[Review Sách] Cú sốc dưỡng dục (Tư duy mới về trẻ em)
Cú sốc dưỡng dục (Tư duy mới về trẻ em) của tác giả Po Bronson & Ashley Merryman không dày, bởi sách biết đặt vấn đề cho người đọc suy ngẫm.
Sách gồm những phần:
· Lời giới thiệu
· Tác dụng ngược của khen ngợi
· Thời gian bị đánh mất
· Vì sao trẻ con nói dối
· Cạnh tranh giữa anh chị em ruột
· Khoa học về sự nổi loạn của tuổi dậy thì
· Có thể dạy trẻ tự tổ chức?
· Chơi đẹp với bạn bè
· Vì sao bé Hannah nói còn bé Alyssa thì không?
· Kết luận
Trong quá trình đưa ra ví dụ và đi kèm phân tích, các tác giả luôn để lại khoảng trống để người đọc tiếp tục suy luận thêm như chia sẻ trong phần giới thiệu: “Chúng tôi sẽ khiến các bạn phải suy nghĩ lại về những việc tưởng như hoàn hảo”.
Tôi tin đó là thái độ đúng đắn khi tiếp cận và tìm hiểu trẻ em, bởi dù có những nét giống nhau mà đôi khi có thể tóm lại thành quy luật, thì đối với người lớn, trẻ vẫn là một thực thế khó nhận thức và nhận thức được song chưa chắc đã biết cách tác động cho phù hợp.
Quá trình giáo dục trẻ có thể mang đến tín hiệu về sự đúng đắn nhưng chưa thể khẳng đinh được tính đúng đắn hoàn toàn cho đến khi trẻ trưởng thành và hòa nhập vào xã hội. Do đặc trưng này, quá trình giáo dục con trẻ thường bị thiếu đi tính nhất quán và sự thấu hiểu.
Việc cha mẹ thấu hiểu con cái vào năm con cái sáu tuổi sẽ không hoàn toàn giống như khi con mười ba tuổi hay bước vào tuổi mười tám. Vậy nên, dù là tác giả chính của quá trình giáo dục, không ít bậc cha mẹ vẫn cảm thấy “bất ngờ” trước thành quả giáo dục con cái của mình. Có một sự thật hiển nhiên là người ta có thể bàn tới và chia sẻ với nhau các phương pháp giáo dục song khó lòng chia sẻ được công thức giáo dục thành công tuyệt đối.
Điều cốt lõi vẫn là thấu hiểu những kiến thức căn bản về con người để từng bước thấu hiểu mỗi đứa trẻ như là đặc trưng duy nhất hòa trộn giữa tính tổng thể và tính riêng biệt.
Trong Cú sốc dưỡng dục (Tư duy mới về trẻ em), tôi dành sự quan tâm đặc biệt ở hai phần Thời gian bị đánh mất và Khoa học về sự nổi loạn của tuổi dậy thì.
Ở phần Thời gian bị đánh mất, các tác giả đã chứng minh cho chúng ta thấy trẻ em thời đại này thiếu ngủ ra sao và ảnh hưởng tiêu cực của việc thiếu ngủ nghiêm trọng hơn những gì người lớn nghĩ:
“Nhờ lợi ích của quét cộng hưởng từ, các nhà nghiên cứu giờ đây bắt đầu hiểu chính xác thiếu ngủ gây tổn hại tới bộ não của trẻ em như thế nào. Ví dụ, những đứa trẻ mệt mỏi không thể nhớ những gì vừa học vì các nơ-ron mất tính tạo hình, không thể tạo các liên kết tiếp hợp cần thiết để mã hóa một ký ức”
Nguyên nhân của tình trạng đó bắt nguồn từ nhịp sống đầy thông tin và nếp sinh hoạt tự do, tự quyết định giờ ngủ của trẻ. Chứng thiếu ngủ triền miên đó kéo theo nhiều vấn đề cụ thể như trẻ cảm thấy u sầu, uể oải, mất động lực học tập, khó điểu khiển cảm xúc, thậm chí có vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Không ít bậc cha mẹ biết rõ ảnh hưởng, song chính bản thân họ cũng rất khó để ngủ đúng giờ hay tỏ ra nghiêm khắc, trách mắng con cái mình sau cả ngày dài làm việc mệt mỏi.
Não trạng của trẻ em không giống với người lớn. Do đó, việc thiếu ngủ của các em sẽ không đơn thuần là sự mệt mỏi. Thiếu ngủ tước đi một trí óc lành mạnh mà không thành tích học tập hay niềm vui hưởng thụ nhất thời nào có thể đánh đổi.
Trong phần Khoa học về sự nổi loạn của tuổi dậy thì, bạn đọc sẽ hình dung rõ hơn nguyên lý của tình trạng nổi loạn- tưởng chừng phi lý lại mang mục đích rất lý trí:
“46% các bà mẹ cho rằng tranh cãi là hủy hoại mối quan hệ. Bị con cái thử thách quả thật rất ức chế, rối loạn (và theo cái nhìn của họ) bị coi thường nghiêm trọng. Càng tranh luận thường xuyên, mức độ tranh cãi càng căng thẳng, các bà mẹ càng cảm thấy các cuộc chiến này nguy hại. Nhưng chỉ có 23% các cô con gái có cảm nhận tranh luận là phá hoại. Rất nhiều em tin rằng tranh luận củng cố mối quan hệ của các em với mẹ”.
Dường như khái niệm “nổi loạn” là cách mà người lớn đặt tên cho một giai đoạn phát triển của trẻ. Họ hiểu giai đoạn này theo điểm nhìn của người lớn và qua cách “dán nhãn” chẳng mấy tích cực, tôi cho rằng phụ huynh (và người lớn nói chung) không có thiện cảm trước những đứa con không nghe lời (mặc dù “nghe lời” chắc chắn không thể coi là giá trị của một con người hoàn thiện).
Học cách không nghe lời và đưa ra quan điểm của bản thân là bước chuyển tiếp quan trọng để trẻ hoàn thiện nhân cách. Thế nhưng, đáng tiếc là không nhiều bậc phụ huynh có đủ thời gian, đủ kiên nhẫn để trò chuyện thực sự với con cái ở lứa tuổi này.
Sự mất kết nối đó khiến cho các bạn trẻ nói dối nhiều hơn, có nhiều quyết định bồng bột hơn và thường xuyên có cảm giác không được chia sẻ và thấu hiểu.
Cú sốc dưỡng dục (Tư duy mới về trẻ em) thực sự vừa là lời giải, vừa là câu đố dành cho các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục trong bối cảnh số lượng tình huống tỷ lệ thuận với sự khôn lớn của trẻ em- mà trong vai trò người hướng dẫn, chúng ta cần cả lý trí và tình thương yêu để hoàn thành sứ mệnh.