá trị rất lớn trong việc thay đổi chất lượng cuộc sống của con người. Cuốn sách IKIGAI- Bí Mật Sống Hạnh Phúc Và Trường Thọ Của Người Nhật của tác giả Ken Mogi (Vũ Thị Nhân Hậu dịch) sẽ hé lộ một trong số những bí mật như vậy để giúp bạn đọc tìm ra con đường trường thọ và hạnh phúc của riêng mình.
“Ikigai”
Ikigai là một từ trong tiếng Nhật mô tả niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống. Xét về mặt từ nguyên, từ này gồm hai phần “iki” (sống) và “gai” (lý do). Trong ngôn ngữ Nhật, Ikigai được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau và có thể áp dụng cho những việc nhỏ nhặt hàng ngày cũng như những mục tiêu và thành tựu to tát
Khi viết về niềm vui và ý nghĩa cuộc sống, người viết không nên mang tâm trạng u uất, chán chường. Cũng như người đọc, không nên mang sự xét đoán hay hoài nghi. Cuộc sống rộng lớn và kì diệu đến mức không tư tưởng nào đủ để diễn tả mọi khía cạnh luôn trong trạng thái vận hành và biến đổi của nó. Bàn về niềm vui và ý nghĩa cuộc sống, ta nên cảm nhận nó thay vì phân tích nó. Giống như khi ăn lẩu bò, ta không cần nêu lên sự khác biệt giữa thịt bò, nấm, nước dùng hay công thức chế tạo ra các loại xoong chảo để nấu nướng thì mới thấy ngon miệng hơn. Cũng không ai sau khi nghe phân tích thành phần hóa học của rượu thì mới bắt đầu thấy say khi vẫn đang túy lúy.
Niềm vui và ý nghĩa cuộc sống đơn giản là những ví dụ thiếu thuyết phục với người này song lại là lý tưởng sống thiêng liêng với người kia. Là sự khờ dại thiếu toan tính với người thực dụng nhưng lại là cảm hứng để làm mọi việc theo sở thích với người lãng mạn. Nếu bạn đang mong muốn bắt đầu chuyến phiêu lưu không điểm đến, muốn tìm lại cảm giác hăng hái nhiệt thành tuổi trẻ hoặc chỉ đơn giản là muốn cuộc sống thú vị hơn hay đang tìm nguồn an ủi để can đảm bước tiếp con đường mình đã chọn thì cuốn sách và bài review này là dành cho bạn.
Bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt
Đây là trụ cột đầu tiên của Ikigai: Bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt. Tại sao lại mơ làm to, làm lớn khi bạn chưa sẵn sàng và chưa thực sự hiểu ý nghĩa điều mà bạn đang mơ? Càng cố hướng đến những thứ ngoài tầm với, bạn sẽ càng nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi. Sự vươn lên trong cuộc sống không khiến bạn mệt mỏi, thủ phạm thực sự chính là khao khát vươn lên một cách nhanh chóng.
Đa phần chúng ta đều từ chối bắt đầu làm tốt từ những thứ nhỏ nhặt trước tiên. Hình ảnh những con người thành đạt, sống xa hoa và được nể trọng thường dễ thu hút sự chú ý hơn quá trình làm việc gian khổ cùng vô vàn cay đắng họ đã trải qua. Khi thấy một bức hình ai đó đang cười trong một không gian tràn ngập hàng hiệu, điều đó không có nghĩa họ đã đạt được thành công ấy chỉ trong một ngày. Đó là kết quả của nhiều lần thất bại để đổi lấy một lần thành công. Thông điệp cụ thể là hãy vui vẻ làm tốt những việc nhỏ trước.
Nếu bạn làm tốt được những việc nhỏ thì bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn cũng như có uy tín hơn trong mắt người khác. Ngược lại, không phải cứ bằng cách cố làm những việc lớn để chứng tỏ bản thân thì bạn mới là người có ích và được yêu quý.
Chủ nhà hàng Sukiyabashi Jiro là Jiro Ono danh tiếng, đầu bếp 3 sao Michelin còn sống cao tuổi nhất thế giới. Ono từng ước mình có thể chết trong khi đang làm sushi. Rõ ràng là việc đó mang lại cho ông cảm thức sâu sắc về ikigai, dẫu rằng việc ấy cần đến rất nhiều bước nhỏ vốn đơn điệu và tốn thời gian. Chẳng hạn, để làm được món bạch tuộc mềm và ngon, Ono cần phải “mát – xa” loài động vật thân mềm này trong khoảng một giờ đồng hồ
Ý nghĩa thực sự thường không phải lúc nào cũng đồng nhất với hình thức to lớn. Cũng bởi vậy nên nó thường bị bỏ lỡ. Hãy chuyên tâm làm từ việc nhỏ trước thay vì nghĩ đến thứ mình nhận được quá nhiều. Vì dù thành công hay không, sự gắng sức, tận tụy đem đến trạng thái thư giãn ở ngay bên trong nội tâm mỗi con người, dù bất kể kết quả họ nhận được là gì.
Giải phóng cái tôi cá nhân
Cái tôi cá nhân là vực thẳm ngăn cách chúng ta bước đến hạnh phúc thực sự. Nếu so sánh theo cách hình tượng, cái tôi cá nhân giống với kẻ lừa đảo lọc lõi. Chúng dụ dỗ, thuyết phục chúng ta đem đến thứ chúng muốn rồi sau đó cao chạy xa bay khiến cho chúng ta đau khổ. Cái tôi cá nhân liên tục hối thúc mang đến nhiều thứ hơn nữa cho chúng, chúng không bao giờ thỏa mãn cho đến khi khuất phục con người hoàn toàn. Cái tôi cá nhân rất ghét những thứ có ý nghĩa thật sự, bởi ý nghĩa thực sự sẽ tước đi lợi lộc và trục xuất chúng vĩnh viễn khỏi tâm trí của con người.
Đơn giản như việc hướng đến bề nổi quá nhiều trong cuộc sống khiến cho tâm trí lúc nào cũng bề bộn và chật chội. Với trạng thái tinh thần như vậy, chúng ta khó có thể tiến đến trạng thái tập trung sâu.
Theo như mô tả của nhà tâm lý học người Mỹ gốc Hungary, Mihaly Csikszentmihalyi, “tập trung sâu” là một trạng thái trong đó người ta đắm chìm vào một hoạt động đến mức chẳng màng đến chuyện gì khác. Khi ở trong trạng thái tập trung sâu, bạn không làm việc vì tiền. Hay ít nhất, đó không phải là ưu tiên hàng đầu của bạn. Bạn làm việc bởi vì công việc mang lại cho bạn hạnh phúc.
Loại bỏ cái tôi cá nhân đồng nghĩa với việc bạn có thể yên tâm để làm những việc mình thực sự cho là quan trọng thay vì chiều theo ý kiến của số đông để nhận được những lời khen hay sự tán thưởng (thứ “cái tôi” cá nhân luôn khao khát)
Sự hài hòa và tính bền vững
Nền tảng của bền vững có liên hệ rất lớn đến sự ổn định. Để có được sự ổn định thì cách giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống cũng như những khía cách khác nhau trong tâm hồn của chúng ta cần có sự hài hòa. Sự hài hòa không mang tính chất trật tự, hài hòa chỉ xuất hiện khi có tính linh hoạt kèm theo.
Câu chuyện của Hayao Miyazaki và xưởng phim Ghibli trong sách là cách diễn đạt thú vị nhất cho trụ cột tiếp theo của Ikigai. Nếu bạn đọc nào đã từng xem những tựa phim như Vùng đất linh hồn, Mộ đom đóm, Hàng xóm của tôi là Totoro, Lâu đài của pháp sư Howl v.v… có thể nhận thấy nét rất riêng trong các phim hoạt hình đặc trưng Ghibli. Dù là phim hoạt hình, nhưng hầu hết chúng dành cho mọi lứa tuổi cũng như khiến cho khán giả ở mọi lứa tuổi phải đồng tình với quan điểm này. Mỗi bộ phim là sự kết hợp hoàn hảo giữa nội dung, hình ảnh, âm thanh cũng như phần mở đầu và kết thúc, hiện thực và ước mơ.
Sự hài hòa đó khiến các tác phẩm phim của Ghibli được đánh giá cao, mặt khác không ai có thể phủ nhận công sức của Hayao Miyazaki. Đó là thành quả giữa tài năng (tính hài hòa) và sự nỗ lực (tính bền vững). Sự tận tâm đến mức trên cả sự cầu toàn là nét tính cách kì khôi song cũng đáng ngưỡng mộ của người Nhật. Họ coi sự hoàn thiện là cây cầu nối đến sự hài hòa để tạo nên tính bền vững.
Niềm vui từ những điều nhỏ bé
Trụ cột thứ tư của Ikigai chính là tận hưởng niềm vui từ những điều nhỏ bé. Đó là làm những công việc thường ngày, nhận những món quà nho nhỏ hay ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống khi rời khỏi nơi làm việc. Những điều nhỏ bé luôn hiện diện hàng ngày, hàng giờ bên ta song hiếm khi ta cảm nhận được niềm vui từ chúng, bởi suy nghĩ đang bận rộn giống như một viên cai ngục khó tính lúc nào cũng muốn ta nhìn mọi thứ qua song sắt, qua giới hạn.
Hãy thử quan sát trẻ em. Mọi thời khắc trong cuộc sống của các em đều là niềm vui. Bất kể dù đi ăn cơm hàng, ăn cơm nhà, ngồi trong lớp học, đọc sách ở thư viện, ngoài công viên hay tình cờ thấy một con côn trùng bé xíu là lạ, các em đều có thể cảm thấy vui. Thế gian vốn dĩ không có thứ gì gắn nhãn là “có chứa niềm vui”, niềm vui là cách con người cảm nhận. Và trẻ em có thể tìm thấy niềm vui ở mọi nơi và mọi lúc cũng bởi các em còn khao khát tìm hiểu và yêu thích mọi thứ. Khi vui chúng ta có thể cười nhiều hơn. Tiếng cười có lợi ích ra sao với sức khỏe hẳn bạn đọc cũng đã rõ.
Ngược lại nếu những điều nhỏ bé không khiến cho bạn vui, thì bạn đang rơi vào tình trạng không hài lòng với thực tại. Dù cho bạn có gắng sức có để có được thứ mà bạn hình dung là đến lúc sở hữu nó thì mình mới vui vẻ thì điều đó cũng không hoàn toàn chắc chắn. Nhu cầu của chúng ta là vô hạn còn vạn vật thì luôn biến đổi. Được sống, hít thở và cảm nhận sở thích của mình ngay lúc này đây mới đúng là niềm vui mà chúng ta không nên bỏ lỡ.
Trong chuỗi phim hài kịch nổi tiếng của Anh, Father Ted (tạm dịch là: Cha Ted), mỗi nhân vật chính đều có lý do sống riêng, ngoài việc hoàn thành tốt công việc của mình. Bộ phim khắc họa cuộc sống của ba linh mục Công giáo và quản gia của họ, những người cùng sống trong một căn nhà trong giáo khu trên hòn đảo hư cấu Carrgy. Cha Ted Crilly rất thích kiếm tiền, được xã hội biết đến và quan tâm đến bình đẳng giới. Cha Dougal McGuire nhìn chung thì dễ tính, còn cha Jack Hackett chỉ khoái “uống”. Bà Doyle rất thích pha trà đến mức còn sẵn sàng ở lại cả đêm trong phòng khách, chỉ để phòng khi có người muốn uống một tách trà ngon vào lúc nửa đêm
Mỗi người đều có thể tìm ra Ikigai của mình từ những sở thích rất riêng. Khi sở thích cá nhân không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh thì dù kì quặc đến mấy cũng vẫn có thể mang đến niềm vui cho tất cả.
Sống trọn khoảnh khắc hiện tại
Vào lúc bạn ý thức được rằng mình đang đọc đến đoạn này và có những cảm nhận riêng về bài viết, cũng tức là bạn đang trải nghiệm trụ cột cuối cùng của Ikigai: Sống trọn khoảnh khắc hiện tại. Điều này nghe có vẻ gần gũi với tôn giáo song thật ra nó không có gì xa lạ với đời thực.
Nếu khoảnh khắc hiện tại của bạn bị lấp đầy bởi quá khứ hoặc tương lai, bạn rất khó để hình dung hiện tại là thứ như thế nào. Hiện tại là thứ duy nhất đang có trong tay bạn và việc tập trung vào nó sẽ khiến cho bạn được sống thật hơn. Sống trường thọ cũng chính là ở cách tư duy, không bởi tuổi tác biểu thị bằng con số mà bởi những khoảnh khắc hiện hữu trong đời.
Trong lịch sử – văn hóa Nhật Bản, triết lý sống dường như được sinh ra khi thưởng thức khung cảnh mùa hoa Anh Đào nở rộ. Anh Đào nở theo chùm và buông vào trong gió không cưỡng cầu, không thúc bách. Các chiến binh Samurai cũng theo bóng hoa ấy mà sẵn sàng vào sinh ra tử để được giống như cánh hoa rời cành khi đã làm tròn sứ mệnh. Tuy nhiên để hiểu thấu đáo được điều này vẫn còn nhiều cách khác mà không cần nhất thiết phải bắt chước vào sinh ra tử theo các chiến binh Samurai. Chỉ cần bạn chấp nhận chính bản thân mình.
Chấp nhận bản thân để thấy yêu chính mình và những gì mình đang có hơn, không dằn vặt đau khổ về quá khứ, không mang thêm gánh nặng cho tương lai. Ngẫm lại, bạn sẽ thấy sống không mục đích khác với sống không có lý tưởng. Cho nên sau cùng, dù có đạt được mục đích trong đời hay không, chỉ cần bạn vững tin và hiểu được lý do mình tồn tại thì bạn sẽ hạnh phúc. Hạnh phúc vĩnh hằng trong cuộc đời ngắn ngủi cũng đã xứng đáng được coi là trường thọ rồi đấy.
Ikigai
Bỏ đi dấu ngoặc kép, tôi dùng lại đề mục này, vì tôi tin Ikigai không nên bị ràng buộc bởi thứ gì cả.
Hãy thử tìm xem ý nghĩa của mình trong cuộc sống là gì, đừng ngần ngại bắt đầu từ niềm vui nho nhỏ, sở thích cá nhân, ước mơ ngày bé hay năng khiếu đã bị lãng quên lâu ngày. Bạn sẽ tìm thấy gì đó khiến cuộc sống tươi đẹp hơn.
Khi viết bài review này tôi thấy khá hứng thú bởi nó truyền tải thông điệp có nhiều nét tương đồng với liệu pháp ý nghĩa trong cuốn sách kinh điển Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl. Điều này cho thấy, dù sống ở đâu hay thời đại nào thì con người cũng luôn tiềm ẩn khao khát tìm ra ý nghĩa cuộc sống- yếu tố thăng bằng giữa trí tuệ và cảm xúc.
Đọc IKIGAI- Bí Mật Sống Hạnh Phúc Và Trường Thọ Của Người Nhật chúng ta sẽ có cảm giác được sống lại niềm hân hoan trọn vẹn như thuở được tặng cuốn truyện tranh Đô – rê – mon để rồi đọc ngấu nghiến và cười thả cửa khi bảo bối thần kì của chú mèo máy thường bị nhầm là chồn xanh, đem ra kết hợp với sự hậu đậu của Nôbita, thói khoe khoang của Xêkô, tính nóng nảy của Chaien, ý thức chăm chỉ của Xuka, lòng ham học của Đêkhi. Nên giữ lại chút trẻ thơ trong mình để luôn khao khát tìm hiểu và yêu thương cuộc sống, bạn nhé.
Review chi tiết bởi Nguyễn Phú Hoàng Nam