Giáo dục,  Kiến thức giáo dục

[Giáo dục] Giúp con rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian

Thời gian là tài nguyên hữu hạn của con người. Nhưng nếu không được cha mẹ hướng dẫn cách thức để quản lý nguồn tài nguyên này, trẻ em sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tự lập, tự tổ chức cuộc sống của bản thân trong tương lai.

Giá trị của thời gian

“Thời gian là tiền bạc”, “Thời gian thấm thoắt thoi đưa” là điều mà đa số người trưởng thành đã thấm thía. Nhưng đối với trẻ em, việc giải thích về giá trị của thời gian không dễ dàng như vậy. Bởi các em chỉ có thể hiểu được những đối tượng cụ thể, thay vì những khái niệm trừu tượng. Ngoài ra, có lẽ các em cũng còn nhiều thời gian nên tự thân chưa thực lòng quan tâm đến giá trị của thời gian trong cuộc sống.

Thời gian của các em cũng thường được cha mẹ và nhà trường sắp xếp, nhắc nhở với những thời khóa biểu rõ ràng, đều đặn. Dần dần, các em cứ vậy lớn lên mà không cần sử dụng nhiều đến kỹ năng tự quản lý thời gian. Sự thiếu sót ấy trở nên đáng ngại khi các chàng trai, cô gái bắt đầu bước vào bậc Cao đẳng, Đại học hoặc đi làm. Đây là thời điểm mọi việc chỉ có thể hoàn thành, có kết quả tích cực nếu các bạn trẻ biết cách tự chủ, sắp xếp thời gian.

Trong quá trình tiếp xúc với các bạn học sinh, tác giả bài viết nhận thấy có những bạn trẻ đã học đến bậc Trung học Phổ thông nhưng vẫn cần cha mẹ gọi dậy đi học vào buổi sáng, vẫn cần cha mẹ nhắc nhở giờ nào là giờ học, giờ nào là giờ chơi, giờ ăn thì lại ngủ, mà giờ ngủ thì lại ăn v.v…khiến cha mẹ rất vất vả. Lỗ hổng kỹ năng đó kéo dài đến tận lúc bước chân vào giảng đường Đại học, các bạn sinh viên hay chia sẻ rằng bản thân thiếu thời gian cho việc làm bài tập nhóm, nghiên cứu trước tài liệu ở nhà, tham gia hoạt động ngoại khóa, nhưng lại thừa thời gian trực tuyến trên mạng Internet. Thậm chí cho tới lúc đi làm, tình trạng này cũng không được cải thiện hơn: mặc dù bận rộn nhưng hiệu quả công việc từ các bạn trẻ chưa cao, phải có deadline (hạn chót) thì nhiệm vụ mới xong với chất lượng khiêm tốn- do phải gồng mình làm trong trạng thái gấp rút, vội vàng.

Trong bài viết “Giới trẻ quá thừa…thời gian: Tạo sân chơi bổ ích” đăng trên báo điện tử Người Lao Động, Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam nhận định:

Truyền thống của người Việt Nam là yêu nước, thương người, cần cù chăm chỉ, lạc quan yêu đời. Việc lãng phí thời gian như trên là hội chứng đám đông, bắt chước, một người làm sai, nhiều người hùa theo. Ở một số nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore và nhất là Nhật Bản, trong thời gian làm việc, thanh niên không được uống bia rượu, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng. Người Nhật rất quý thời gian, trên xe buýt hay lúc nào rảnh rỗi họ đều lấy sách ra đọc. Họ đã được giáo dục biết quý trọng thời gian ngay từ khi còn rất nhỏ trong gia đình, trong trường học.

Nguyên nhân sâu xa và là cội nguồn của tình trạng giới trẻ có quá nhiều thời gian nhàn rỗi là do giáo dục mà ra. Giáo dục phải cho giới trẻ biết quý trọng thời gian, dành nhiều thời gian vào học tập, nghiên cứu để phát triển bản thân. Ngoài ra, cũng do bộ phận giới trẻ không có việc làm, chưa có việc làm hoặc chưa nhận thức được trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Trẻ em thực sự cần học cách quản lý thời gian ngay từ khi còn nhỏ. Bởi quản lý thời gian là thói quen cần được gây dựng từng chút một.

Thời điểm tốt nhất là hiện tại

Để giúp con quản lý thời gian, chúng ta cần bắt đầu từ sự đổi mới trong tư duy của các bậc cha mẹ. Vai trò của cha mẹ là người hướng dẫn, không phải là trợ lý của con cái. Do đó, cha mẹ không nên giúp con làm tất cả mọi việc mà cần hướng dẫn con cách tự thực hiện những công việc hằng ngày, tương ứng với lứa tuổi.

Cha mẹ trực tiếp hướng dẫn con cái là hoạt động mang lại nhiều ích lợi bền vững cho trẻ và củng cố mối liên hệ giữa trẻ đối với cha mẹ– duy trì liên hệ theo hướng này, con cái sẽ không bị lệ thuộc vào cha mẹ.

Trước hết, cha mẹ có thể giúp con học cách đo lường thời gian thông qua đồng hồ, lịch, các kế hoạch tự lập, nhật ký. Để trẻ hiểu được thời gian trôi đi liên tục và mỗi một công việc cần đi kèm với một khoảng thời gian cụ thể. Tiếp theo, cha mẹ có thể đồng hành cùng con trong việc xây dựng kế hoạch của riêng con. Chúng ta nên bắt đầu với những bản kế hoạch đơn giản, dễ hiểu, có hình ảnh hấp dẫn, có mục tiêu vừa sức với trẻ (có thể kèm theo các phần thưởng nếu trẻ hoàn thành kế hoạch). Cha mẹ cũng nên chia sẻ với con kế hoạch quản lý thời gian của bản thân và kế hoạch chung của cả gia đình nhằm giúp trẻ so sánh và học hỏi trong quá trình so sánh ấy.

Sẽ có những thời điểm trẻ chưa thành công trong việc quản lý thời gian. Ở tình huống này, cha mẹ nên nhẹ nhàng chia sẻ, động viên trẻ tiếp tục cố gắng. Kỹ năng quản lý thời gian đòi hỏi nỗ lực rèn luyện liên tục trước khi trở thành thói quen trong tư duy,  hành động của trẻ. Khi trẻ đã quen với việc lập kế hoạch, cha mẹ có thể bổ sung thêm các phương pháp, công cụ quản lý thời gian tối ưu hơn: sử dụng Ma trận quản lý thời gian Eisenhower để trẻ học cách phân loại mức độ quan trọng của các công việc trong ngày, trang bị sổ lập kế hoạch, giấy ghi nhớ, đồng hồ đeo tay cho trẻ.

Mong cha mẹ lưu ý rằng giúp con rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian không có nghĩa là gia tăng thêm áp lực hay tăng tốc, nhồi nhét công việc để khiến con đánh rơi mất tuổi thơ. Hiểu về tầm quan trọng của thời gian là con đường dẫn trẻ đến một cuộc sống chất lượng, lành mạnh, tự chủ và hạnh phúc. Do đó, thời điểm dạy con tốt nhất về giá trị của thời gian chính là hiện tại.

* Bài đã đăng trên Vì Trẻ Em – chuyên trang của Báo điện tử Dân Sinh.

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *