Giáo dục,  Kinh nghiệm giáo dục

[Giáo dục] Giúp con giải tỏa căng thẳng trong mùa thi

 

Mùa thi là thời điểm các bạn học sinh phải thường xuyên đối mặt với áp lực. Các bậc cha mẹ nên làm gì để giúp con giải tỏa căng thẳng, có tâm lý thoải mái, tự tin gặt hái kết quả xứng đáng? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Ăn ngủ cùng sự hồi hộp

Thời tiết mùa hè báo hiệu hai điều: nghỉ hè và những kì thi. Đối với các bạn học sinh đang chuẩn bị thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì không có kì nghỉ hè. Lịch học, lịch sinh hoạt của không ít bạn đã được nâng cấp, bổ sung tối đa. Bên cạnh những giờ học chính, học thêm trên trường lớp là những giờ tự học, tự luyện tại nhà. Tuy nhiên, sự vất vả không phải là điều khiến các bạn trẻ và gia đình lo lắng nhất, mà là áp lực của kì thi kèm theo sự kì vọng.

Trước mùa thi, đó là việc đăng ký nguyện vọng vào trường nào cho phù hợp. Con em sẽ chọn trường theo sở thích cá nhân, theo số đông bè bạn hoặc một phút ngẫu hứng. Còn cha mẹ sẽ quan tâm đến học lực của con, chi phí cho quá trình học và tên tuổi, chất lượng của ngôi trường. Từ đây cha mẹ và con cái có thể gia tăng áp lực lên nhau. Đó là chuyện xảy ra ở gia đình chị Tuyết (Hà Nội), khi anh chị muốn con thi vào một trường công lập cấp 3 gần nhà, trong khi cậu bé lại muốn vào trường dân lập cùng các bạn. Anh chị đã thử nhẹ nhàng tâm sự về môi trường học tập công lập, cho đến to tiếng phân tích chi phí học trường dân lập với con. Mặc dù vậy, không khí cả nhà vẫn hiếm khi vui vẻ khi nhắc tới chủ đề này.

Học sinh thường xuyên bị căng thẳng, mệt mỏi trước mỗi mùa thi. Ảnh minh họa

Cận kề ngày thi, không ít bạn học sinh bắt đầu cảm thấy rối bời do lịch học quá tải. Nếu không có phương pháp, sẽ có những bạn lao vào học ngày, học đêm tới mức suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần. Cũng có những bạn tưởng chừng rất ung dung trong quá trình ôn thi, nhưng đến ngày thi thì đột nhiên hoang mang. Anh Bắc (Hà Nội) tự nhận thấy con anh không phải có học lực yếu, nhưng cô bé nhạy cảm và thường bị toát mồ hôi, tay chân run rẩy khi sợ hãi. Gia đình anh biết vậy nên không tạo bất kì áp lực gì lên con, để con hoàn toàn tự chủ trong việc chọn trường. Nhưng cô bé vẫn cảm thấy bất an. Anh chị quyết định cùng xin nghỉ làm để đưa con gái đi thi cho vững tâm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Dường như chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thi cử và điểm số, không chỉ các bạn học sinh mà cả phụ huynh đều cảm thấy áp lực mỗi khi mùa thi đến.

Theo thống kê của tổ chức UNICEF, cho thấy trong năm 2018 có 8%-29% học sinh, mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó có đến 2,3% trẻ vị thành niên tự tử và 10%-15% học sinh có ý định tự tử đều có liên quan đến những áp lực trong học tập.

Song hành cùng con

Để giúp con giảm bớt căng thẳng trong mùa thi, các bậc cha mẹ có thể tham khảo công thức sau đây. Đây là trải nghiệm mà tác giả bài viết đã tích lũy được trong quá trình hướng dẫn các bạn học sinh học tập, ôn luyện: Kiến thức vững vàng + Sức khỏe tốt + Ổn định tinh thần + Làm chủ thời gian + Có phương án dự phòng = Kỳ thi tốt đẹp.

1. Kiến thức vững vàng: Cha mẹ nên phân tích để con hiểu rằng cần chuẩn bị kiến thức vững vàng (không phải là kiến thức bị nhồi nhét, chồng chất). Đó cũng không phải là kiến thức quá cao siêu mà là những nội dung các con đã được học, được ôn tập trên lớp.

2. Sức khỏe tốt: Cha mẹ nên nhắc nhở con ăn, ngủ đúng giờ, điều độ. Bổ sung rau xanh, uống đủ nước. Đặc biệt là trẻ cần tập thể dục mỗi ngày thay vì ngồi triền miên trên bàn học.

3. Ổn định tâm lý: Hãy lắng nghe cảm nhận, suy nghĩ của con. Cha mẹ không nên áp xuống những kì vọng cao xa. Thay vào đó hãy phân tích để con có lựa chọn vừa sức trong kỳ thi và có kế hoạch học tập phù hợp.

4. Làm chủ thời gian: Cha mẹ nên hướng dẫn con làm chủ thời gian trong sinh hoạt thường ngày, tránh việc tăng ca, học dồn gây xáo trộn sinh hoạt. Hạn chế tối đa việc các bạn nhỏ thức đêm, lạm dụng các thiết bị công nghệ (dù là với lý do phục vụ học tập chăng nữa). Bởi chúng có thể gia tăng thêm sự căng thẳng thần kinh lên trẻ.

5. Có phương án dự phòng: “Học tài thi phận” là điều xưa nay không hiếm. Cả cha mẹ và con nên trò chuyện để cùng nhau tìm ra các lựa chọn thay thế. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên khuyến khích con đăng ký thi thử để con tự tin và làm quen với bầu không khí trong phòng thi.

Cha mẹ đồng hành cùng con trong mùa thi. Ảnh: Giang Huy

Đây là giai đoạn các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho gia đình để củng cố kết nối với trẻ. Khi con trẻ chưa trưởng thành, thì cha mẹ là người chỉ dẫn, đưa ra lời khuyên thông thái giúp con vượt qua sự biến động, mất phương hướng.

Gia đình chị Hằng (Hà Nội) tôn trọng quyết định và cũng là ước mơ thi vào trường chuyên của con gái. Chị ủng hộ con nhưng cũng không quên nhắc nhở con tìm hiểu thông tin các ngôi trường khác. Ngoài ra, chị cũng không để con chỉ biết đến việc ôn thi mà vẫn sắp xếp thời gian để con nghỉ ngơi, vui chơi và giúp đỡ cha mẹ việc nhà.

Bởi không có áp lực, nhận được sự đồng thuận từ gia đình và nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân, nên cô bé học hành rất chăm chỉ, tự giác và có tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi.

* Bài đăng trên https://vitreem.baodansinh.vn/

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *