[Chia sẻ + Giáo dục] Cảm nhận sau Workshop: Tìm hiểu cách dạy văn, học văn từ các nước khác nhau trên thế giới
Sau khi tham gia buổi Workshop do Edu For Life – Dạy Văn Sáng Tạo tổ chức, tôi học hỏi được thêm nhiều điều bổ ích từ các thầy cô giáo có vốn sống, vốn giảng dạy sâu sắc hơn tôi. Chia sẻ từ các thầy cô, phụ huynh và bạn nhỏ An Ly về việc học văn ở các nước: Mỹ, Vương quốc Anh, Đức- tương đối khách quan. Theo đó, các khách mời sử dụng trải nghiệm thực và bàn về cảm nhận của họ- nên trong khoảng năm tiếng đồng hồ theo dõi chương trình, tôi không cảm thấy bị mệt mỏi hay nặng nề về lý thuyết.
Bài viết này là đánh giá chủ quan của tôi về những điều tôi rút ra được. Có lẽ, đôi chỗ sẽ không giữ nguyên văn câu từ hay nguyên vẹn thông điệp, nên tôi khuyến khích bạn đọc xem lại chương trình để trực tiếp tìm hiểu cho thấu đáo hơn.
Ở phần chia sẻ của thầy Joe (đến từ Mỹ), tôi ấn tượng với lưu ý về việc sửa sai cho học sinh khi đọc và cách giải quyết khi học sinh tỏ ra chán nản, bất hợp tác trên lớp.
Theo kinh nghiệm của thầy Joe, việc sửa sai không nên diễn ra ngay lập tức tại thời điểm trẻ đang đọc bài. Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Bởi việc sửa lỗi cho trẻ em (thậm chí là cả người lớn) là một việc tốt nhưng đòi hỏi tính tế nhị. Sửa sai nên là hoạt động khuyến khích trẻ thử lại cho đến khi đúng, thay vì đánh sập luôn lòng tự tin hoặc nhấn nhá vào dụng ý cho rằng trẻ yếu kém.
Nếu người giáo viên mà bắt được lỗi sai như bắt được vàng, thậm chí là trở thành các “cảnh sát chính tả” thì có lẽ, họ có kỹ năng của người giáo viên nhưng không thực sự có trái tim của người thầy.
Phương pháp giải quyết khi học sinh tỏ ra chán nản là điểm tiếp theo khiến tôi ấn tượng. Thầy Joe chọn cách khó nhất những cũng đơn giản và hiệu quả nhất: Giải thích. Tôi nhận thấy không phải cha mẹ, thầy cô nào cũng lựa chọn giải pháp tuyệt vời này. Thay vào đó, khi thấy con trẻ bất hợp tác, chống đối, chúng ta chọn đeo cho mình mặt nạ uy quyền để ép trẻ thuần phục thông qua các hình phạt. Ngày xưa “thương cho roi cho vọt” là do nếp nghĩ này chăng?
Thầy Joe giải thích cho học sinh của mình hiểu rằng: sẽ có những việc không ngay lập tức đem lại niềm vui. Cũng giống như sau này, khi các bạn nhỏ đi làm, cần chăm chỉ hoàn thành nhiệm vụ trước khi nhận lương. Chỉ một hành động nhỏ của người giáo viên là giải thích, sẽ góp phần đáng kể trong việc giúp trẻ có nhận thức đúng đắn về quy luật của đời sống mà các em sẽ sớm gia nhập.
Suy cho cùng, tôi nghĩ đây là điều mà mọi bậc cha mẹ, thầy cô nên làm- thay vì mắng nhiếc, đánh đập con thật dữ dội song cũng thật hời hợt.
Ở phần chia sẻ của cô Nguyệt (tốt nghiệp tại Anh Quốc), thông tin khiến tôi hứng thú là việc xây dựng chương trình giáo dục từ điểm nhìn của người học và ẩn sau mỗi chương trình là mỗi triết lý giáo dục cụ thể.
Tôi nghĩ tinh thần xây dựng chương trình giáo dục từ điểm nhìn của người học thường hiển nhiên trên giấy tờ nhưng ít bắt gặp trong thực tế. Tôi thấy trẻ em thường được học những cuốn sách mà người lớn chọn lọc, rồi soạn ra, rồi thiết kế bài giảng rồi kiêm nhiệm luôn cả phần kiểm tra, đánh giá. Một chu trình khép kín như vậy thì dĩ nhiên, không thể trách các bạn trẻ ham chơi hơn ham học được (vai trò của trẻ trong việc học ở đâu?). Trẻ em học theo cách chúng muốn, thay vì học theo cách người lớn muốn dạy.
Việc xây dựng các chương trình giáo dục dựa trên triết lý giáo dục cụ thể là kiến thức khá thú vị với tôi. Tôi tự đặt ra cho mình một vài câu hỏi: Liệu có phải lúc nào các chương trình ấy cũng thực sự được xây dựng trên triết lý cụ thể không? Việc thiếu đi các triết lý ấy khiến cho chương trình giáo dục trở nên thế nào? nếu pha trộn các triết lý thì chương trình sẽ ra làm sao? Tiêu chí trong việc lựa chọn các triết lý được diễn ra một cách khách quan hay đầy cảm tính và lệ thuộc vào một nhóm, hay cá nhân nào đó? Nhóm hay cá nhân đó có thể bị chi phối bởi những yếu tố nào? Quan trọng nhất, nếu triết lý xây dựng chương trình rất hay ho nhưng không phù hợp với thực tế, thì số phận của người học sẽ đi về đâu?
Tôi không định tìm hiểu sâu hơn lĩnh vực này. Có lẽ, các nhà hoạch định chính sách, quản lý giáo dục và nghiên cứu lý thuyết giáo dục giàu hiểu biết hơn tôi. Với tôi, tôi bằng lòng với hiểu biết của mình: triết lý giáo dục của người thầy là triết lý sống của chính bản thân anh ta. Câu chuyện lựa chọn triết lý giáo dục có lẽ chỉ là hành động anh ta mượn một tư tưởng nào đó gần nhất với triết lý sống của mình mà thôi.
Trong phần chia sẻ cuối cùng từ nhóm giáo viên, phụ huynh (từ Đức) tôi thu được bài học về mục đích thực tế của việc học và người thầy, người trò đều nên cảm thấy vui thích khi được làm việc cùng nhau.
Tính thực tế được thể hiện trong việc dạy văn, học văn gắn liền với các mẫu văn bản sinh ra từ đời sống thường ngày. Người học cũng không bị bó buộc trong việc phải viết theo một khung cố định mà có thể nêu lên cảm nhận thực sự của bản thân. Việc học nếu không phải là quá trình chuẩn bị cho đời sống sau này, thì liệu nó có còn hữu ích và khiến cho người học hứng khởi?
Trẻ em cảm thấy vui khi đi học và được giáo viên quan tâm, dành thời gian hỗ trợ bằng thái độ ân cần nhất có thể. Vì sao lại như vậy? có lẽ, vì người giáo viên được khích lệ làm công việc họ chọn. Trong chương trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm tại Đức, sau lần thực tập thứ nhất, sẽ có khoảng thời gian dành cho mỗi cá nhân tự đánh giá xem bản thân có phù hợp theo nghề giáo hay không. Nhờ quá trình sàng lọc này, mà có thể tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” được giảm bớt, giáo viên đứng lớp hầu hết là những người hài lòng với nghề nghiệp họ chọn. Nên thầy cô giáo vui- học sinh của họ cũng được vui lây. Nghề giáo là nghề không thể, không nên ép buộc bởi những thầy cô “phải” dạy học sẽ tạo nên những thế hệ học sinh hoang mang, bức bối và hoài nghi mọi thứ.
Quay trở lại việc dạy học của tôi trong vai trò của một gia sư, thì điều tôi hướng đến khi dạy môn văn về mặt kỹ năng là giúp học sinh rèn luyện việc nghe – nói – đọc – viết và bồi dưỡng cảm xúc nơi người học.
Bởi nếu sau mười hai năm học môn văn ở trường học, mà người học chưa thể lắng nghe người khác; chưa thể nói sao cho người khác hiểu, chưa biết cách diễn đạt tâm tư tình cảm của mình; chưa thể đọc và hiểu đúng thông tin, chưa có thói quen đọc sách; chưa biết viết và suốt phần đời còn lại không có nhu cầu viết ra điều gì đó…thì với tôi, môn văn có lẽ nên chuyển thành môn… vô thưởng vô phạt.
Về mặt bồi dưỡng cảm xúc, tôi nghĩ môn văn có trách nhiệm, dù trách nhiệm này tương đối nặng nề. Không nhất thiết học văn là mưu cầu trở thành nhà sáng tác để say sưa hay ủy mị, để hơn đời hoặc khác đời, nhưng chúng ta cần học văn để nuôi dưỡng nhân tính và biết coi trọng, hướng tới giá trị nhân văn. Điều này rất cần trong thế giới nội tâm vốn luôn có sự xung đột giữa giống bốn chân và giống hai chân, chung sống trong cùng một mái nhà mang tên “con người”.
Xin cảm ơn Edu For Life – Dạy Văn Sáng Tạo đã tổ chức một buổi Workshop thú vị về môn văn, gợi lên cho tôi nhiều suy tưởng hữu ích về hoạt động dạy học của bản thân trong những ngày đầu năm./.
*Ảnh trong bài viết tôi copy từ group Dạy Văn Sáng Tạo