[Review Sách] ”Hội Hè Lễ Tết Của Người Việt”: Chung, Riêng Và Bản Sắc
Nguyễn Văn Huyên là một nhà nghiên cứu mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với sự hình thành, phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Trong nhiều công trình ông để lại, người đọc có thể khám phá những giá trị truyền thống nằm trong tiến trình lịch sử của đất nước, con người Việt Nam mà cuốn Hội hè lễ tết của người Việt là minh chứng điển hình.
Về nhan đề cuốn sách
Cuốn sách là tập hợp những tiểu luận nghiên cứu và những bài viết được in trong 2 tập Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (hai tập: tập I năm 1995; tập II năm 1996, NXB khoa học xã hội). Trước khi đọc vào nội dung, nhan đề này khiến chúng ta cần phải suy nghĩ. Từ bao giờ hội hè lễ tết xuất hiện trong kho tàng văn hóa Việt Nam với tư cách là của người Việt? đó là một câu hỏi cần rất nhiều minh chứng có lý có tình bởi sự liền kề về mặt lãnh thổ và gẫn gũi về mặt lịch sử với nền văn hóa Trung Hoa cộng với sự khoan hòa cởi mở trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa mà những sinh hoạt trong đời sống của người Việt vẫn ít nhiều mang dấu vết của sự giao lưu này.
Tuy nhiên, tác giả đã không làm cho người đọc thất vọng. Bằng những nghiên cứu thực tế, tư duy khoa học và phương pháp tiếp cận chuẩn xác, Nguyễn Văn Huyên đã làm sáng tỏ được từng lớp trầm tích văn hóa trong các sự kiện để làm minh chứng thuyết phục cho những giá trị thuần Việt trong các sinh hoạt văn hóa ấy.
Tết Nguyên Đán của người Việt Nam
Tác giả có giải nghĩa Tết Nguyên Đán là những buổi rạng đông của sự khởi đầu, là lúc khởi đầu của năm, tháng và mùa, nó đứng đầu chuỗi nhịp điệu các thời kỳ. Vì thế, sáng hôm đó là buổi sáng linh thiêng nhất. Khi sử dụng tên gọi Tết Nguyên Đán là chúng ta đang sử dụng tên gọi đọc chệch đi của Tiết Nguyên Đán. Thời điểm đặc biệt này ra đời dựa theo lịch pháp của các cư dân nông nghiệp mà mặt trời và mặt trăng có vai trò quyết định chủ đạo.
Sự chuyển giao đặc biệt ấy gắn liền với một sự biến đổi đồng bộ và nhất trí cao trong xã hội với những lễ thức đặc biệt chỉ xuất hiện trong năm một lần điển hình như tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp, dựng cây Nêu, cúng Tất niên, đi lễ chùa, đón giao thừa, xem tuổi xông đất và lì xì cho các cụ già, em nhỏ. Tết của người Việt kéo con người ta ra khỏi những sinh hoạt cá nhân đời thường để cộng đồng cùng sống trong một tâm thế hân hoan và hướng đến năm mới ấm no, hạnh phúc.
Tiết Thanh Minh và sự giữ gìn mồ mả ở Việt Nam (ngày 3 tháng Ba âm lịch)
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Những câu thơ dập dìu về cảnh ngày xuân trong truyện Kiều có sức sống rất lớn giúp bạn đọc mường tượng ra quang cảnh của ngày đầu xuân trong trẻo, người người, nhà nhà thăm nom, sửa sang mộ phần. Đó là hoạt động quan trọng đầu năm bởi theo quan niệm dân gian thì mộ phần tổ tiên có ảnh hưởng đặc biệt đến sinh mệnh và sự thịnh vượng của con cháu, vậy nên con cháu cần bày tỏ tấm lòng của mình đối với những người đã khuất để mong cầu phù hộ, che chở. Cuộc thăm mộ ngày Thanh Minh là một trong những hành vi tôn kính thiêng liêng nhất mà người sống có thể bộc lộ với người chết mà ẩn chứa cả sự hiếu thảo, quan niệm về thế giới bên kia và niêm tin sâu sắc vào sự gắn kết giữa quá khứ với thực tại.
Tết Đoan Ngọ của Việt Nam (ngày 5 tháng Năm âm lịch) cùng những tục cúng lễ trừ tà ma mùa hè
Tết Đoan Ngọ- tiết Thiên Trung, thời điểm mặt trời lên điểm cao nhất của bầu trời vào giờ Ngọ, thường được biết đến với tên gọi ngày giết sâu bọ cùng thói quen ăn rượu nếp và các loại hoa quả là một điển hình khác trong kho tàng văn hóa dân gian của người Việt.
Dịp này gắn liền với sự khắc nghiệt của thiên nhiên trong những ngày hè nóng nực kéo theo các loại dịch bệnh mà con người mong muốn chống chọi bằng những thực hành tín ngưỡng có phần kì lạ như cúng Quan Ôn bằng hình nhân và vàng giấy để xin các ngài không gieo rắc dịch bệnh, phơi khô lá cỏ để thành thứ lá mồng năm chữa các bệnh do thời tiết, nhuộm móng chân móng tay bằng lá móng để xua đuổi tà ma, đeo vào cổ trẻ con những bùa tua, bùa túi bằng chỉ ngũ sắc v.v…những thực hành này, theo tác giả có ít nhiều liên quan đến quan niệm về sự trường thọ mà các đạo sĩ của Lão giáo truyền bá và rất bổ ích cho ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về các thực hành ma thuật ít nhiều bắt nguồn từ đạo Lão.
Tết Trung Thu (Rằm tháng Tám: ngày 24 tháng 9 năm 1942)
Ngày rằm tháng Tám là thời điểm thu phân, thời tiết mát mẻ và đặc biệt là trăng sẽ tròn nhất, sáng nhất trong năm. Đây là lúc ước vọng mưa thuận gió hòa được người nông dân gửi gắm trong hình tượng con rồng (truyền thuyết coi nó là sinh vật cai quản việc làm mưa) cũng dịp ấy người ta cùng chiêm ngưỡng mặt trăng để dự đoán về mùa màng, tương lai thông qua các điềm báo, ví dụ nếu trăng sáng vằng vặc thì sẽ có một mùa bội thu.
Ngoài rồng là con vật tưởng tượng thì những con vật có thật cũng được thêm vào dịp này như con cóc (vì có liên quan đến tiếng kêu gọi mưa của nó cũng nhìn thấy nó ở mặt trăng nên bản thân mặt trăng trong thơ được gọi là Thiềm Cung – cung con Cóc) hoặc như con thỏ, biểu tượng cho khả năng sinh sản. Thêm vào đó, vì mặt trăng tượng trưng cho âm tính cũng như khả năng sinh sản nên dân gian đã sáng tạo nên hình tượng của ông Nguyệt lão và bà Nguyệt- các vị thần quyết định hôn nhân của con người, se duyên bằng cách buộc sợi chỉ tơ hồng vào chân họ. Trung thu còn là dịp trẻ em được vui chơi và trông trăng phá cỗ và vì thế trẻ em cũng như người lớn đều có sự yêu thích đặc biệt với ngày này.
Sự đầu thai của các linh hồn và lễ Xá Tội Vong Nhân của Người Việt
Theo tín ngưỡng của người Việt Nam, thì con người có hai nhóm linh hồn: ba hồn và bảy phách hay vía, đàn bà thì có nhiều hơn đàn ông hai phách. Cái chết đến là do hồn phách bỏ đi và khi đó mặc dù sang thế giới khác, hồn cũng có nhu cầu như những người sống, tuy nhiên cũng có những vong hồn không nhận được sự chu cấp và lạc lõng bởi chính nghiệp báo nặng nề của mình mà vẫn loay hoặc không thể đầu thai.
Truyền thuyền nhà sư Mục Kiền Liên cứu mẹ có liên quan đến lễ Xá Tội Vong Nhân và theo truyền thuyết đó đã hình thành nên ngày lễ lớn của những người đã chết theo quan niệm Phật giáo. Việc rộng lượng cúng tế cho những vong hồn lang thang này giúp cho người sống nhìn nhận lại sự ngắn ngủi của cuộc đời, sự hiện hữu nhân quả, luân hồi để từ đó hướng thiện hơn.
Việc chôn người chết vào giờ xấu theo tín ngưỡng Việt Nam
Trước khi chết người ta cần bàn đến chuyện sống. Ngày sinh tháng đẻ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh con người và nếu trẻ em sinh ra chẳng may bị chết sớm thì người ta cho rằng đó là do sự ám hại của Quan sát (Ác thần) và các thần Kim Xà Thiết Tỏa (thần Rắn vàng xích sắt). Để tránh cho đứa trẻ những tai vạ thường cha mẹ cần mời thầy cúng về để lễ bái và chôn hình nhân thế mạng để thay thế.
Phần này của sách có nội dung bàn về tín ngưỡng dân gian liên quan đến việc bảo vệ trẻ em khỏi chết yểu vậy nên cá nhân người review có suy nghĩ đặt tên đề mục là Việc chôn người chết vào giờ xấu theo tín ngưỡng Việt Nam là chưa thực sự hợp lý nên không bàn luận chi tiết thêm.
Y phục của người Việt
Theo tác giả đánh giá thì: Người Việt kinh sợ một cách thánh thiện sự trần truồng và tình cảm e thẹn đó hẳn có một nguồn gốc tôn giáo. Cái ăn, cái mặc là một phần quan trọng để đưa giá những nhận định căn bản về văn hóa riêng của mỗi quốc gia, dân tộc (Ăn, mặc, ở). Cái mặc của người Việt được nhìn nhận từ sự úy kỵ việc để mình trần cả lúc sống cũng như khi chết (khi cha mất, Chử Đồng Tử đã dành chiếc khố độc nhất cho cha vì không nỡ để cha mình trần) vậy nên từ Bắc vào Nam, cả nam lẫn nữ trong mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau đều có những trang phục, phụ kiện mà điểm chung nổi bật nhất là sự tinh tế trong việc lựa chọn phối hợp các gam màu để tạo điểm nhấn theo ý muốn và ưa sự cầu kì một cách kín đáo.
Chống hạn trong tập quán Việt Nam
Là đất nước nông nghiệp, các nhà nông có sự đồng thuận và nhất trí cao trong kinh nghiệm nông nghiệp: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Vậy nên, những năm trái gió trở trời, thiếu mưa thiếu nước, cái hạn đến trước thì cái đói đến sau luôn làm dân cư e sợ. Để chống hạn hán và mất mùa xảy ra, bằng nhận thức chất phác của mình, người dân phải cậy nhờ các thế lực hùng mạnh trong tự nhiên làm mưa.
Sự nhờ cậy đó được thể hiện ở các nghi thức cúng tế mà điển hình là tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện- những nữ thần mây, mưa, sấm, chớp). Trong đó, truyền thuyết về nhà sư Khâu Đà La và nàng Man Nương góp phần lý giải đáng kể không chỉ câu chuyện cầu mưa chống hạn mà còn là câu chuyện về con đường dung hợp giữa Phật Giáo với những tín ngưỡng bản địa của Việt Nam.
Các bài cúng trong lễ tế Nam Giao
Đàn Nam Giao là tế đàn bậc Thiên Tử cần nhất thiết lui tới để bày tỏ lòng thành kính với trời đất và cầu cho nhân dân ấm no, thái bình thịnh trị. Theo thống lệ, cứ ba năm một lần, hoàng đế nước Việt Nam lại tiến hành lễ tế Nam Giao, trên gò đất nằm phía nam kinh thành Thăng Long xưa. Bằng việc tấu lên các bài tụng, bài văn cúng có lời lẽ thành kính, đẹp đẽ cùng với các lễ vật trong lúc dâng hương, hoàng đế đích thân cầu xin Trời và Đất- chúa tể của chúng sinh và các thần che chở ban phước cho triều đại và thần dân.
Hội Phù Đổng (Một trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam)
Lễ hội là thành tố văn hóa phi vật thể tiêu biểu nhất của làng xã cổ truyền, là thời điểm các sinh hoạt văn hóa đan xen lẫn nhau tạo nên diện mạo rõ rệt nhất của làng xã trước đây. Tác giả đưa ra đánh giá Hội Phù Đổng là một trong những hội kỳ thú nhất và cổ nhất và đã dẫn đầy đủ truyền thuyết thánh Gióng phá giặc Ân, sự kết chạ và liên kết giữa các làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên để tạo thành hội liên làng mà sự phân công thuộc về các Giáp.
Ai ơi mùng Chín tháng Tư
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời!
Sự cầu kì trong công tác chuẩn bị và những lễ thức cần phải có trong ngày tiến hành đánh trận giả tại hội Gióng hàm chứa cả một hệ thống biểu tượng và giá trị triết học về sự hòa hợp.
Hát và múa Ải Lao ở hội Phù Đổng (Bắc Ninh)
Trong ngày hội Gióng, có một phường hát múa gọi là phường hát múa Ải Lao đến tham dự. Suốt thời gian mở hội thì phường này biểu diễn những điệu hát và múa lễ thần. Theo truyền thuyết thì phường này có gốc ở Lào và trước đây Lào thường triều cống cho các vua Việt Nam. Sau đấy khi nước Lào không triều cống nữa, nhà vua giao cho làng Phù Đổng, nằm bên sông Đuống, thuộc phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh tổ chức một đội hát xướng để dâng thần điệu hát Ải Lao. Với ngôn ngữ cổ kính, bình dân các bài hát Ải Lao là một điểm nhấn rất riêng trong lễ hội.
Về một bản đồ phân bố các Thành Hoàng ở tỉnh Bắc Ninh (Bắc Kỳ)
Thành hoàng là tên gọi của vị thần bảo trợ cho các ngôi làng ở khu vực đồng bằng châu thổ Việt Nam. Ban đầu, tên gọi này có nguồn gốc từ vị thần bảo hộ các tòa thành của Trung Quốc song về đến Việt Nam được sử dụng đan xen với các tên gọi thần làng, thổ địa và sau đó trở nên đặc biệt phổ biến cùng với sự xuất hiện các ngôi đình.
Mỗi làng đều có vị thành hoàng của riêng mình, hoặc là nhân thân (anh hùng lịch sử, người có công, người chết vào giờ thiêng…) , hoặc là nhiên thần (các vị thần tự nhiên như đá, cây, nước, lửa… ) hoặc thiên thần (các vị thần được trời phái xuống và thường linh hiển). Mỗi vị đều có công đức và hành trạng riêng, được tồn tại vững chắc qua thời gian nhờ vào niềm tin của dân làng và những đạo sắc phong của triều đình phong kiến. Các vị thành hoàng là cốt truyện cho những lễ hội, vị nào có sự tích hay lạ thì lễ hội càng đặc sắc theo nguyên lý “có tích mới dịch nên trò”. Về sự hình thành bản đồ phân bố các Thành Hoàng ở tình Bắc Ninh, tác giả đã đưa ra những số liệu thống kê cụ thể về những nhóm thần hay được thờ phụng, sự thờ phụng thành hoàng có mối liên kết chặt chẽ với điều kiện tự nhiên (ví dụ ở khu vực sông Cầu và sông Đuống chảy qua, số lượng thủy thần chiếm đa số). Theo nhận đinh của tác giả, việc thờ cùng thành hoàng có một tầm ảnh hưởng quan trọng đối với sự ổn định của xã hội nông nghiệp trước đây vì ngoài cầu khấn cho mùa vụ ra, thờ cúng thành hoàng còn có chức năng gắn kết xã hội trong những làng xã cổ truyền mà tính cộng đồng và tính tự trị giữ vai trò chủ đạo.
Những phép lạ của các tiên nữ ở phía Nam thành cổ Thăng Long
Những tiên nữ và địa danh được nhắc đến ở tiểu luận này gồm có: Mối tình đẹp giữa nàng Giáng Kiều và chàng học trò Tú Uyên gắn với Bích Câu Đạo quán;
Cuộc gặp gỡ thoáng qua giữa Bồi Liễn tiên nương và vua Lê Thánh Tông gắn với Vọng Tiên quán;Sự xuất hiện bất ngờ của Thưởng Hội Song Tiên với vua Lê Hiển Tông gắn với Tích Tiên tự.
Sau bao thăng trầm, nếp nhà xưa vẫn còn nhưng khung cảnh xưa thì khó giữ.
Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam
Sự thờ cúng các vị thần tiên ở Việt Nam
Ước vọng bất tử của người Việt được thể hiện thông qua việc thờ cúng các vị thần tiên, đầu tiên đó là Bát tiên theo ảnh hưởng của Trung Quốc, Chử Đồng Tử- ông tổ của các thần tiên Việt Nam, bà chúa Liễu Hạnh – vị tiên nữ đầu tiên của các tiên nữ Việt Nam, tiên nữ Giáng Kiều, tiên nữ Bồi Liễn, Thưởng Hội Song Tiên, tiên nữ Giáng Hương, Ông già Na Sơn, Huyền Vân Chân Nhân, Thông Huyền Chân Nhân, Thành Đạo Tử, tiên nữ Ngải Hòa, nàng tiên công chúa Ngọc Bích, Hà Tiên (ông tiên vượt sông), Lộc Giác Chân Nhân, Chân nhân núi Hồng Lĩnh: Phạm Viên.
Trên đây là các vị thần tiên được nêu ra, tác giả có tham khảo từ Hội Chân Biên, bên cạnh đó tác giả còn tập trung miêu thuật lại những nét chính của một trong số các công trình thờ tự thần tiên tiêu biểu vẫn còn đến ngày nay đó chính là Bích Câu Đạo quán (phố Cát Linh, Hà Nội). Hoạt động phụng bút hoặc phụng kê (xin nhận các nét bút của tiên) cũng được tả lại chi tiết trong mục này như là hình thức thực hành tín ngưỡng.
Một trường Đạo sĩ ở Việt Nam
Tên tuổi trường Nội Đạo gắn liền với Sùng Sơn đại chiến, cũng từ trận chiến mà ba ông Thánh của trường này (Thánh Bên Phải, Thánh Trước, Thánh Bên Trái) lập đại công giúp vua, chúa hàng phục tiên nữ Liễu Hạnh (sau là Thánh Mẫu Liễu Hạnh) mà trường Nội Đạo (phái Nội Đạo, phái Tam Thánh) càng trở nên nổi tiếng hơn và chiếm vị trí rõ rệt hơn trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt từ thế kỷ XVII. Không thể phủ nhận sự hiện diện của hình ảnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Phật Dược Sư đã giúp cho trường Nội Đạo có được sự thừa nhận quan trọng thay vì bị xem như các thực hành ma thuật bị ngăn cấm trước đây.
Lời kết
Viết review cho một cuốn sách mà tác giả của nó khiến người viết vô cùng kính trọng là một thử thách đặc biệt. Đôi khi người viết còn cảm nhận đây là một công việc hết sức ngây ngô bởi kiến thức và kinh nghiệm tự thân hẵng còn non trẻ. Tuy nhiên, bài viết này là sự cố gắng trên tinh thần cầu thị, nếu có các bậc học thức sâu rộng hơn góp ý thì đó cũng là nhân duyên, cũng giống với việc người viết có nhân duyên đọc sách và viết về sách, chỉ thoải mái đón nhận.
Hội hè lễ Tết của người Việt là một cuốn sách hay vì người làm khoa học vừa đảm bảo được sự khách quan trung thực vừa đảm bảo được bản sắc cá nhân. Đối với những nhà nghiên cứu, sách giống như một tác phẩm điêu khắc hiếm có, mang giá trị nhiều mặt còn đối với bạn đọc ưa thích tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam thì sách giống với một bức tranh đầy màu sắc rực rỡ.
Review chi tiết bởi Nguyễn Phú Hoàng Nam