Review Sách,  Sách Văn học

[Review Sách] Những Giấc Mơ Của Einstein

Đây là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Alan Lightman. Cuốn sách kể về những giấc mơ của Einstein khi suy ngẫm về bản chất của thời gian. Nhưng lời kể lại không phải của Einstein và nội dung những giấc mơ ấy cũng thuộc về tác giả của cuốn sách. Do đó, đây là một cuốn tiểu thuyết. Chấp nhận hay không thì hoàn toàn tùy thuộc vào niềm tin của bạn đọc. Cũng giống như bởi niềm tin, khoa học và tâm linh trở nên thống nhất hoặc đối lập nhau. Nhưng trước khi các danh từ đó xuất hiện, thì cuộc sống này không có gì là đối lập mà luôn thống nhất.

Bằng hiểu biết hữu hạn, con người cố gắng đóng khung cái vô hạn để ra sức lý giải điều không thể lý giải, liên tục khẳng định và bác bỏ không biết mệt mỏi mọi thứ diễn ra xung quanh nhưng lại thường bỏ sót bản thân.

Nếu bạn là người hứng thú tìm hiểu về thời gian, thì tập sách mỏng này thực sự là một đại tiệc. Bởi chúng ta sẽ được trải qua vô số những kịch bản khác nhau của thời gian trong một không gian tự do: những giấc mơ. Trước khi đọc “Những giấc mơ của Einstein”, tôi từng đọc cuốn tiểu thuyết “Momo” (tác giả Michael Ende). “Momo” giúp tôi được quan sát dòng chảy vô hình của thời gian còn “Những giấc mơ của Einstein” giúp tôi thấy được hướng đi khác nhau và cả các mạch ngầm của dòng chảy ấy, đôi lúc còn là may mắn đắm mình trong đó. Đặc biệt là ở phần “15 tháng Năm 1905”, khi giả định thời gian không tồn tại mà thế giới chỉ tập trung các hình ảnh. Hình ảnh lướt qua rất nhanh, từ những sinh hoạt đời thường cho đến các khoảnh khắc trọng đại. Hình như khi không có thời gian, người ta dễ dàng nhận biết về thời gian hơn.

Ở những giấc mơ khác, thời gian được biến hóa tài tình thông qua trí tưởng tượng của tác giả. Lúc thì thời gian chạy ngược, lúc thì thời gian có kết thúc, lúc thì thời gian không bị giới hạn và lúc thì thời gian tự động đưa mọi thứ về trật tự. Cách phản ứng của con người trong từng tình huống cũng rất khác nhau. Khi thời gian chạy xuôi và ngược, con người ta học cách chấp nhận. Khi thời gian có kết thúc, mọi người biết trước ngày tận thế của toàn nhân loại thì nỗi sợ hãi, sự nỗ lực vươn lên và sự phân biệt đẳng cấp, địa vị xã hội hoàn toàn biến mất. Khi thời gian là vô tận, con người sống quanh quẩn, buồn chán để rồi tự tạo ra cái kết cho mình. Còn khi thời gian tuyệt đối chính xác, người ta tìm cách để thoát khỏi sự chính xác ấy. Như vậy con người có thể sống mà không biết đến thời gian nhưng cũng có thể sống khi biết đến thời gian. Con người cần thời gian trong vai trò một phụ tá nhắc nhở, nhưng cũng không cần thời gian để dạy cho họ cách tận hưởng cuộc sống. Con người cần thời gian để chữa lành, nhưng cũng dành thời gian để đi tìm những tổn thương mới.

Một lần nữa, dòng thời gian lại đi theo những hướng khác nhau để tạo ra những con người của hiện tại và những con người của tương lai. Người của hiện tại thì tin tưởng vào “ngay lúc này”, còn người của tương lai thì tin tưởng vào “mai này”.

“Mỗi thời gian đều có thật, nhưng những chân lý lại chẳng giống nhau”

(trang 30, “Những giấc mơ của Einstein”)

“Dòng sông” ấy (liên tưởng tôi mượn từ cuốn “Siddhartha” của Hermann Hesse) sẽ mang lại cùng thứ mà nó đã mang đi. Ở đây là những vòng lặp thời gian, những sự kiện diễn ra đều đặn, mang màu sắc đơn điệu cho đến khi con người ta quen với sự đơn điệu ấy rồi đưa nó vào tâm khảm thành một nét tính cách. Với một số người, thời gian mãi mãi không trôi đi. Họ chọn ở lại với quá khứ: hoặc là trong ánh sáng huy hoàng hoặc là đêm dài tăm tối. Nhưng vì thời gian không trôi đi nên niềm vui và nỗi buồn cứ thể tự nhân lên nhiều lần cho đến khi nó trở thành vô nghĩa. Đoạn này thì tôi lại nhớ tới “Trăm năm cô đơn”. Dường như mọi miền đất viễn tưởng, xa cách thực tại cuối cùng đều chạm đích nơi con số 0 mà hiện nguyên hình thành con rắn Ouroboros tự nuốt lấy chính chiếc đuôi của mình để sinh tồn, nhưng cũng để suy tàn.

“Ai mắc kẹt trong dòng chảy thời gian thì sẽ mắc kẹt trong cô đơn”

(trang 63, “Những giấc mơ của Einstein”)

Đôi lúc để né tránh đau khổ và cô đơn, người ta sẽ chọn sống trong một thế giới không có ký ức. Một con người không có ký ức là một con người thường vui vẻ nhưng lại dễ lo lắng khi ai đó nhắc cho họ nhớ rằng trên đời còn có cái sắp tới, cái sẽ tới, tên “tương lai”.

“Nếu một người trong thế giới này không có hoài bão thì y sẽ đau khổ mà không biết, còn nếu có hoài bão thì y biết rằng mình đau khổ, song rất từ từ”

(trang 46, “Những giấc mơ của Einstein”)

Quá khứ, hiện tại, tương lai được gói ghém với nhau thật vừa vặn trong cái gọi là “thời gian”. Người ta sử dụng nó hằng ngày hoặc nghiên cứu về nó suốt đời, trân trọng nó hoặc xem thường nó, chờ đợi nó hoặc trốn tránh khỏi nó. Nhưng dù thế nào, thời gian cũng vẫn tồn tại.

Thời gian là gì?

“Nếu không có ai đó hỏi tôi thì tôi biết, nhưng nếu ai đó yêu cầu tôi phải giải thích thì tôi lại không thể”

(Saint Augustine, trang 7, “Những giấc mơ của Einstein”)

Thay cho lời kết

Cách tôi đọc cuốn sách này có hơi khác so với các cuốn sách trước. Đó là sau khi đọc hết lần thứ nhất, ngay lập tức tôi quay lại từ đầu để đọc lần thứ hai. Tôi cũng không biết mình làm vậy vì sách hấp dẫn hay vì bản thân cảm thấy muốn được gần gũi hơn với thời gian. Tôi dành ra khoảng hơn một giờ để đọc cuốn sách lần thứ nhất, khoảng một giờ để đọc lần thứ hai. Nhưng có lẽ sẽ dành cả phần đời còn lại để đôi lúc nhớ về những gì mình đã đọc được trong “Những giấc mơ của Einstein”.

Ngẫm lại những điều đã đọc, tôi nhớ đến huyền thoại về ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo: Brahma – Vishnu – Shiva (Tạo hóa – Bảo hộ – Hủy diệt). Liệu gương mặt thực sự, duy nhất chỉ có một, của các vị thần này, có phải là thời gian?

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *