Giáo dục,  Kiến thức giáo dục,  Review Sách,  Sách Tâm lý - Giáo dục

[Review Sách] Dạy con trong “hoang mang” (tập I)

Cuốn Dạy con trong “hoang mang” của TS. Lê Nguyên Phương có bìa màu đỏ- màu của sự tích cực, sôi nổi song cũng đầy cam go, thử thách. Tương tự gam màu ấy, nuôi dạy con chưa bao giờ là việc dễ dàng.

“Hoang mang” từ đâu mà ra?

Dạy con điều gì và dạy như thế nào luôn là điều các bậc phụ huynh quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội đang có những chuyển biến nhanh chóng như hiện nay.

Với lượng tri thức to lớn về giáo dục được ồ ạt đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn thì chúng ta có thể thấy nỗi “hoang mang” trong dạy con thật bi hài.

Xã hội thay đổi là điều tất yếu, thế nhưng có những giá trị cốt lõi làm nên con người như: đức tính trung thực, lòng nhân hậu, tâm trí sáng suốt, thể chất khỏe mạnh là tất yếu không nên thay đổi.

Do đó, dạy con theo lối nào mà giúp con nên người thì cũng đều đáng hoan nghênh- thay vì tranh cãi nhau về khái niệm, tư tưởng, trường phái và các phương pháp vô tri vô giác (dù rằng chúng có cơ sở khoa học, thế nhưng chúng không thể hoàn toàn thay thế con người trong diễn trình nuôi dạy thế hệ tiếp theo.)

Hình như sống trong môi trường số hơi nhiều, nên người ta quên mất cách giao tiếp giữa con người với con người: Tìm người tính toán mau lẹ thì dễ, mà tìm người đồng cảm, thấu cảm với con cái thì khó.

Bằng sự sốt sắng nhiệt tình cộng thêm kì vọng hoành tráng, không ít cha mẹ đã gom góp các kĩ thuật giáo dục với ham muốn tạo ra một đứa trẻ có năng lực cao nhất để thành công, để hơn bè bạn và luôn là số một.

Có đứa trẻ hồn nhiên nào muốn điều đó? Hay chăng đó chỉ là ảo vọng lớn lao của đấng sinh phóng chiếu lên con trẻ? Nỗi ám ảnh về thành công đáng sợ đến mức dường như đứa trẻ sinh ra là để thành công và phải thành công theo cách người ta trông đợi ở nó. Nếu không thành công, nó sẽ bị bỏ lại.

Ở Việt Nam sau một thời gian dài, hai chữ “lao động” được cẩn ngọc nạm vàng và định nghĩa lệch lạc đến mức hầu như chỉ có lao động tay chân mới được xem như thứ lao động thật sự, thì nay gần như mọi giá trị đã đảo ngược để xã hội lại cuồng say rơi vào cơn lốc giàu sang phú quý.

Đôi khi mang tính “biểu hiện” đến nỗi  như một anh bạn trong nước chia sẻ: Ai đã giàu vì đi buôn đánh quả thì nay thích có cái bằng Tiến sĩ, Giáo sư, còn ai lâu nay đã có khoa bảng Giáo sư, Tiến sĩ thì nay lại đầu tư kinh doanh để có xe hơi nhà lầu- cái đó gọi là văn võ song toàn

(trích sách Dạy con trong hoang mang)

“Hoang mang” từ đâu mà ra? Từ chính những bậc cha mẹ luôn thúc ép con cái đạt được điều họ chưa bao giờ đạt được, có thói quen tốt mà họ chưa bao giờ có và suy nghĩ sâu sắc như những hình tượng đâu đâu trong trí tưởng tượng của họ.

Đơn giản là trong khi loay hoay với các phương pháp giáo dục ngoại lai, họ vui vẻ quên mất kinh nghiệm của tổ tiên từ ngàn đời là: “Rau nào, sâu nấy” hay “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”.

Trước khi dạy con, hãy hiểu con. Điều này sẽ giảm thiểu sự “hoang mang” cho cả đôi bên.

Trẻ em như búp trên cành

Nếu cần cả làng để nuôi dưỡng một đứa trẻ như câu tục ngữ được cho là từ Phi châu: “It takes a village to raise a child” thì cũng cần một cộng đồng, một xã hội hay thậm chí một quốc gia để chữa lành một đứa trẻ.

(trích sách Dạy con trong hoang mang)

         Những đứa trẻ cần có người chuyện trò, sẵn lòng dành thời gian để quan tâm chân thành đến chúng. Thế nhưng, đôi khi thứ chúng nhận được lại là tiền mặt, ipad, iphone, quần áo đẹp, đồ ăn ngon v.v… Trẻ em sẽ làm gì với những món đồ chơi ấy nhỉ? Và khi lớn lên, những món đồ chơi ấy sẽ biến các em thành loạt công dân như thế nào?

Người lớn không có lỗi khi cố gắng làm điều tốt nhất cho trẻ nhỏ, có điều, đôi lúc họ nhầm lẫn giữa những giá trị.

Mọi hạnh phúc và bất hạnh trong đời sống đều liên quan đến cách hiểu của chúng ta về cái gì là giá trị và con đường để đạt được giá trị ấy.

Nếu hệ giá trị của chúng ta méo mó, lệch lạc thì vô tình chúng ta cũng sẽ đẩy con em mình vào bế tắc khi thúc đẩy chúng mang thành kiến của bản thân.

Dần dần, các thế hệ cứ vậy chồng chất thêm lên nhau món “lãi suất kép” đau khổ này.

Để chấm dứt tình trạng đó, người lớn cần liên tục nỗ lực thấu hiểu về cuộc sống, về con người trước khi chào đón và dẫn dắt trẻ đến với cuộc sống.

Nếu đang có dự định lập gia đình, mong các bạn trẻ hãy suy ngẫm kĩ về điều này. Hãy để bản thân học hỏi, trải nghiệm cho tới thời điểm sẵn sàng và có đủ khả năng đưa gia đình mình đến bến bờ hạnh phúc, với người bạn đời hạnh phúc và những đứa trẻ hạnh phúc.

Chuyển hóa mình để chuyển hóa con. Nhưng đó cũng là gánh nặng của hạnh phúc, của việc nuôi nấng dạy dỗ một con người.  

(trích sách Dạy con trong hoang mang)

Thay cho lời kết

Tôi rất ấn tượng với cuốn sách này của TS. Lê Nguyên Phương. Từ những căn cứ lý thuyết cụ thể về tâm lý học cho đến các dẫn chứng sinh động mà ông từng trải trong thực tế.

Đồng thời, viện dẫn tri thức của ông có sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây. Điều này giúp cuốn sách vừa có nét thâm trầm đậm chất Á Đông vừa có sự mạch lạc, rõ ràng của tư duy khoa học.

Với cá nhân tôi, đây là một cuốn sách làm tốt nhiệm vụ truyền cảm hứng cho các bậc cha mẹ đang băn khoăn về việc giáo dục con. Đồng thời, sách cũng gợi ra cho chúng ta những câu chuyện muôn thuở về học làm người trước khi dạy làm người.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn thực hành ngay theo sách hoặc đang tìm kiếm loạt chỉ dẫn cụ thể hơn, thì cần phải kiên nhẫn tìm đọc thêm các đầu sách khác và tích cực thực hành điều mình đọc được.

Nếu đọc được, biết khen hay song không làm được, thì thật uổng phí tâm tư của người viết, bạn nhỉ?

*Ảnh minh họa: Pixabay.

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *