[Chia sẻ + Giáo dục] Chuyện học
Bài viết này chia sẻ lại suy nghĩ của tôi về việc học tập. Trong quá trình học và dạy học rồi lại tiếp tục học, tôi thường quan sát cách mọi người xung quanh và bản thân học. Nguồn nguyên liệu từ thực tế này giúp tôi suy nghĩ về việc học nhiều hơn. Tôi nhận thấy nếu học mà không suy nghĩ thì thực sự khá lãng phí và đáng tiếc. Có lẽ “học” thường được hiểu một cách chung chung, nhưng tôi nghĩ bản chất giữa giáo dục và đào tạo của việc học nên được xác định rõ ràng.
Giáo dục hướng đến khai phóng tiềm năng con người, giúp họ hiểu biết về bản thân và làm chủ số phận. Còn đào tạo có lẽ là giúp con người biết nghe theo các mệnh lệnh từ bên ngoài một cách hiệu quả hơn. Đào tạo không hẳn là xấu, nhưng nếu đào tạo một cách khiên cưỡng hoặc vi phạm đến quyền lợi chính đáng của con người thì tôi không ủng hộ.
Học là chắp đôi cánh để bay lên bầu trời, còn đào tạo là lập trình đường đi trên mặt đất. Nếu không có chạy đà thì khó bay cao nhưng nếu chạy đà quá lâu mà không thể cất cánh thì dễ bị “áo cơm ghì sát đất”.
Khác với các loại động vật sống thuần túy bản năng, con người là loài vật có lý trí và có lựa chọn. Không phải lúc nào chúng ta cũng cần dùng răng nanh hay móng vuốt để xẻ thịt những loài yếu ớt hơn mình. Cũng như không nhất thiết những người tư duy phát triển hơn sẽ dùng tư duy ấy để biến người khác thành công cụ thỏa mãn dục vọng cá nhân. Vậy nên nếu học để phát triển hơn, giải phóng bản thân rồi lại đi nô dịch người khác, thì có lẽ sự học đó phản nhân văn. Và ngược lại, nếu hoàn toàn không học, chỉ tin vào bản năng, trực giác thì việc sống cuộc đời bình an là điều không tưởng. Bởi thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến những lựa chọn sai lầm, tự đâm đầu trở thành công cụ hoặc tự hủy dần mòn mà bản thân không hay biết.
Sự học thuần túy có lẽ sẽ giúp người ta thoát khỏi bản năng, sự ích kỷ và những ham muốn vô tận. Tôi nghĩ việc học thuần túy sẽ sinh ra những cá nhân có thực học, có đạo đức- đạo học của họ cũng chính là đạo đức. Sau một thời gian học tập, đến nay tôi thường hay nghĩ tới việc quay lại những giá trị căn bản. Bởi tôi nhận thấy càng ngày càng có quá nhiều thứ được tạo ra với cảm giác là cần phải học, nhất là đối với con trẻ.
Mớ thông tin đó tôi không dám chắc là kiến thức, và cũng không chắc lắm về giá trị của nó với người học. Có nhiều động cơ tiềm ẩn sau những điều đó cũng như có nhiều vấn đề phía sau thời khóa biểu dày đặc của trẻ em. Điều bí ẩn là tại sao gia đình và bản thân các em vẫn cam chịu sự vô nghĩa ấy?
Học lung tung, nhồi nhét chắc chắn không có lợi, thậm chí còn có hại. Các bậc tiền nhân đi trước chúng ta đã cảnh báo về điều này: “Đa thư loạn mục”. Nếu xem lại các cuốn sách giáo khoa trước đây, ví dụ như cuốn “Quốc văn giáo khoa thư” chúng ta sẽ thấy trẻ được dạy những điều rất căn bản nhưng có ích (và có liên quan đến đời sống thường ngày) ví dụ như hiếu thảo với cha mẹ, giữ gìn vệ sinh, chăm chỉ học tập, chọn bạn để chơi v.v. Sự giản đơn ấy có tác dụng bồi đắp tư duy, sự hồn nhiên của trẻ. Tôi nghĩ trước khi vội vàng chê cười những điều xưa cũ, giản đơn ấy để lao vào guồng quay của những thứ mới mẻ, tân tiến thì người học cần suy tư. Sự học đầu tiên nên là học cách sử dụng lý trí của bản thân.
Ngày nay, trẻ được nhồi nhét để thực hiện các bài thi, bài đánh giá năng lực, bài kiểm tra được “chuẩn hóa” theo chuẩn quốc tế hoặc tất tả chạy theo các mớ huy chương. Có huy chương đẹp để treo lên chơi thì thích thật, nhưng tấm huy chương nào cũng có mặt trái và cũng không phải tấm huy chương vàng nào cũng có chất liệu là vàng thật. Khi giá trị nội tại chưa vững vàng mà muốn hòa nhập thì bị hòa tan là điều tất yếu.
Do “học hết sức” nên các em cũng “chơi hết mình”. Sự mất cân bằng này không chỉ ảnh hưởng đến năng lực mà còn ảnh hưởng đến nhân cách của các em. Có lẽ đã đến lúc các bậc phụ huynh nên bình tâm suy xét lại hai câu hỏi căn bản là con cái mình đang học cái gì? và học những thứ đó để làm gì? Nếu không trả lời được hai câu hỏi này một cách rõ ràng, thấu tình đạt lý thì việc đầu tư cho con học không phải là thương con mà là đang hại con.
Thời gian gần đây, những vấn đề về sức khỏe tinh thần, bạo lực học đường, sử dụng chất kích thích gia tăng nhanh chóng. Hiện tượng này là những tín hiệu cho thấy trẻ giờ ngồi học nhiều hơn nhưng thực sự đang ngày càng học được ít thứ hơn. Chính vì không thực sự học nên các em bị thiếu hiểu biết, vì thiếu hiểu biết nên mới có những hành động dại dột và dễ bị dụ dỗ, dẫn dắt một cách vô tri theo những gì các em thấy trên Internet.
Một em học sinh lớp Năm nói về tình huynh đệ và cảm giác đau đớn khi bị đâm sau lưng, một em học sinh lớp Tám nói về khởi nghiệp để giàu có và một em học sinh lớp Mười nói về mẹo hẹn hò để kiếm bạn trai đi xe đẹp dùng điện thoại xịn là những điều tôi từng được lắng nghe.
Nếu cho rằng tôi đang quá bi quan, thì bạn có thể trò chuyện với một bạn học sinh, sinh viên bất kỳ bạn gặp trên đường. Sẽ không bất ngờ lắm nếu những bạn này không thể nhớ nổi lịch học của bản thân, không thể hiểu nổi thứ mình đang học là gì, để làm gì và càng không biết được ước mơ của bản thân. Nếu đi sâu hơn vào lắng nghe ý kiến của các bạn về các vấn đề trong đời sống, bạn sẽ nhận ra sự mâu thuẫn giữa học lực và nhận thức, giữa lời nói và trách nhiệm, giữa thành tích và tư duy.
Tôi không có ý mang các bạn trẻ này ra để chế giễu hay chê trách, nhưng nếu những “chủ nhân tương lai của đất nước” đang ở trong tình trạng nhận thức mơ hồ, không tha thiết học hành, bị ép phải học để đạt được những thành tựu bên ngoài trong khi bỏ mặc phần bên trong, thì tương lai khó có thể mang màu hồng và thường chỉ là những lời hứa không có hẹn.
Tôi cho rằng chuyện học rất hệ trọng, nên được xếp ngay sau sức khỏe trong những giá trị then chốt của đời người. Nhưng nếu lầm lẫn về bản chất và mục đích của việc học, thì việc học sẽ trở nên đáng sợ và vô bổ.
Tâm tư tôi chia sẻ trên đây là những ý tưởng, có thể chưa hoàn toàn mạch lạc nhưng đó là cảm nghĩ chân thực của tôi. Với những ý tưởng nhỏ bé này, tôi mong rằng mình có thể gợi lên thêm những ý nghĩ có lương tri- thay vì tận dụng sự vô tri của đồng loại để tư lợi trong hoạt động giáo dục.
Câu đố “Vì sao trẻ nhỏ rất hồn nhiên và thông minh nhưng càng học, càng lớn thì những tư chất tốt đẹp ấy càng phai nhạt?” vẫn luôn khiến tôi nghĩ ngợi. Các bạn trẻ của đất nước chúng ta có tiềm năng, nhưng không phải bạn nào cũng có thể hiện thực hóa thành khả năng, năng lực mà đôi lúc còn bị thui chột. Đơn giản là bởi các bạn chưa từng được biết đến giá trị của thực học, đến niềm tin vào giá trị của những hiểu biết căn bản khi làm người- bi hài thay, là bởi các bạn bị ép phải học quá nhiều. Mà điều gì nhiều quá thì thường không tốt.