[Review Sách] Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya
Sống tử tế là cách sống khôn ngoan nhất và làm những việc tưởng chừng vô nghĩa đôi khi lại mang tới những ý nghĩa mà người ta không tưởng.
Với tôi, nếu so sánh với bóng tối trong “Bạch Dạ Hành” thì “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” là ánh sáng. Tôi khá ngạc nhiên khi tác giả Higashino Keigo có thể viết một tác phẩm êm đềm và tràn đầy niềm tin vào con người như vậy. Dĩ nhiên ông vẫn điểm chút âm mưu và sự xuất hiện của tội phạm như một thói quen.
Một mặt, tôi cảm thấy ông hoài nghi con người. Nhưng mặt còn lại, hình như bản thân ông cũng chán ghét nỗi hoài nghi ấy. Kẻ phạm tội trong tác phẩm của ông tàn ác, xảo quyệt bấy nhiêu thì người lương thiện cũng cao thượng và giàu lòng vị tha bấy nhiêu. Có lẽ đó chính là xã hội loài người mà ông thu nhỏ lại trong tác phẩm của mình.
Đến với “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” là đến với thế giới của niềm tin và mối quan hệ nâng đỡ lẫn nhau giữa người với người bằng tinh thần vô vị lợi- liệu đó có phải là điều kỳ diệu nơi trần thế?
Khởi đầu tình cờ
Ba chàng trai Shota, Atsuya, Kohei thực hiện một vụ trộm. Trong lúc tìm nơi ẩn náu, họ đã đến tiệm tạp hóa bỏ hoang Namiya của ông Namiya Yuji. Ông từng là người làm công việc tư vấn những băn khoăn cho người khác tại đây, bằng hình thức viết thư tay.
Một ông chủ tiệm tạp hóa làm công việc tư vấn? có lẽ nói đến tư vấn thì bạn và tôi sẽ hình dung đến một ai đó bảnh bao, trang bị đầy bằng cấp, nụ cười chuyên nghiệp, ánh nhìn tự tin và cái bắt tay thật chặt? Nhưng nghĩ đến đây tôi chợt nhận ra những quyết định quan trọng trong đời người thường hiếm đến sau khi gặp những người như vậy để xin tư vấn. Vì họ chuyên nghiệp nên sự chuyên nghiệp ấy biến tư vấn thành giao dịch mua bán. Trong kinh doanh, tính chuyên nghiệp thường được đề cao hơn sự chân thành.
Vào hoàn cảnh khó khăn, người ta không chỉ cần lời giải cho các vấn đề mà còn cần sự thông cảm, khích lệ để tự mình giải quyết vấn đề ấy. Ông Namiya Yuji khám phá ra những người đến xin tư vấn hầu hết đều đã có câu trả lời trong lòng. Dù tự nhận bản thân là một người bình thường, nhưng duy chỉ có điểm này thôi, đã khiến cho ông trở thành một nhà tư vấn không hề tầm thường chút nào.
Có lẽ bởi vì vậy, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra tại tiệm tạp hóa Namiya: sự kết nối thời gian giữa quá khứ và tương lai, giữa trại trẻ Marumitsu và tiệm tạp hóa Namiya (vào lúc Atsuya khám phá ra điều này ở cuối sách, thì tên của hai nơi đều đặt trong ngoặc kép- tôi cảm nhận đó là kết nối giữa hai trái tim, hai con người tuy không đến với nhau những mãi mãi thuộc về nhau. Mối tình cảm động đó là gì thì mời bạn đọc tự tìm hiểu).
Shota, Atsuya, Kohei đã bị cuốn vào việc tư vấn, mà tôi nghĩ thực chất là cuốn vào khao khát được sống một cách có giá trị, được tôn trọng. Với ba đứa trẻ bị bỏ rơi, phải tìm mọi cách để sống thì đó là mong ước thầm kín luôn được ấp ủ nhưng họ không dám nói ra. Có lẽ vì họ sợ bản thân không có quyền hy vọng và nếu lỡ hy vọng thì họ sẽ chỉ nhận lại được những nỗi thất vọng.
Ba chàng thanh niên ấy đã gỡ rối tơ lòng cho một cô gái là vận động viên đấu kiếm, bút danh là “Thỏ Ngọc cung trăng”. Cô đã phấn đấu hết mình cho mơ ước và tình yêu nên dù mất mát, cô hoàn toàn mãn nguyện. Tiếp theo đó là “Nhạc sĩ cửa hàng cá”. Một chàng trai trẻ say mê âm nhạc nhưng lại trăn trở với trách nhiệm kế thừa công việc kinh doanh của gia đình. Anh đã sáng tác nên bản nhạc “Tái sinh”- một cái tên có rất nhiều thông điệp và liên quan đến nhiều nhân vật trong tác phẩm này.
Lựa chọn của anh ngay từ đầu cho đến phút cuối ít khi đúng, hoặc thậm chí có thể với nhiều người là hoàn toàn sai lầm, mù quáng. Nhưng nếu anh chỉ toàn chọn làm những điều đúng đắn thì có lẽ không có thứ âm nhạc nào được cất lên. Trong anh có một thứ âm nhạc vĩnh hằng, cao hơn cả sự sống và cái chết cũng như danh vọng thông thường: lòng nhân ái.
Anh ra đi trong vai trò là một nghệ sĩ vô danh, một người chết trong đám cháy khi cứu một người khác. Nhưng tác phẩm “Tái sinh” của anh thì sống mãi- bởi đó là kiệt tác của một nghệ sĩ chân chính, dù bị câu chữ và cuộc đời định danh là nghệ sĩ nghiệp dư.
“Việc cậu theo đuổi con đường âm nhạc không bao giờ là vô ích.
Tôi nghĩ có người sẽ được cứu rỗi bởi bài hát của cậu. Thứ âm nhạc cậu tạo ra chắc chắn sẽ được lưu lại.
Nếu cậu hỏi tại sao tôi có thể khẳng định như vậy thì tôi cũng chịu, không biết nói sao, nhưng điều đó là chắc chắn.
Về chuyện này thì cứ tin tôi. Tin tới giây phút cuối cùng.”
Bức thư từ tiệm Namiya trở thành ký ức cuối hiện về trong tâm trí của “Nhạc sĩ cửa hàng cá” trong biển lửa. Người nghệ sĩ trẻ ấy nhớ về bố, người mà cả cuộc đời anh chống đối nhưng cũng là người cả cuộc đời đã chống đỡ cho anh thực hiện ước mơ. Có thể ngay giữa hỏa ngục, cổng thiên đàng đã mở ra khi đôi mắt anh khép lại.
“Green River”, “con gái của Green River”, “Paul Lennon”, “Chó nhỏ lạc lối” cũng đều có câu chuyện của riêng mình. Họ đến với Tiệm tạp hóa Namiya và đã nhận ra tấm bản đồ bên trong mình. Hành trình của họ cũng rất đặc biệt, dù không hoàn toàn suôn sẻ.
Kết thúc không tình cờ
Ông Namiya Yuji tận tâm với việc tư vấn đến mức ông luôn suy nghĩ trước, trong và sau khi đưa ra câu trả lời. Trước khi tư vấn, ông suy nghĩ để hiểu rõ vấn đề, trong khi tư vấn ông cân nhắc câu chữ sao cho thật dễ hiểu và thiện chí. Sau khi tư vấn, ông suy tư xem liệu câu trả lời của mình có thực hữu ích hay không.
Có lẽ ông chủ tiệm tạp hóa nhân hậu ấy không ngờ cuộc đời mình lại rẽ sang hướng trở thành nhà tư vấn. Nhưng dù trở thành gì, thì sự tử tế và tận tâm của ông cũng không hề thay đổi. Hóa ra chiều sâu của con người không phải lúc nào cũng mang nghĩa tiêu cực khi gắn với những âm mưu, thủ đoạn. Mang nét nhân văn thì chiều sâu của con người nằm ở tấm lòng độ lượng và biết quan tâm tới đồng loại của mình.
Chuỗi ngẫu nhiên dẫn được xâu lại thành tất yếu trong ngày giỗ lần thứ 32 của ông. Khi ông nhận được những lời hồi đáp bày tỏ lòng tri ân và khẳng định giá trị từ những bức thư ông từng tư vấn. Tôi cảm nhận ông Namiya Yuji cần biết điều này không phải để khoe khoang hay tự mãn mà vì có trách nhiệm với điều mình nói, với những cuộc đời mình can dự nên ông tha thiết muốn được biết.
Tôi cũng nảy ra ý tưởng bắt chước ông khi đặt ra một câu hỏi tương tự trên Mạng hỏi đáp Việt Noron mà tôi từng gắn bó trong thời gian qua. Dù có thể câu hỏi đó sẽ chưa có hồi đáp hoặc bị chìm ngập trong nhiều câu hỏi khác thì tôi vẫn muốn thực hiện. Có lẽ tôi cũng mang nỗi trăn trở như ông, khi làm công việc tư vấn.
Bởi tư vấn là can dự vào đời tư, lựa chọn của người khác. Những lựa chọn này có thể sẽ góp phần định hình nên số phận của họ. Nên tôi cảm thấy thật khó để hoàn toàn an lòng khi vốn sống, vốn tri thức của mình còn bé nhỏ trong khi trao đi lời khuyên.
Nhưng nếu bỏ mặc những thắc mắc ở đó, thì tôi lại càng không an lòng hơn nữa. Nếu càng ngày càng có nhiều người chân thành và vô tư để làm công việc tư vấn như ông Namiya Yuji thì thật tốt. Tuy nhiên, có lẽ thay vì chờ đợi những điều tốt thì có lẽ chính bản thân chúng ta phải nỗ lực hành động để vươn tới những điều mà chúng ta tin tưởng.
Sau khi đồng hành cùng Noron tôi mới đọc cuốn sách này, dù trước đây từng nghe nhắc tới khá nhiều lần, với tôi là một ngẫu nhiên may mắn. Hoặc cũng có thể là một tất yếu để tiếp thêm động lực và niềm tin cho tôi về công việc mà mọi người và tôi đang làm thì sao?
“Let it be”
Trong phần kết của bài review, tôi xin trích dẫn lại bức thư của ông Namiya Yuji gửi ba chàng trai Shota, Atsuya, Kohei- biết đâu sẽ có ích cho nhiều chàng trai khác đang trong độ tuổi, hoàn cảnh của họ:
“Gửi người vô danh.
Ông già này đã suy nghĩ rất nhiều về lý do bạn cất công gửi tới một tờ giấy trắng. Đây chắc chắn là một chuyện lớn, tôi không thể trả lời bừa được.
Sau khi vận dụng hết cái đầu già cỗi này, tôi hiểu bức thư này có nghĩa là “Không có bản đồ”.
Nếu ví những người nhờ tôi tư vấn là kẻ lạc đường thì phần đông trong số họ ở tình trạng có bản đồ nhưng không chịu xem hoặc hoặc không biết vị trí hiện tại của mình.
Nhưng có lẽ bạn không thuộc loại nào trong hai loại này. Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù rất muốn quyết định đích đến nhưng lại không biết đường đi nằm ở đâu.
Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng.
Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.
Tôi nghĩ là mình sẽ không còn viết thư trả lời tư vấn nữa. Cảm ơn bạn đã cho tôi một câu hỏi hóc búa nhưng tuyệt vời vào thời điểm cuối cùng này.
Tiệm tạp hóa Namiya.”
Bài“Let it be” của ban nhạc The Beatles. Ban nhạc này liên quan sâu sắc đến một giai đoạn mang tính bước ngoặt trong cuộc đời thăng trầm của người xin tư vấn mang bút danh “Paul Lennon”.
Tôi nghĩ bức thư cuối của ông Namiya Yuji và cả cuộc đời ông đã sống cũng là một bản “Let it be”.