Review Sách,  Sách Văn học

[Review Sách] Hóa thân

Hóa thân là cuốn sách đầu tiên tôi đọc của Franz Kafka. Câu chuyện kể về một người đàn ông chăm chỉ làm việc với nhiều dự định tốt đẹp trong tương lai, để rồi một buổi sáng ở ngay thực tại, anh nhận ra bản thân đã biến thành một con côn trùng khi mới thức dậy.

Một nhân viên tận tụy, một người con hiếu thảo và một người anh trai đầy trách nhiệm: Gregor Samsa. Hình tượng lý tưởng về con người sống để giúp người khác sống. Điều ấy không sai nếu chúng ta chỉ nhìn vào mặt tích cực, nhưng nhìn vào mặt hạn chế thì ta sẽ thấy giúp người khác sống là đang tước đi cơ hội thực sự được sống của họ.

Nếu Gregor không rơi vào tình huống trớ trêu là hóa thành côn trùng thì anh sẽ khó lòng nhận ra ý nghĩa của đời mình bị lấp đầy bởi những thứ vô nghĩa- mà chính sự lấp đầy đó làm anh ngộ nhận. Anh luôn bận rộn để gánh vác trọng trách nuôi dưỡng gia đình.

Vậy nhưng khi tình huống bất ngờ xảy tới, trớ trêu thay, kẻ anh hiểu rõ nhất và phán đoán đúng nhất lại là tay đại diện của hãng buôn. Phản ứng của cha, mẹ, em gái rõ ràng là khác hoàn toàn so với Gregor chờ đợi. Điều này có nghĩa dù sống chung nhà và lo liệu cho họ, anh cũng chưa hiểu hết về họ.

Khi phải khoác lên mình tấm áo của con côn trùng xấu xí, anh mới nhận ra người nhà thật tâm coi trong mình đến đâu và mối quan tâm lớn nhất của họ là gì. Tình thân trong đời, đôi lúc vẫn có thể bị ngăn cách bởi hoàn cảnh và vẻ bề ngoài. Đáng buồn hơn, sự thật chỉ phơi bày trong nghịch cảnh.

Gregor sống lay lắt. Tôi ngưỡng mộ sự bao dung và lạc quan của anh. Dù rằng đó là sự bao dung trong mù quáng và lạc quan trong đơn độc. Gregor đã làm quá tốt trách nhiệm của một con người sinh ra để làm nguồn dinh dưỡng cho người khác. Vậy nên, anh bị mặc kẹt trong chính những phẩm chất tốt đẹp của mình.

Chuỗi ngày sau khi Gregor hóa thân là chuỗi ngày bế tắc song cũng đáng trân quý. Bởi nó giúp anh được yên thân để nhìn nhận lại một lẽ sống trong xã hội con người: Thứ con người quan tâm nhất luôn là chất lượng cuộc sống của chính bản thân họ. Họ không sai, nhưng anh đã quá liều lĩnh khi nhận trách nhiệm cải thiện cuộc sống cho những người còn đủ khả năng để tự lo liệu.

Gia đình của anh không chối bỏ anh ngay lập tức mà dần dần tìm cách phủ nhận sự tồn tại của Gregor để rồi phủ nhận luôn mọi điều tốt đẹp anh đã làm và đã nghĩ cho họ. Họ tiếp tục sống và hướng đến tương lai, trong khi Gregor, trong lốt một con côn trùng gầy đét, chết theo như cách mà mọi con côn trùng trên thế gian này có thể chết.

Tình thương yêu thực sự giữa con người với nhau liệu có phải không bị chi phối chút nào bởi hình thức và vật chất? Bởi trong khi ca ngợi cái đẹp, người ta luôn giữ khoảng cách với cái đẹp để không phải trở thành nó – đẹp thật sự luôn kèm với nhọc nhằn, hi sinh và gian khổ.

Điều này là có lý hay phi lý? Chắc cũng giống như việc một buổi sáng thức dậy Gregor nhận ra anh hóa thân thành con côn trùng. Nhưng Franz Kafka đã thương anh, đã cho anh nhận ra điều đó trước lúc từ giã cõi đời.

Không phải ai cũng có may mắn nhận ra bản thân thực sự đang là gì sau mỗi buổi sáng thức dậy, như Gregor.

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *