Review Sách,  Sách Văn học

[Review Sách] Bạch Dạ Hành

Tôi nghĩ rằng gấp cuốn sách lại, bạn sẽ còn những câu hỏi để ngỏ. “Bạch Dạ Hành” là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên tôi đọc của Higashino Keigo. Không phải ngẫu nhiên tôi đọc, mà vì có một người đã giới thiệu cho tôi. Có lẽ, cuốn sách này rất đặc biệt với người ấy.

Trong quá trình đọc tác phẩm, bạn nên tập trung. Bởi câu đố và lời giải thường đan xen nhau. Đó cũng là cách khiến mạch truyện lôi cuốn người đọc hơn: cảm giác thích thú khi nhận ra một chi tiết tưởng chừng nhỏ nhoi song lại không hề vô nghĩa. Tôi sẽ không đi sâu vào nội dung nữa, mà để các bạn tự khám phá. Đừng quên sắp xếp thời gian để đọc cuốn sách này vì có lẽ đây là một cuốn sách khó bỏ xuống giữa chừng. Nhưng bạn nên đọc cách quãng để hiểu nội tâm nhân vật hơn. Tôi khá hứng thú với nội tâm nhân vật của các cuốn tiểu thuyết, bởi với tôi họ cũng là con người. Đọc tiểu thuyết là cách để hiểu con người.

Trong “Bạch Dạ Hành” có ba con người không thể không nhắc đến là: Ryoji, Yukiho và Sasagaki.

Làm nhiều điều tồi tệ, vậy bản chất của Ryoji có tồi tệ?

Từ ngày còn là một cậu bé cho tới khi trưởng thành, đây là một cá thể thông minh. Tuy nhiên, không phải ai xung quanh cậu cũng nhận ra điều đó. Vậy nên họ dễ dàng bị cậu nhìn thấu tâm tư. Ngược lại, vì họ không hiểu cậu nên họ chỉ thấy cậu lập dị, khó hiểu. Nếu được quan tâm, nuôi dạy tốt, tôi tin đây chắc chắn sẽ là một nhân tài hiếm có. Bằng chứng là cậu có thể tự làm, tự học, tự lập kế hoạch cho rất nhiều việc mà người bình thường không thể đơn độc thực hiện. Ryoji đã trải qua những gì trong suốt quãng thời gian bỏ nhà lưu lạc thì không ai rõ. Nhưng chắc chắn điều đó đã khiến cậu trở nên xảo quyệt hơn và cũng tàn nhẫn hơn.

Ryoji cảm thấy thế nào? đó là câu hỏi mà tôi quan tâm nhất khi nghĩ đến cậu. Chiếc kéo cậu mang theo là một thứ cứu chuộc mang đầy tội lỗi và là một tội lội cuối cùng mang tính cứu chuộc. Ryoji làm tất cả để sống, không phải bởi vì cậu ham sống mà bởi cậu muốn giữ linh hồn của bản thân. Cảm giác cố giữ lấy một thứ gì đó mà bản thân không biết chắc có còn nữa hay không hẳn là rất đau khổ. Bởi vậy cậu quen với đau khổ và cũng không ngần ngại gây ra đau khổ. Sự trống rỗng trong cậu đã nuốt chửng xúc cảm của tính người.

Ryoji từng giết người. Chỉ cần từng làm điều này duy nhất một lần trong đời thôi, con người ta cũng có thể thay đổi mãi mãi. Dù không ai biết hoặc chưa biết đến, thì lương tâm của cậu đã chẳng còn vẹn nguyên. Cái ngày cậu giết người đầu tiên cũng chính là cái ngày cậu tự kết liễu tâm hồn mình. Thời gian trôi qua, cậu có thể bình tĩnh nghiên cứu cách sát hại người khác như một sự chuẩn bị, để rồi tới lúc thì quyết đoán ra tay với bản thân. Ryoji đã vĩnh viễn trở thành sinh vật của bóng đêm. Linh hồn cậu đã rời đi trước khi thân xác trở nên lạnh giá.

Chỉ bởi, cậu trót không thể tách rời khỏi một thiên thần sa ngã mang tên: Yukiho.

Yukiho- mọi thứ đều hoàn hảo thì có thực sự hoàn hảo?

Có lẽ đây là nhân vật phức tạp nhất trong “Bạch Dạ Hành”. Trong mắt các nhân vật khác, cô luôn dao động giữa “thiên thần – ác quỷ”; “đáng thương – đáng trách”; “sang trọng – thấp hèn”. Cá nhân tôi tin rằng Yukiho làm tất cả để khiến bản thân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sẽ chẳng có gì đáng bàn, nếu bạn chưa đọc sách để thấy được cô đã làm những gì trên hành trình vươn tới mục đích ấy.

Đến cuối tác phẩm, Yukiho dường như vẫn không liên quan đến mọi chuyện, mọi thứ trên đời. Cô luôn sẵn lòng quay đi khi có thể. Nhưng ẩn sau sự lạnh lùng tuyệt đối này là cuộc đời bi thương bị bỏ mặc từ ngày còn là một cô bé gái- nỗi uất ức pha lẫn tuyệt vọng không thể biểu lộ với bất kì ai trên đời. Cô sống trong đêm trắng, còn Ryoji sống trong đêm đen. Hai con người thuộc về màn đêm cuối cùng lại trở thành điểm tựa soi sáng cho nhau- dù theo cách thật kì dị mà những người bình thường, trưởng thành trong mái ấm trọn vẹn không bao giờ hiểu được.

Cuối tác phẩm, có lẽ Yukiho đã đạt đến đỉnh cao trong cuộc đời mình. Cô có tiền bạc, địa vị, sự nghiệp. Hơn nữa cô có đến hai người đàn ông sẵn sàng bảo vệ cô bằng mọi giá. Một ngoài sáng, một trong tối. Cuối cùng thì Yukiho có hạnh phúc không? Đây là câu hỏi mà tôi khá quan tâm khi nghĩ tới cô. Bởi bản chất của cô đã được bộc lộ rõ qua những điều cô làm, nên tôi không còn băn khoăn nhiều về việc cô thiện lương hay tà ác.

Điều tôi băn khoăn là liệu cô có hạnh phúc sau tất cả, khi mà mọi trở ngại đều bị dẹp tan, mọi kẻ ngáng đường đều đã câm lặng? Còn lại Yukiho trên đời với bí mật theo cùng đến ngày nhắm mắt, quá nửa số bí mật ấy liên quan đến giết chóc, thì điều gì đợi chờ cô ở tương lai? Liệu cô còn có thể làm mẹ không (dù là mẹ ruột hay mẹ nuôi) chăng nữa?

Cái giá phải trả để đến với cuộc sống ở tầng lớp thương lưu luôn đắt đỏ đến mức ấy sao? Yukiho có lẽ đã đánh mất thiên đàng trong lúc tìm đến với thiên đàng. Một thiên thần sa ngã mang vỏ bọc thiên thần, rồi thiên thần ấy lại tiếp tục mang thêm vỏ bọc xinh đẹp, duy nhất chỉ là không còn có trái tim- đôi cánh thực sự.

Chi tiết cô bé Mika bị tấn công ngay tại nhà riêng và sau đó Yukiho xuất hiện đúng lúc để đưa cô bé đi bệnh viện đã khép lại dòng suy nghĩ của tôi về nhân vật này. Sau tất cả đau khổ cô phải trải qua, hình như mục đích cuối cùng của cô là để cho người khác nếm trải cảm giác đau khổ.

Sasagaki- số điếu thuốc đã cháy và đã tắt: bằng nhau

Đây là một viên cảnh sát tận tụy với nghề. Tuy nhiên không giống với các bộ phim điện ảnh về những siêu anh hùng công lý, Sasagaki cũng có lúc bế tắc và sai lầm. Ông giống con người hơn ở điểm: bền bỉ đi tìm lời giải cho các bài toán mà cuộc đời mang lại.

Một hành trình hai mươi năm trời, Sasagaki bỏ quên cuộc đời mình để cuốn vào cuộc đời của những đứa trẻ khốn khổ sinh ra từ những gia đình tan nát, trưởng thành trong một xã hội mục nát và cuối cùng leo lên vị trí cao hơn trong chính mớ hỗn độn ấy. Bạn đọc đừng trách tôi nặng lời, bối cảnh xã hội trong tác phẩm đúng là không tươi sáng cho lắm: mọi thứ chằng chịt xung quanh quyền lực, tiền bạc, sự giao dịch đổi chác dựa trên quyền lực và tiền bạc (buôn lậu, làm hàng giả, lừa đảo, đánh cắp thông tin, thủ tiêu nhân chứng, bắt cóc, xâm hại trẻ em, chà đạp lẫn nhau vì địa vị, ngoại tình, thuê thám tử theo dõi, bệnh thành tích, biển thủ công quỹ v.v…)

Sasagaki không phải là một nhà giáo dục. Nên ông không có ý tưởng cảm hóa Yukiho hay Ryoji. Ông chỉ mong muốn tìm ra chân tướng sự việc và trừng trị đích đáng cái ác. Đó cũng là lý do ông không thể hiểu nổi toàn bộ sự việc trong hai mươi năm trời. Ông chỉ nghĩ đến phá án, đến lý trí mà quên mất một điều: đối tượng chính là con người. Ông mải mê tìm hung thủ, tìm động cơ mà quên đi sự lặng lẽ kì lạ của hai đứa trẻ kèm theo sự tồn tại bơ vơ của chúng trong cuộc đời. Chúng đọc sách “Cuốn theo chiều gió” như là cách gửi tín hiệu cầu cứu cuối cùng đến thế giới người lớn, nhưng không người lớn nào chú tâm- họ quá bận rộn với vấn đề của riêng họ.

Giá những cán bộ mẫn cán ngoài cái đầu lạnh còn có thêm trái tim nóng thì thế gian sẽ tốt đẹp hơn biết bao nhiêu. Giá như Sasagaki nhận ra rằng “tôm pháo và cá bống trắng” khác con người ra sao.

Mặc dù vậy, Sasagaki đã làm hết khả năng của bản thân. Ông có lương tâm và nó đã soi sáng ông tìm ra câu trả lời cho toàn bộ tấn bi kịch. Có điều, ông nhận ra song chỉ dừng lại ở đó và không thể thay đổi được gì nữa.

Vài suy nghĩ về tác phẩm

“Bạch Dạ Hành” nêu ra nhiều mặt trái của xã hội và nhiều cuộc đời bị bỏ lại trong bóng tối. Họ chưa thể chết song cũng không thể sống cho ra sống. Vì vậy, để tiếp tục tồn tại, họ sẵn lòng bất chấp mọi hành vi. Vì sao họ cần tuân theo những chuẩn mực đã không cứu rỗi cuộc đời họ, khi họ khi cần đến?

Theo tôi cảm nhận, sự đánh mất bản thân này là căn bệnh nghiệt ngã nhất của xã hội loài người. Khi dục vọng quá mãnh liệt, họ có thể thỏa sức làm những điều trái với luân thường đạo lý- miễn là đã chuẩn bị cho mình một tấm mặt nạ đẹp. Nếu chú ý, bạn sẽ thấy tất cả các nhân vật trong tác phẩm đều mang mặt nạ. Họ thiết kế mặt nạ trên những tấm danh thiếp, những bộ cánh đẹp đẽ hay những địa vị quyền quý.

Tấm mặt nạ của Yukiho đến từ đâu nêu như không phải bản thân cô đã từng là nạn nhân của nó?

“Bạch Dạ Hành” cũng gián tiếp khẳng định tầm quan trọng của giáo dục dựa vào bộ ba gia đình – nhà trường – xã hội. Nếu một gia đình không an ổn, hạnh phúc; một nhà trường thiếu tình thương, đạo đức và một xã hội làm ngơ trước các hành động sai trái, bỏ mặc mọi thứ vận hành theo quy luật kim tiền thì rất có thể càng ngày sẽ càng có thêm nhiều nhân cách lệch lạc xuất hiện. Sự phục thù của họ là điều cực kì đáng sợ. Bởi khi nạn nhân bị tha hóa để trở thành hung thủ, họ đã mất đi niềm tin vào đồng loại. Đó chính là những sát thủ có giác quan của kẻ săn mồi, mang diện mạo hoàn toàn vô hại với đôi tay không do dự khi phải đâm sâu vào trái tim hoặc tâm hồn người khác.

Thực lòng mà nói, tôi vẫn có chút thương cảm dành cho Ryoji và Yukiho. Dường như họ không có lựa chọn nào khác để làm người. Nhưng điều đó không có nghĩa tôi tán thành con đường họ đã chọn. Tôi cũng không thích cái kết của tác phẩm.

Hai lý do khiến tôi không thích kết của tác phẩm

Thứ nhất, dường như con người bình thường không đủ khả năng nhìn ra và chống lại cái ác ẩn sâu trong nội tâm người khác, khi họ có dáng vẻ bề ngoài hoàn hảo. Những số phận dang dở của Eriko, Imaeda, Shinozuka, Sasagaki v.v… dường như chỉ là trò đùa, để bị thao túng, chấp nhận sống với hậu quả kẻ khác mang lại. Đến cuối tác phẩm, điều duy nhất họ làm chỉ là tôn thêm sự sắc sảo của kẻ chủ mưu. Nếu những người thiện lương phải chịu ấm ức và sống cuộc đời tạm bợ như vậy, thì lương thiện trên đời này còn vai trò gì? Tôi không thích cách sự lương thiện (hay ít nhất là nỗ lực vươn tới sự lương thiện) bị đánh giá thấp và trở nên èo uột như vậy trước cái ác. Vì tôi tin kẻ mạnh thực sự là kẻ dám sống lương thiện, dù xảy ra chuyện gì chăng nữa.

Thứ hai, tội ác cần phải có điểm dừng, bất kể nguyên nhân, động cơ ra sao. Ryoji dừng lại (thực ra là nằm lại) nhưng Yukiho vẫn tiếp bước. Phải chăng cô đã thành công và không ai trên đời có thể ngăn cô lại nữa? Như vậy nếu bắt chước con đường của cô, người ta cũng có quyền hi vọng đạt được những thứ cô đạt được, miễn là dám đánh đổi? Với tôi, sẽ ý nghĩa hơn nếu tác giả Higashino Keigo tạo ra ranh giới mà cái ác không thể vượt qua, để Yukiho và Ryoji không tạo ra thêm những bản sao của chính mình trong đời thực. Giá như Ryoji dừng lại sớm hơn, cậu đã không phải đến với kết cục bi thảm. Giá như Yukiho phải dừng lại sớm hơn, không ít người sẽ tránh được đau khổ.

Ngoài hai điểm vừa nêu trên, tôi thấy khá thích tác phẩm “Bạch Dạ Hành” và cách dẫn dắt bạn đọc của tác giả. Tạm gác lại chuyện “nhân chi sơ tính bản thiện” hay “bản ác”, tôi mong rằng, Yukiho của tương lai sẽ hướng về phía mặt trời và Noriko đã sinh ra một bé trai cho Ryoji.

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *