[Review Sách] Thế giới như tôi thấy
Khép lại cuốn sách, điều tôi ấn tượng nhất là suy nghĩ đúng đắn về giáo dục và tấm lòng yêu chuộng hòa bình của Albert Einstein. Đây cũng là cuốn sách tôi lựa chọn để đọc đầu tiên trong năm 2022.
Cuốn sách “Thế giới như tôi thấy” có bốn phần:
Phần I: Thế giới như tôi thấy
Phần II: Chính trị và Chủ nghĩa Hòa Bình
Phần III: Trong cuộc đấu tranh chống Chủ nghĩa Quốc Xã
Phần IV: Các vấn đề Do Thái
Tôi dành nhiều thời gian đọc phần I của sách, bởi tác giả đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về thế giới một cách thật tinh tế nhưng hài hước, ngắn gọn, dễ hiểu. Cá nhân tôi không hợp với những tư tưởng dài dòng, khô khan. Tôi thích một nhà khoa học, một chính trị gia, một doanh nhân, một nhà giáo dục không quên bản thân là con người hơn.
“Giá trị đích thực của một con người
Giá trị đích thực của một con người trước hết được xác định bởi: anh ta đã đạt đến chỗ giải phóng khỏi cái Tôi đến mức độ nào và theo nghĩa gì.”
Dù khám phá của ông trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý cũng rất đáng ngưỡng mộ, tôi chọn tiếp cận Albert Einstein theo cách hiểu ông là một nhà tư tưởng và một nhà giáo dục.
“Giáo dục tư duy độc lập
Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu được những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng.”
Tôi thấy giáo dục ngày nay đang làm rất nhiều, nhưng dường như cái rất nhiều đó là sự phô diễn về số lượng và phương pháp, triết lý hơn là thực sự tập trung vào con người cũng như điều mà con người cần trong đời thực. Một thiên tài luôn có tầm nhìn xa mà vẫn thực tế, trong khi đó, những con người bình thường như chúng ta, lại thường nhìn gần với sự chủ quan, ảo tưởng đáng ngạc nhiên.
Qua trích đoạn trên, tôi nghĩ Einstein muốn gửi đến chúng ta thông điệp là sinh ra làm người thì hãy gắng sức học để sống một cuộc đời đáng sống. Một con người sống theo bản năng thì động cơ thôi thúc họ hành động sẽ là dục vọng. Do đó, dù đạt được điều bản thân muốn, hay đứng ở vị trí cao hơn người khác, phong thái của họ vẫn chưa thể gột sạch sự thô thiển, trần trụi ấy.
Ngược lại, trên con đường học tập vì sự phát triển nhân cách (chẳng thể và cũng không nên nghĩ đến việc hoàn thiện nhân cách, bởi đó là một ảo tưởng khác- thứ hoàn thiện là thứ cứng nhắc, mà cứng nhắc thì không có sức sống), con người cần tập trung vào điều họ thực sự là, thay vì điều họ muốn sở hữu hoặc đang sở hữu.
Một con chó có thể được thưởng khúc xương khi nó nghe lời chủ hoặc biết làm trò. Nhưng đó tuyệt nhiên không nên là cách sống mà một con người đúng nghĩa lựa chọn. Họ cần có ước mơ, sự đồng cảm, sáng suốt và vươn tới tính thiện.
Thông qua những dòng chia sẻ của nhà bác học Einstein, tôi nhận thấy trí tuệ lớn thường đi kèm với tâm hồn cao thượng. Ông đã sống và cống hiến hết mình cho những điều bản thân ông tin tưởng. Dù có liên quan đến việc chế tạo bom nguyên tử và đời sống hôn nhân chưa mấy trọn vẹn, cuộc đời của ông đã truyền cảm hứng cho những thế hệ tiếp theo.
“Thế giới như tôi thấy” là tổng hợp thế giới quan và nhân sinh quan của Albert Einstein. Tôi nghĩ dù là nhà bác học hay một con người bình thường thì đều có quyền được hiện hữu trong đời sống này và trao đi giá trị- nếu người đó thực sự muốn.