Phim do người đóng,  Review Phim

[Review Phim] Đỉnh Mù Sương

Có ít nhất hai lí do bạn không nên bỏ lỡ Đỉnh Mù Sương (The Foggy Moutain)- bộ phim Việt Nam với sự góp mặt của võ sĩ Vĩnh Xuân Quyền: Peter Phạm, võ sĩ Muay Thái: Simon Kook và nhà vô địch Boxing: Trương Đình Hoàng.
Lý do thứ nhất
Cốt truyện với các tuyến nhân vật được thể hiện rõ ràng khiến nội dung phim ở mức “vừa phải”. Có nghĩa là phim dễ hiểu với đa số khán giả.
Tôi đánh giá rất cao điểm này, bởi điều đó chứng tỏ đoàn làm phim hiểu khán giả và xác định được thông điệp chính khi làm phim.
Thông điệp ấy mở đầu ngay trên poster phim với dòng chữ “Có thù, báo thù, lại gây thù”. Dòng phim hành động thường cần đến yếu tố trả thù để hợp thức hóa việc sử dụng bạo lực “lấy độc trị độc”. Tức là để nhân vật chính diện trở nên tàn nhẫn, cần phải có lí do để sự tàn nhẫn trở nên chính đáng.
Trong Đỉnh Mù Sương, mặc dù sự thù hận là chất xúc tác chính cho chàng võ sĩ Phi, nhưng sự thù hận ấy không gây cảm giác nặng nề, hay biến Phi thành một cỗ máy giết chóc để thỏa mãn người xem. Đỉnh Mù Sương cảnh tỉnh người ta nhớ rằng ai cũng có thể rơi vào vòng sân hận mà không phân rõ chính – tà, thiện – ác như trong màn sương âm u của vô minh.
Theo quan niệm của Phật giáo, Sân hận là một trong Tam độc (Tham, Sân, Si). Không thâm độc như Tham, không xảo quyệt như Si, tính Sân hận ráo riết đầy quyết liệt.   
Sân hận kéo người ta vào đáy vực của sự bức bối mang tính hoại và tự hoại. Cũng chính sân hận biến con người ta thành quỷ sứ để rồi tự cất bước vào địa ngục.
“Một niệm sân hận thiêu cháy cả rừng công đức”.
Dù sân hận tàn ác như vậy, xong không phải ai cũng đủ tính táo ngăn chặn nó. Trong câu chuyện với Phi trước khi anh lên đường tới Đỉnh Mù Sương, ông chủ quán rượu của sàn đấu ngầm có nhắc anh: “Kẻ nào quyết định trả thù thì nên đào sẵn một ngôi mộ cho mình”. Phi quả quyết đáp: “Nếu cần tôi có thể đào hàng trăm ngôi mộ”.
Bị thù hận lấp đầy tâm trí, người ta chỉ biết sống với khao khát trả thù. Phi nói anh có thể đào trăm ngôi mộ song anh chưa thấy rằng hàng ngàn người, thậm chí hàng chục ngàn người liên quan đến trăm ngôi mộ đó có thể tìm đến anh.
Muốn trả thù tức là muốn chết. Đó cũng là lí do sân hận mang tính phá hoại và tự hoại.
Con người sinh ra ai cũng có cảm xúc. Để cảm xúc ấy bùng phát và chi phối đến nỗi mất đi sự lý trí của tính người tức là đang sống trong sân hận.
Kết thúc bộ phim, đáng lẽ Phi sẽ chết. Bởi ở cự li gần như vậy, khó có chuyện Ba Râu chỉ bắn Phi bị thương, lại càng khó tin rằng một tên trùm già đời sơ ý đến mức không thay đạn cho súng từ trước hoặc quên mang theo vũ khí dự phòng trong tình huống y đang gặp nguy hiểm.
Nhắc đến Ba Râu, nếu để ý, bạn sẽ thấy hắn thường mang theo cuốn “Zarathustra đã nói như thế” của Nietzche. Và như Niezche từng khẳng định: “Điều đáng sợ nhất trong cuộc chiến chống lại quỷ dữ là chính bản thân chúng ta trở thành quỷ dữ”.
Ba Râu không muốn Phi chết mà muốn thấy anh bị hủy hoại. Muốn thấy anh sa ngã giống hắn.
Việc trả thù luôn có kết cục giống nhau. Nếu tiếp tục dấn thân trên con đường sân hận thì kết cục tồi tệ là không tránh khỏi.
Hãy học cách tha thứ ngay cả khi không được tha thứ và học cách yêu thương ngay cả khi không được yêu thương.
Tại sao cần như thế?  Đơn giản vì chúng ta là những con người bình thường, không thể là những võ sĩ thượng hạng, cựu lính đặc nhiệm hay cựu sát thủ để ung dung đi trả thù rồi chỉ trầy xước nhẹ nhàng khi ra về.
Lí do thứ nhất tôi đánh giá cao Đỉnh Mù Sương là bởi dù thời lượng phim  không dài, ưu ái các màn chiến đấu võ thuật song vẫn làm rõ được thông điệp cảnh tỉnh người xem về lòng sân hận dễ mắc, khó bỏ.

Lý do thứ hai
Đỉnh Mù Sương là một bộ phim hành động võ thuật của Việt Nam. Đây là động lực thôi thúc tôi ra rạp. Bên cạnh đó, tôi cảm thấy thật phấn khích được xem võ sư Peter Phạm (Sifu Phạm quen thuộc với các clip hướng dẫn Vĩnh Xuân Quyền trên Youtube) cùng với Simon Kook (Cao thủ Muay Thái đã từng song đấu cùng Diệp Vấn- Chân Tử Đan trong Diệp Vấn phần 3); nhà vô địch Boxing Trương Đình Hoàng, xuất hiện cùng nhau trên màn ảnh.
Những cảnh quay võ thuật và khí chất của những võ sĩ trong phim rất chân thực. Đúng theo lối con nhà võ, nói ít làm nhiều. Hội thoại của họ trong phim dừng ở mức tối thiểu. Có thể với những ai mới xem điều này mang lại ấn tượng hơi “cứng” về diễn xuất. Nhưng với tôi lại là điểm cộng đáng trân trọng.
Vì theo tôi biết, những võ sĩ chân chính thường khá kiệm lời và không thích (hoặc không quen) diễn đạt hoa mĩ. Hầu hết thời gian, họ quan tâm tới tập luyện thể lực, kĩ thuật và tư duy đòn thế.
Võ sĩ đóng vai võ sĩ thì còn gì có thể chân thực hơn?
Nhờ sự nhập vai phù hợp, các cảnh chiến đấu bằng võ thuật trong phim càng trở nên thực tế hơn. Không có những cử chỉ thừa thãi, hình thức hay các màn khoa chân, múa tay làm dáng khiến người xem mang ấn tượng kiểu “Đúng là phim ảnh”.
Dĩ nhiên để làm được như vậy thì tôi tin đoàn làm phim đã vô cùng tận tâm và cống hiến hết mình, để khán giả đam mê võ thuật được hài lòng nhất có thể.
Dù là võ sư, võ sĩ thì họ cũng là người, cũng có da thịt và cũng biết đau đớn, đúng không các bạn?
Lý do thứ hai tôi thấy nên xem Đỉnh Mù Sương bởi vì đây là một bộ phim võ thuật đúng nghĩa.
Thay cho lời kết
Tôi mong rằng Đỉnh Mù Sương sẽ là sự tiếp nối tốt đẹp và ngày càng nâng cao chất lượng của dòng phim hành động võ thuật mang dấu ấn Việt Nam.
Đa số khán giả yêu mến võ nghệ đều trông đợi những tác phẩm truyền cảm hứng rèn luyện võ thuật, nâng cao sức khỏe và khích lệ những võ sĩ đang bước đi trên con đường võ học phát huy những giá trị nhân văn mà võ đạo mang lại.

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *