[Giáo dục] Phụ huynh và giáo viên: Tuy hai mà một
Cha mẹ và thầy cô có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến nhân cách của trẻ em. Để giáo dục các em nên người, thì cha mẹ, thầy cô cần chung sức, chung lòng và luôn sẵn sàng lắng nghe lẫn nhau bằng tinh thần thiện chí.
Người trong cuộc
Những ca từ như: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”; “Em yêu biết bao nhiêu mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương” từ lâu đã in đậm trong kí ức của biết bao thế hệ.
Cha mẹ sinh con, nuôi dưỡng con và cùng thầy cô dạy dỗ con nên người. Do đó, bậc làm cha mẹ ở nhà hay thầy cô ở trường lớp thì đều yêu thương, mong muốn con trẻ có tương lai tốt đẹp. Đáp lại tình cảm đáng trân quý từ bề trên, con cái rất mực kính trọng, hiếu thảo để cha mẹ, thầy cô vui lòng. Đạo lý “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Ngày nay, trước những biến động của thời cuộc, đôi lúc chúng ta không khỏi chạnh lòng vì những biểu hiện rạn nứt trong mối quan hệ tốt đẹp ấy- thậm chí ngay từ phía cha mẹ và thầy cô.
Những biểu hiện mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên dường như ngày càng rõ rệt hơn. Điều này được thể hiện từ các vụ việc đáng tiếc như: “Hơn 200 phụ huynh kéo đến trường quốc tế yêu cầu đối thoại” (tuoitre.vn); “Phụ huynh đánh giáo viên nhập viện là thất bại của bậc làm cha làm mẹ” (laodong.vn); “Làm học sinh sợ đến trường, giáo viên phải quỳ gối xin lỗi học sinh” (zingnews.vn).
Thay vì gặp gỡ để trao đổi nhẹ nhàng, thẳng thắn trên tinh thần đóng góp, xây dựng thì không ít phụ huynh đã chọn cách hành xử quyết liệt hoặc lời lẽ nặng nề để lên án, thậm chí trừng phạt những thiếu sót của giáo viên ngay trước mắt con em- tập thể học sinh vẫn ngày ngày được họ lên lớp dạy dỗ.
Điều này sẽ để lại ấn tượng xấu trong tâm hồn trẻ, gây ra cho trẻ niềm tin lệch lạc: Không tôn sư, cũng chẳng cần trọng đạo, chỉ cần dùng sức mạnh là có thể khiến mọi người khuất phục. Ngoài ra, khi cha mẹ chứng minh với con rằng thầy cô sai trái thì sự kính trọng của trẻ với thầy cô sẽ tan biến. Trẻ bắt đầu có cái nhìn tiêu cực về trường học và giáo viên. Dần dần trẻ sẽ từ chối tiếp thu sự giáo dục để chọn cách phát triển tự nhiên theo ý mình. Hiểm họa ấy không những bản thân đứa trẻ phải trả giá mà xã hội (trước nhất là gia đình) cũng phải oằn mình gánh chịu.
Thấu hiểu và đồng cảm
Giáo dục cần sự thấu hiểu ngay từ chính cha mẹ học sinh và giáo viên.
Dưới áp lực mưu sinh, không ít giáo viên buộc lòng phải tìm cách kiếm thêm thu nhập từ hình thức dạy thêm, làm thêm hoặc kinh doanh, buôn bán. Chính điều này khiến cho lòng tin, cùng thái độ tôn trọng của phụ huynh với giáo viên bị suy giảm. Bởi theo quan niệm chung, thì nghề thầy và nghiệp giáo vốn không nên đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu. Cái khó, cái khổ là một phần tạo nên nét cao quý của nghề nghiệp này.
Cho nên khi được hỏi về hình mẫu của một giáo viên tốt, không ít bậc cha mẹ vẫn hồi tưởng đến thầy cô của mình năm xưa với hình ảnh trang phục giản đơn, đạp chiếc xe cũ kĩ đến lớp nhưng vô cùng tận tâm dạy dỗ bởi thương trò.
Còn giờ đây, nhiều lúc lắng nghe phụ huynh tâm sự về buổi họp đầu năm cho con chỉ đơn giản là đến để đóng tiền, thì có thể phần nào hiểu được nỗi niềm của cha mẹ. Gia đình nào có hai cháu trở lên, thì sự lo toan lại càng thấm thía. Chi phí là vậy, chỉ có thêm song hiếm khi bớt, mà kết quả lại không được như ý thì dĩ nhiên sẽ xuất hiện mâu thuẫn âm ỉ. Để rồi, nếu vấn đề xảy tới thì lời qua, tiếng lại giữa gia đình và nhà trường mau chóng trở nên gay gắt.
Chính vì khổ tâm như nhau mà cha mẹ, thầy cô lại càng cần đồng cảm, giúp đỡ lẫn nhau. Vì thầy cô nào cũng làm cha mẹ, cha mẹ nào cũng làm thầy cô. Họ rất cần dành cho nhau sự trân trọng khi đôi bên đều đang cùng cố gắng làm tròn chức phận của mình.
Chung tay vì con
Con cái là điểm neo chốt giữa cha mẹ và thầy cô. Nếu thầy cô thương trò, thì cha mẹ mến trọng, nếu cha mẹ biết bảo ban con thì thầy cô mến phục. Tất cả đều xoay quanh quá trình nâng đỡ cho con trẻ trước khi bước vào đời.
Cùng chung lý tưởng ấy, họ cần đoàn kết, hợp tác và sẵn sàng tiếp thu lẫn nhau. Con người ai cũng sẽ có lúc thiếu sót và cần học cách để sửa chữa thiếu sót. Không chỉ riêng học sinh, dù là thầy cô giáo hay bậc phụ huynh thì đều cần phải nuôi dưỡng tinh thần cầu thị để ngày càng hoàn thiện.
Cha mẹ sẽ là tấm gương sáng nhất cho con cái về tinh thần “tôn sư trọng đạo” đồng thời, thầy cô cũng là gương rõ nhất cho đạo lí “tiên học lễ, hậu học văn”. Do đó, họ cần gặp gỡ nhau trên tình thần hòa ái, quan tâm và chân thành để hoàn tất sứ mệnh cao cả của mình.
*Bài đăng trên Tạp chí Gia đình & Trẻ em số 47 năm 2020.