Review Sách,  Sách Tâm lý - Giáo dục,  Sách Triết học - Tâm linh

[Review Sách] Liệu pháp tâm hồn – Chữa lành bằng trị liệu biểu tượng nâng cao

Nếu bạn đang băn khoăn về những giấc mơ, những cảm xúc khó bộc bạch hay một bóng hình bí ẩn nào đó liên tục can thiệp vào khao khát được sống an bình, thì cuốn sách “Liệu pháp tâm hồn – Chữa lành bằng trị liệu biểu tượng nâng cao” của tác giả Patricia d’Angeli có thể sẽ mang đến lời giải đáp.

 

Vô thức và Nguyên mẫu

Để hiểu nguyên lý của Chữa Lành Bằng Trị Liệu Biểu Tượng Nâng Cao, chúng ta sẽ không thể bỏ qua khái niệm “Vô thức” và “Nguyên mẫu”:

Vô thức là một phần của chúng ta. Đó là chúng ta, ở thể ẩn. Do đó, nó rất gần gũi và đồng thời lại xa vời khả năng thông hiểu trực tiếp của chúng ta.

Nguyên mẫu là một từ định nghĩa về một cái gì đó hiện diện trên toàn hành tinh. Ví dụ, khái niệm về tính nam tồn tại trên toàn thế giới, bất kể văn hóa, tôn giáo hay ngôn ngữ của mọi người. Điều đó cũng tương tự đối với tính nữ, trẻ em, tên chỉ trích hoặc nhà thông thái.

Là một phần của thế giới song cũng vẫn là chính mình, con người chịu ảnh hưởng đồng thời của cả Vô thức lẫn Nguyên mẫu (hai yếu tố này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau trong thế giới nội tâm). Nên thông qua Nguyên mẫu, chúng ta có thể “lắng nghe” Vô thức. Ngược lại, dựa vào Vô thức chúng ta có thể “tìm thấy” các Nguyên mẫu.

Vô thức được lắng nghe sẽ dần dần tiến tới vùng Ý thức. Nguyên mẫu được tìm thấy sẽ cung cấp thêm hiểu biết cho Nhà trị liệu về quá khứ và đời sống hiện tại của Thân chủ, để dựa vào đó điều chỉnh (bao gồm cả loại bỏ và bổ sung) các Nguyên mẫu. Sự chữa lành trong tâm trí cũng theo đó được kích hoạt từng bước. Tôi thấy Chữa Lành Bằng Trị Liệu Biểu Tượng Nâng Cao mang đến cho thân chủ tính chủ động, sự tỉnh táo về mặt Ý thức để tháo gỡ tận gốc các tổn thương trong quá khứ.

Nếu được các Nhà trị liệu am hiểu lĩnh vực này giúp đỡ, bạn không cần quá lo lắng rằng các vấn đề sẽ quay trở lại. Bởi đơn giản là “mảnh đất”  (Vô thức) và các hạt giống (Nguyên mẫu cũ) đã được thay thế, thanh lọc và cải tạo theo hướng tích cực.

Giờ chúng ta sẽ cùng nhau điểm qua một vài nguyên mẫu phổ biến, có ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình trị liệu. Những nguyên mẫu này là nơi tạo ra vấn đề song đồng thời cũng mang đến giải pháp: Tính Nữ và Tính Nam, Đứa trẻ nội tâm, Tên chỉ trích, Nhà thông thái.

Tính Nữ và Tính Nam

Tính Nữ và Tính Nam còn được biết đến với tên gọi Nữ hồn và Nam hồn (anima & animus) do Nhà tâm lý học Carl Jung đặt ra. Các thành tố này sẽ được cắt nghĩa tương đối đầy đủ trong sách. Chúng ta sẽ nhận ra Tính Nữ và Tính Nam có ảnh hưởng lớn thế nào đến các quyết định trong đại như: lựa chọn nghề nghiệp, bạn đời và môi trường sinh sống.

Nên lưu ý là Tính Nữ và Tính Nam không nằm ở phạm vi giới tính, mà nằm ở thế giới nội tâm. Mỗi một cá nhân sinh ra thường là sự kết hợp của cả cha và mẹ, về mặt thể chất lẫn cảm xúc. Do đó, sinh mệnh mới này sẽ đồng thời có cả Tính Nữ và Tính Nam trong tâm hồn.

Ở trạng thái cân bằng, người đó hạnh phúc và có các lựa chọn hài hòa. Nhưng ở tình trạng phát triển thiên lệch thì họ sẽ vô thức tự gây ra đau khổ cho bản thân và những người bước vào cuộc sống của họ. Ví dụ, một người phụ nữ có Tính Nữ bị đè nén thường dễ cảm thấy bức bối trước những người phụ nữ được thoải mái trang điểm, làm đẹp, được yêu thương. Tương tự, một người đàn ông có Tính Nam bị áp bức thì dễ trở nên lệ thuộc, thiếu quyết đoán.

Trong phần “Quy trình điều trị” bạn đọc sẽ được tiếp cận với các phương pháp trị liệu để hoàn thiện, dung hợp Tính Nữ và Tính Nam. Tôi tin những kiến thức này sẽ rất có ích, đặc biệt là Chương 10: Trị liệu cặp đôi.

Đứa trẻ nội tâm, Tên chỉ trích, Nhà thông thái

Đứa trẻ nội tâm (đứa trẻ bên trong) là tập hợp những nhận thức trẻ thơ tồn tại trong Vô thức của chúng ta cho đến khi ta 7 – 8 tuổi.

Đây có thể là giai đoạn đẹp nhất song cũng có thể là giai đoạn ám ảnh nhất trong cuộc sống. Bởi không phải trẻ em nào sinh ra cũng có đầy đủ cha mẹ, có cha mẹ yêu thương chăm sóc và có môi trường lành mạnh để sinh trưởng. Tổn thương thời thơ ấu thường để lại di chứng và đôi khi chúng khó xử lý đến nỗi người ta bỏ mặc chúng hoặc chấp nhận đây là vết thương không bao giờ lành để tiếp tục sống và phóng chiếu chúng lên thế hệ sau. (bạn đọc có thể tìm hiểu kĩ hơn trong cuốn “Lấp đầy trống rỗng – Chữa lành tổn thương cảm xúc thời thơ ấu”, tác giả Jonice Webb).

Đứa trẻ nội tâm cần được chữa lành không những vì chính bạn, mà còn vì con cái của bạn sau này.

Tên chỉ trích được thể hiện bằng một giọng nói hoặc suy nghĩ trong chúng ta, mang tính phán xét, hạ thấp hoặc lên án chúng ta.

Nếu mới biết đến Tên chỉ trích, chúng ta sẽ cảm thấy nhân vật này thật thừa thãi, đáng ghét. Nhưng sự thực Tên chỉ trích vốn từng là nguyên mẫu Người bảo vệ đầy tận tâm, trung thành. Vì sao lại có sự biến đổi này? Đó là bởi những lời phê phán, nhận xét tiêu cực từ người khác (đặc biệt là cha mẹ, thầy cô, bạn bè) lặp đi lặp lại với tần suất dày đặc đã khiến chúng ta dần dần mất niềm tin vào phán đoán, năng lực của bản thân. Người bảo vệ vì thế trở nên kiệt sức và thoái hóa thành Tên chỉ trích: tạo ra nỗi lo sợ để chúng ta không làm gì, ngồi yên và thụ động. Hắn dùng suy nghĩ để biến chúng ta thành nô lệ.

Để chuyển hóa Tên chỉ trích trở lại với bản chất của Người bảo vệ, bạn cần sự trợ giúp của Nhà thông thái.

Vị này đại diện cho cho một phần của tâm trí có ý thức của chúng ta, phần không bị tổn thương, thuộc khía cạnh logic, hợp lý và lý tưởng của tâm trí.

Nhà thông thái sẽ tái lập trật tự, thương thuyết với Tên chỉ trích và hướng dẫn Đứa trẻ nội tâm. Để chúng ta không trở nên quá thụ động hay quá hiếu động, có quá nhiều dự định hoặc hoàn toàn không có dự định nào cả. Tôi nhận thấy nhà thông thái là nguyên mẫu rất mạnh mẽ mà mỗi cá nhân nên chú trọng bồi dưỡng và giữ kết nối thường xuyên.

Để tìm hiểu thêm về Nhà thông thái, các bạn có thể tìm đọc cuốn “Du hành vào cõi Toàn thức” của hai tác giả Olivier Lockert & Patricia d’Angeli. Trong tác phẩm này, bạn sẽ tiếp cận thêm một công cụ trị liệu, tích hợp Chữa Lành Bằng Trị Liệu Biểu Tượng Nâng Cao (và dĩ nhiên cần thêm nhiều thời gian nghiền ngẫm hơn) đó là Thôi Miên Nhân Văn.

Trở lại với cuốn Liệu pháp tâm hồn – Chữa lành bằng trị liệu biểu tượng nâng cao”, bạn đọc đừng bỏ sót Chương 11: Sử dụng giấc mơ- tôi tin đây là chương có nhiều thông tin thú vị góp phần chúng ta giải mã giấc mơ của bản thân.

“Người ta không trở nên tỉnh thức nhờ tưởng tượng ra những hình ảnh của ánh sáng, mà bằng cách làm cho bóng tối trở nên có ý thức.”

Carl Gustav Jung

Đây là phần kết luận của cuốn sách và tôi cho rằng cũng là nhận định cốt lõi nhất về quá trình chữa lành & trị liệu.

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *