Review Sách,  Sách Văn học

[Review Sách] Không gia đình

Tác phẩm kể về quãng đời lưu lạc của chú bé Remi, dù trải qua gian lao và thiếu thốn nhưng cuối cùng Remi được đền đáp xứng đáng. Sự đền đáp mà tôi nói đến ở đây không phải là tìm thấy người mẹ với gia thế giàu có. Mà chính là việc chú bé Remi có được đạo đức và nền tảng nhận thức đúng đắn để tự mình lựa chọn điều gì nên và không nên trong cuộc sống.

Rời khỏi nhà cha mẹ nuôi, Remi may mắn nhận được sự yêu thương chỉ bảo từ cụ Vitalis- nghệ sĩ từng trải mọi nốt thăng trầm trong bản nhạc số phận. Dĩ nhiên cụ Vitalis cũng là người, vì vậy không phải mọi quyết sách của cụ đều sáng suốt. Thế nhưng, cụ đã hoàn toàn sáng suốt trong việc giáo dục Remi. Cụ Vitalis để cho Remi học theo cách mà Remi muốn học và tuyệt đối không nhồi thêm vào đầu chú bé điều gì thừa thãi. Cụ tôn trọng nguyên tắc khi không có điều gì để dạy thì sự im lặng tự suy ngẫm là bậc thầy đối với người học. Cụ cũng là minh chứng cho những điều cụ dạy Remi trong từng lời nói, hành động.

(ảnh bìa: Fahasa)

Ở giai đoạn đầu đời này, dù không gia đình, không trường học nhưng Remi đã có người thầy phù hợp dẫn dắt. Chú mạnh mẽ lên từng ngày và biết nhìn nhận con người từ nhiều góc độ khác nhau song vẫn không đánh mất điều mà chú tin tưởng.

“Có gan phấn đấu thì rồi thời vận xấu cũng hóa tốt. Có gan phấn đấu, đó chính là cái ông đòi hỏi ở cháu hiện nay, đồng thời phải biết nhẫn nại chịu đựng nữa. Phải chịu thế ít lâu thôi, sau này thì mọi việc sẽ tươi hơn.”

(trích Không gia đình)

Liệu không gia đình có phải là bất hạnh đối với Remi? Tôi không tin như vậy. Bởi sinh ra trong hoàn cảnh mọi thứ đều thuận lợi thì cậu sẽ chẳng thể là một Remi nhân ái, tôn trọng lẽ phải và biết yêu thương con người, động vật. Những phẩm chất ấy không ngôi trường nào, dù danh giá đến đâu, đủ khả năng truyền thụ cho cậu. Ở nơi đó, cũng không thể tìm thấy bậc thầy nào có cuộc đời rất dở dang mà cũng rất trọn vẹn như cụ Vitalis. Đặc biệt, sân khấu cuộc đời không chỉ đưa vào điều hay mà còn đưa vào cho Remi những lẽ dở để cậu tự quan sát, đánh giá.

(ảnh: Pixabay)

Khép lại cuốn sách, tôi liên tưởng đến tác phẩm Emile hay là Về giáo dục của Rousseau. Hành trình giáo dục con người là một tổng công trình cần đến cả cay đắng và ngọt ngào, thử thách và phần thưởng, sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi buồn, ước mơ và sự thất vọng.

Bên cạnh các tác phẩm như Những tấm lòng cao cả, Totochan cô bé bên cửa sổ thì Không gia đình là một cuốn sách đáng đọc dành cho các bạn nhỏ, những người lớn yêu mến trẻ em và bất kì ai có hứng thú với giáo dục.

Không gia đình của tác giả Hector Malot được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp. Bản sách tôi đọc được dịch bởi Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Huỳnh Lý.

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *